Phú Yên tìm giải pháp vượt khó, phục hồi sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Có thể chưa phủ hết vaccine toàn tỉnh nhưng sẽ tập trung tiêm ở các vùng trọng tâm như TP Tuy Hòa, các khu công nghiệp để doanh nghiệp hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới. Chúng tôi có thể cam kết với doanh nghiệp về điều này”.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, khẳng định như trên tại hội nghị đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế tỉnh Phú Yên trong tình hình mới do UBND tỉnh này tổ chức chiều 25-9.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (đứng) chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp. Ảnh: TẤN LỘC

Phủ nhanh vaccine để phục hồi sản xuất

Theo ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Phú Yên, hiện nay tỉ lệ công nhân, người lao động tham gia lao động, sản xuất tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã tiêm vaccine mũi 1 chỉ mới 68%, mũi 2 đạt 22,8%, dù lực lượng này được tỉnh ưu tiên tiêm vaccine.

“Do đó, để tạo điều kiện cho người lao động an tâm tham gia sản xuất, tạo thuận lợi cho cho doanh nghiệp sớm phục hồi, cần sớm đảm bảo tỉ lệ người lao động, chuyên gia tham gia sản xuất mũi 1 đạt 100% và từng bước đảm bảo đạt tỉ lệ mũi 2 để đáp ứng yêu cầu mở cửa lại nền kinh tế trong điều kiện dịch COVID-19”- ông Tiến nói.

Ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Phú Yên, nói mong mỏi lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp ở Phú Yên hiện nay là tiêm vaccine nhanh nhất có thể để các cơ sở sản xuấ, kinh doanh mở cửa, hoạt động trở lại. Ông Thọ kiến nghị khi nguồn vaccine chưa đủ, tỉnh Phú Yên nên ưu tiên tiêm cho những người hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, du lịch, xây dựng, giao thông…

Ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Phú Yên. Ảnh: TL

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Phú Yên đề nghị tổ chức cấp thẻ xanh, cho những người đã tiêm hai mũi vaccine được đi lại, tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Thọ cho rằng hiện nay còn nhiều quy định bất cập như các chuyên gia từ nơi khác đến dù đã tiêm hai mũi vaccine nhưng phải cách ly 14 ngày.

Ông Thọ nêu dẫn chứng công ty ông cần lắp máy ly tâm, phải có chuyên gia từ Đức sang lắp. Tuy nhiên, nếu các chuyên gia sang, họ phải cách ly 14 ngày trong khi họ đã tiêm hai mũi vaccine, xét nghiệm âm tính…

Tương tư, ông Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (100% vốn Ấn Độ), nói công ty ông đang gặp khó khi nhiều mãy móc đến thời hạn bảo dưỡng nhưng không có thiết bị thay thế do không có tàu vận chuyển. Khó khăn hơn là các chuyên gia chưa thể trở lại làm việc tại Phú Yên.

“Tôi đề nghị cấp phép nhập cảnh cho các chuyên gia khi họ đã tiêm đủ mũi vaccine để họ trở lại làm việc”- ông Subbaiah kiến nghị.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh Phú Yên, chi đến khi nào phủ được vaccine khắp cộng đồng thì mới có thể an tâm sản xuất, kinh doanh trở lại.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cam kết đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho người lao động để khôi phục sản xuất. Ảnh: TẤN LỘC

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các cơ quan chức năng của khẩn trương tham mưu các giải pháp để tạo điều kiện cho các chuyên gia sớm trở lại Phú Yên làm việc. Có thể xem xét việc chuyên gia tiêm đủ hai mũi vaccine, xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và doanh nghiệp có cơ sở cách ly đảm bảo thì hoàn thiện các thủ tục để cho phép nhập cảnh.

Doanh nghiệp chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ

Theo giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Phú Yên, hiện nay Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ ngành Trung ương đã ban hành các nghị quyết, thông tư hướng dẫn về cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; bảo hiểm xã hội, giảm tiền điện, xem xét giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp...

Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn doanh nghiệp chưa tiếp cận được những chính sách hỗ trợ này do không thuộc đối tượng phù hợp với chính sách đưa ra, doanh nghiệp khó chứng minh thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 theo yêu cầu của chính sách, thủ tục hành chính để được hưởng chính sách còn phức tạp…

Ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Phú Yên. Ảnh: THỦY LOAN

“Đây chính là rào cản khiến quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ kéo dài nhưng lại chưa thực sự hiệu quả. Hiện nay lãi suất cho vay ở các ngân hàng thương mại vẫn còn cao. Cần xem xét giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, cơ cấu lại vốn vay để dòng tiền không bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến gặp khó khăn trong trang trải các khoản chi phí để duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh”- ông Võ Đình Tiến nói.

Cũng theo giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Phú Yên, một số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng nhưng vẫn phải trả lãi vay ngân hàng, đóng thuế, trả tiền thuê đất, thuê mặt bằng...

Doanh nghiệp rất mong muốn có sự hướng dẫn cụ thể, rõ ràng của các sở, ngành liên quan để dễ dàng tiếp cận, thủ tục rõ ràng để họ có thể được tiếp cận, hưởng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp quay vòng được nguồn vốn để sớm ổn định, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng, thuế cần “cứu” doanh nghiệp

Theo chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Phú Yên, hiện nay ngân hàng có giãn, giảm, hoãn lãi suất nhưng còn quá thấp. Ông Thọ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách để nâng mức giảm giãn hoãn cao hơn nữa để cứu doanh nghiệp. Không chỉ việc giảm lãi vay mà cần tiếp tục cho doanh nghiệp vay vốn để phục hồi kinh tế.

“Phần lớn tài sản của đưa vô ngân hàng thế chấp để vay hết rồi! Giờ nên nâng hạn mức tín dụng nên lên cao hơn để doanh nghiệp có thể được vay tiếp. Doanh nghiệp sống được thì ngân hàng mới thu hồi được nợ, chứ doanh nghiệp chết thì ngân hàng lấy gì thu nợ. Giống như người bệnh nặng sau khi lành bệnh cũng cần có thời gian, cần thuốc để phục hồi. Đây là lúc doanh nghiệp cần thuốc nhất- ông Ngô Đa Thọ nói.

Chủ tịch Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh Phú Yên cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa vì chưa bao giờ doanh nghiệp gặp khó khăn, có nguy cơ đóng cửa, phá sản nhiều như hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh Phú Yên. Ảnh: THỦY LOAN

Theo ông Trần Văn Trí, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Phú Yên, cho biết hiện nay nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn Phú Yên đã bắt đầu áp dụng gói hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

“Trong tuần sau Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Phú Yên sẽ gửi công văn đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo đề nghị của các doanh nghiệp về việc mở rộng biên độ gia giãn nợ để phục hồi sản xuất, kinh doanh”- ông Trí thông tin.

Đại diện nhiều doanh nghiệp tham gia hội nghị kiến nghị ngành thuế có chính sách tiếp tục gia, giãn nợ thuế cho doanh nghiệp để có điều kiện phục hồi sản xuất. “Nên cơ cấu lại để giãn nợ thuế ra. Đây chính là nuôi dưỡng nguồn thu cho tương lai. Nên nuôi dưỡng để tăng thu cho những năm tiếp theo. Chứ khung thời gian quá ngắn thì doanh nghiệp không kịp hồi phục”- ông Ngô Đa Thọ kiến nghị.

Ông Công Văn Lãnh, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Phú Yên, cho hay hiện có 742 doanh nghiệp, 47 hộ kinh doanh đã nộp hồ sơ gia hạn nộp thuế, với số thuế gia hạn nộp khoảng 228 tỉ đồng. Trong đó, gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Đến nay đã hết thời gian gia hạn nộp thuế.

“Cục thuế Phú Yên sẽ đề nghị Tổng cục Thuế để kiến nghị đến Bộ Tài chính có chính sách giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, nhất là iếp tục gia hạn nộp”. Ông Lãnh cho biết thêm Cục thuế Phú Yên đang áp dụng giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, 30% thuế giá trị gia tăng từ tháng 9 đến ngày 31-12-2021 đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, dịch vụ ăn uống, dịch vụ giải trí vui chơi.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ghi nhận các kiến nghị của doanh nghiệp. Đối với những kiến về giãn nợ thuế, lãi suất ngân hàng, ông Trần Hữu Thế giao các cơ quan tham mưu tổng hợp để tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương.

Ông Trần Hữu Thế đề nghị các doanh nghiệp đồng hành với tỉnh Phú Yên đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong quản lý tình hình dịch bệnh của từng doanh nghiệp. Phải làm sao để mỗi doanh nghiệp có đủ các thiết bị công nghệ để quản lý tình hình tiêm vaccine, sức khỏe, xét nghiệm của nhân viên doanh nghiệp mình nhằm đảm bảo an toàn trong sản xuất.

Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Phú Yên, cho biết tỉnh đang tập trung tháo gỡ các khó khăn về mặt thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ.

Đồng thời, cập nhật thông tin kịp thời để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và cập nhật các chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả.

Tỉnh tiếp tục đơn giản thủ tục để thực hiện hỗ trợ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất trong năm 2021.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm