Anh bạn này ngày trước yêu rồi cưới cô hoa khôi nổi tiếng xinh đẹp trong trường. Chắc lại đang có điều khó chịu với tiêu chuẩn, đòi hỏi của hoa khôi. Biết vậy nên tôi tủm tỉm: "Sự thể thế nào?".
Được lời như cởi tấm lòng. Anh bạn dốc lòng thao thao:
"Bà ấy chê tôi trước tiên là ở bẩn. Mà có cái gì đâu. Trời lạnh vài ba bữa tắm một lần là được rồi, sao phải câu nệ", "Thuốc lá tôi hút, cắm ở gạt tàn chưa kịp vứt. Cứ từ từ rồi vứt, vội gì. Thế mà cũng um lên".
Tôi bảo, "đa phần đàn ông là thế. Một mặt nào đó, đấy là biểu hiện của sự nam tính. Chỉn chu, sạch sẽ quá thì tranh phần nữ tính của vợ à".
Anh bạn tôi lại bảo: "Bà ấy lại kêu tôi ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng khi thấy tôi nhiệt tình với việc trong khu. Nói thật chứ hôm ấy không có tôi, việc tổ chức liên hoan tất niên cho mấy tầng của chung cư còn lâu mới thành công được thế".
Bạn tôi làm truyền thông, có kinh nghiệm trong tổ chức sự kiện, giao du, quen biết cũng nhiều. Ra ngoài nhiều người khen ngợi tài hoạt bát, nói năng, nhưng anh chàng bức xúc vì vợ cứ tụ tập với bạn bè lại chê chồng là "nổ", chỉ được cái đi lắm quen nhiều chứ không ra cái nết gì hết. Về nhà với vợ thì ngậm tăm, việc quan trọng lắm mới nói được cho ra đầu ra đũa, còn toàn nhường phần vợ.
Tôi lại bảo, đàn ông đầu đội trời chân đạp đất, ra ngoài mà giảo hoạt nói năng, được nhiều người yêu mến, quen thân, dù xã giao thôi cũng tốt. Đàn ông về nhà mà lèm bèm, tranh tiếng cướp lời vợ, cái gì cũng mồm năm miệng mười mới là đàn ông làm đàn bà chết mệt. Nói năng là "đặc quyền" của đàn bà, nói không quá chứ bà nào có chồng lắm lời dễ chết vì stress, vì không còn chỗ để thỏa quyền nói năng.
Anh bạn tôi lại bực: "Bà ấy còn bảo tôi hoang phí. Tiền kiếm được bao nhiêu mà đem thóc đãi gà rừng, hội hè nhậu nhẹt cho lắm rồi lại tốn tiền...".
"Thế ông có đưa tiền cho bà ấy giữ không?".
- "Nộp cả".
"Thế bà ấy có thu lại khoản tiêu vặt của ông không?"
- "Đời nào tôi cho làm thế".
"Phụ nữ chưa nghĩ đến việc móc ví chồng thu lại tiền của chồng có nghĩa là vẫn tin vào sự chi tiêu của anh ấy. Không đòi hỏi thêm có nghĩa là vẫn hài lòng với thu nhập của chồng. Ối chị em chồng thu nhập thấp còn chẳng nỡ "vòi" thêm. Đôi khi việc họ cằn nhằn chỉ mang tính nhắc nhở phòng xa. Ai bảo các ông sinh ra đã là loài phóng khoáng, không có vợ ở bên mà nhắc, chắc đến cái quần đùi cũng không giữ lại cho mình đâu" - tôi lại đáp lời.
- "Thế bà nghĩ sao khi đến chuyện giường chiếu vợ tôi cũng lôi ra kêu với bàn dân thiên hạ. Cái thằng thứ hai ấy, ai chả biết nhỡ nhàng. Giờ nó hai tuổi rồi, vẫn có lúc thấy bả lôi ra kêu là vì tôi làm bả "dính" chứ bả làm gì có ý định mang bầu".
Nói đến đây chưa chờ tôi phân bua anh bạn đã nghệt ra, rồi mặt giãn hẳn. "Hóa ra các bà nói xấu chồng như thế chỉ để tâng chồng?".
Tôi bảo: "Vâng, phụ nữ tưởng khó hiểu mà lại thật dễ hiểu. Ngay cả việc nói xầu chồng cũng là một cách "ý nhị" để họ bày tỏ sự tự hào của họ về chồng. Chẳng ai chấp nhận sống hết cuộc đời với một người, nếu thực sự trong mắt họ, người ấy toàn điểm xấu đến mức không thể chịu đựng nổi.
Anh bạn có vẻ hiểu ý nên đùa hỏi lại: "Thế bà thạc sỹ tâm lý nghĩ tôi có nên tiếp tục "xấu" theo cách đó trong mắt vợ nữa không?".
Tôi không trả lời vì biết vẻ mặt hoàn toàn biến mất những bực dọc ban đầu kia đã có cho mình câu trả lời. Phụ nữ mà, cứ để cho họ được nói, được dốc lòng, và đừng quên rằng đôi khi với họ, nói "có" lại có nghĩa là "không". Các anh chỉ nên thực sự lo lắng khi bà xã bắt đầu một vấn đề bằng câu "Em nghĩ chúng mình cần nghiêm túc nói chuyện". Còn việc họ tụ tập tán gẫu, đem chồng ra bàn tán, chuyện vô hại xưa nay rồi. Đa số họ tự hào khi được nói xấu chồng như thế.
Theo H.A (Dantri)