Dự án Thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa tổng diện tích đất sử dụng khoảng 7.656 ha, quy hoạch dọc hai bên bờ sông Ba với mục tiêu trở thành siêu đô thị năng động, hiện đại, hoạt động trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển các lĩnh vực điện ảnh, công nghệ thông tin, giáo dục.
Dự án bao gồm một thành phố công nghệ cao, một thành phố đại học hiện đại, đẳng cấp, một vùng kinh tế thương mại, một khu vực văn hóa. Hình thức đầu tư dự án là 100% vốn nước ngoài, tổng vốn đầu tư khoảng 11,4 tỉ USD, được phân kỳ theo ba giai đoạn, chủ yếu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, làm đòn bẩy để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Sáu phân khu chức năng của dự án bao gồm: Trung tâm Thành phố nằm tại khu Nam Tuy Hòa được bao quanh bởi khu Metro và công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí, khu vườn thực vật và nghỉ mát Đà Rằng; khu dân cư dọc bờ sông Ba. Đặc biệt là các khu Thung lũng điện tử và Thành phố giáo dục được đầu tư để trở thành một trung tâm lớn phát triển kỹ nghệ với các phần mềm điện toán, điện ảnh, thương mại điện tử, các hệ đào tạo được liên kết với các trường học của Hoa Kỳ….
Vùng dự án kéo dài từ thành phố Tuy Hòa đến các huyện Đông Hòa và Tây Hòa. Dự kiến, giai đoạn một của dự án được thực hiện khoảng gần 2 tỉ USD.Để chuẩn bị cho dự án này, tỉnh Phú Yên đã thuê công ty CPO (Singapore) quy hoạch “Thành phố sáng tạo” đến tỉ lệ 1/2000. Dự án được chuẩn bị từ trước năm 2008, đến năm 2009 được chính thức trao giấy chứng nhận đầu tư cho Galileo Investment Group, Inc..
Tuy nhiên, ông Phạm Đình Cự cho biết, sau nhiều lần xin hoãn đầu tư dự án, gần đây nhất, Galileo Investment Group, Inc. xin UBND tỉnh Phú Yên tiếp tục hoãn dự án đến ngày 31.12.2010. Tuy nhiên, đến lúc này, tập đoàn này vẫn chưa có động thái gì để đầu tư dự án. Ngay cả ký quỹ đầu tư theo quy định cũng không thực hiện. Theo kiểm tra thực tế, Galileo Investment Group, Inc. không đủ năng lực tài chính để đầu tư dự án.Phú Yên là tỉnh khá nổi tiếng với những siêu dự án tỉ USD. Ngoài dự án “Thành phố sáng tạo”, tỉnh này còn có những siêu dự án khác như lọc – hóa dầu Vũng Rô (trên 11 tỉ USD); Đặc khu kinh tế Phú Yên do tập đoàn Sama Dubai (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất – UAE) đăng ký đầu tư hàng trăm tỉ đô la với diện tích đầu tư dự án chiếm… 1/3 tỉnh Phú Yên.
Về vấn đề Đặc khu kinh tế Phú Yên phải thành lập ban chỉ đạo Nhà nước để nghiên cứu thực hiện dự án. Thực hiện thì chưa thấy đâu, chỉ biết rằng theo dự án của nhà đầu tư thì dân Việt Nam muốn đặt chân vào đặc khu này thì phải có… visa (!?). Trong khi đó, dự án lọc – hóa dầu Vũng Rô thì nhà đầu tư ban đầu là một “đại gia” Singapore đã chạy mất sau khi “mượn” tiền của tỉnh Phú Yên và huyện Đông Hòa để làm sang, tặng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, thực hiện việc đền bù cho vài hộ dân. Đến lúc này, hàng trăm hộ dân sống trong vùng dự án phải chịu cảnh “nhà sập không được xây, nhà dột không được sửa” còn các cấp tỉnh Phú Yên thì không biết phải đòi tiền đã cho mượn ở đâu.
Theo Tiến sĩ Trương Đình Hiển, nhà chuyên môn hàng đầu Việt Nam về cảng biển và lọc – hóa dầu thì Phú Yên có một địa điểm thuận tiện để thực hiện dự án loại này là biển An Chấn (huyện Tuy An). Tuy nhiên, vùng này nằm trong siêu dự án Đặc khu kinh tế nên chẳng được ai đả động tới. Kết quả là các siêu dự án vẫn là những… siêu phẩm trên giấy.
Theo Thanh Thanh (SGTT)