Sau thời gian tạm đình chỉ điều tra chờ kết quả giám định tâm thần của bị hại, Cơ quan CSĐT Công an tp Tân Uyên (Bình Dương) đã phục hồi điều tra các bị can Trần Minh Đức, Trần Thị Mỹ Hạnh và Văn Ngọc Sang về tội xâm phạm chỗ ở của người khác.
Như vậy đến nay, vụ án mà ba bị can bị khởi tố “vì làm phiền 20 phút nghỉ trưa” mà Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần thông tin vẫn đang trong giai đoạn điều tra bổ sung. Tòa từng trả hồ sơ với quan điểm không đủ cơ sở buộc tội, hành vi của các bị cáo chỉ có thể bị xử lý bằng các biện pháp khác.
Pháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến của các chuyên gia về cách giải quyết vụ án này.
TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn luật hình sự, khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM:
Chỉ có thể xử lý bằng các biện pháp khác
Theo Điều 158 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), nếu có hành vi xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác (tự ý vào nơi ở của người khác khi chưa được sự đồng ý của họ) thì có dấu hiệu của tội xâm phạm chỗ ở của người khác.
Đối chiếu với các tình tiết trong vụ án, hành vi của ba bị cáo chưa phải là hành vi xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác. Bởi lẽ lúc này cổng đang mở, việc vào nhà chưa thể hiện được sự cố ý xâm nhập bất hợp pháp và chưa rõ ý chí không đồng ý cho vào nhà của bà Tư.
Ông Trần Minh Đức mệt mỏi vì vụ án kéo dài. Ảnh: VH |
Trong lần trả hồ sơ gần nhất ngày 28-7-2020, thẩm phán nhận định nếu bị hại còn nợ tiền mà các bị cáo đến và vào nhà bằng lối cổng mở, bị hại có mặt tại nhà nhưng do hoảng sợ nên ngay lập tức ra khỏi nhà và trình báo sau 20 phút thì các bị cáo không có hành vi xâm phạm trái pháp luật chỗ ở của bị hại. Vì vậy chưa đủ cơ sở buộc tội các bị cáo, chỉ có thể xử lý bằng các biện pháp khác. Lập luận này của tòa là hợp lý, tôi hoàn toàn đồng tình.
Nếu muốn xử lý họ tội xâm phạm chỗ ở của người khác thì phải chứng minh họ cố ý không rời nhà bà Tư, mặc dù bà có yêu cầu.
Ông VŨ PHI LONG, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM:
Dù bị hại có hoang mang, lo lắng cũng không đáng để khởi tố bị can
Xét về mặt khách quan, hành vi của ông Đức có dấu hiệu xâm phạm chỗ ở của người khác. Tuy nhiên, phải xét thêm một yếu tố nữa là việc xâm phạm này ảnh hưởng thế nào đến những người trong chỗ ở đó.
Cáo trạng nêu: “Hành vi của ba người này làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, nghỉ ngơi, gây hoang mang, lo lắng cho bà Tư”. Việc bà Tư hoang mang, lo lắng có thể là thật nhưng không cần thiết phải xử lý ông Đức về mặt hình sự.
Việc vào nhà khi cửa nhà, cửa cổng đang mở nhưng không có sự đồng ý của bà Tư là sai. Tuy nhiên, cái sai này không đáng bị khởi tố. Căn cứ khoản 2 Điều 8 BLHS, những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác. Biện pháp khác có thể là xử phạt hành chính hoặc cảnh cáo tại địa phương.
Ông NGUYỄN THANH KHA, nguyên kiểm sát viên VKSND quận Tân Bình, TP.HCM:
Vụ án rõ, sao phải điều tra quá hạn luật định?
Về hành vi, ba bị can không phá cổng, không phá cửa, cũng không đánh đuổi, ép buộc bà Tư ra khỏi nhà để chiếm giữ trái phép nhà của bà. Vì vậy, không thể kết tội họ “xâm phạm chỗ ở của người khác”.
Về thời hạn tố tụng, việc điều tra vụ án kéo dài hơn bốn năm dù đây là vụ án rõ, không phải án mờ là vi phạm nghiêm trọng quy định của BLTTHS năm 2015, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của bị can.
Việc cơ quan điều tra tạm đình chỉ vụ án do chưa có kết quả giám định tâm thần của bị hại là không đúng quy định pháp luật. Vì nếu bị hại bị tâm thần hoặc đã chết cũng không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án này. Giả sử bị hại bị tâm thần thời điểm đến trình báo thì cơ quan điều tra có lấy lý do “bị hại bị tâm thần khi trình báo” để không xử lý ba bị can nữa”?•
Nội dung vụ án
Tháng 11-2018, ông Đức cùng bà Hạnh và Sang đến nhà bà Tư. Cổng và cửa nhà bà Tư đang mở, cả nhóm bước vào. Thấy vậy, bà Tư đi ra ngoài rồi gọi điện thoại báo công an.
Cơ quan điều tra cho rằng họ đã xâm phạm vào nhà bà Tư với mục đích hỏi lý do bà này không đến tòa và giải quyết việc mua bán đất trước đó. Hành vi của họ làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt nghỉ ngơi giấc trưa của bà Tư, thời gian là 20 phút.
VKS ba lần ra cáo trạng truy tố cả ba về tội xâm phạm chỗ ở của người khác nhưng đều bị tòa yêu cầu làm rõ thiệt hại của bị hại khi bị xâm phạm chỗ ở.