Đây là vụ tham ô mà các bị cáo cấu kết nâng khống thiết bị tàu lặn lên gấp 1.300 lần để chiếm đoạt tài sản của ALCII.
Bị cáo Hảo người bị cấp sơ thẩm tuyên án tử đang trình bày kháng cáo
Ngày 19-3, phiên toà này từng phải hoãn xử. Vì ngay tại phần thủ tục, các bị cáo cho là mình chưa nhận được bản án sơ thẩm. Một bị cáo không đồng ý xét xử vắng mặt luật sư do bị cáo mời, không chấp nhận luật sư chỉ định. HĐXX nhận định do đây là phiên toà lần đầu, luật sư của bị cáo nói trên vắng mặt không rõ lý do, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho bị cáo nên toà hoãn phiên xử này.
Tại phiên xử hôm nay sau khi toà tóm tắt bản án sơ thẩm, các bị cáo lần lượt trình bày kháng cáo. Tất cả đều cho rằng mình bị ép cung và đề nghị toà xem xét lại bản chất vụ việc. Phiên xử dự kiến diễn ra trong hai ngày và có một bị cáo vì bệnh được HĐXX chấp thuận cho xử vắng mặt.
Trước đó, TAND TP,HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt tử hình ba bị cáo gồm: Hảo (nguyên Tổng giám đốc ALC II); Hoàng Lộc (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giám định, thẩm định Việt Nam); Phạm Minh Tuấn (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cát Long Hải). Trong đó, Hảo có vai trò chủ mưu và hai bị cáo còn lại giúp sức đắc lực. Dù các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng do hành vi phạm tội là đặc biệt nghiêm trọng gây mất lòng tin của người dân nên phải xử phạt mức cao nhất.
Bị cáo Hảo trông gầy gò và tiều tuỵ sau nhiều phiên xử
Bốn bị cáo Nguyễn Văn Tài (nguyên Phó tổng giám đốc ALC II); Lê Phúc Đức (nguyên Trưởng phòng Giám định kỹ thuật Công ty cổ phần Giám định thẩm định Việt Nam); Vũ Đức Hòa (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Cát Long Hải); Lê Thị Minh Huệ (nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Cát Long Hải) cùng mức án chung thân.
Các bị cáo còn lại xét có vai trò hạn chế hơn nhưng xem xét các bị cáo từng có cống hiến trong quá trình làm việc nên xử phạt tù có thời hạn từ 15 đến 20 năm tù.
Về phần dân sự, các bị cáo bị đề nghị mức án chung thân, tử hình có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho công ty ALCII là hơn 130 tỉ đồng... Đồng thời, HĐXX cũng kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ việc bắt giữ thanh lý tàu lặn tại Hải Phòng của các cá nhân.
Theo hồ sơ, trong quá trình điều hành công ty ALC II với mục đích rút tiền của Nhà nước thông qua việc ký và thực hiện các hợp đồng cho thuê tài chính, Hảo đã chủ động bàn bạc với một số đối tượng thành lập Công ty cổ phần Cát Long Hải.
Qua mối quan hệ làm ăn, Hảo quen với ông Kochi (người Nhật Bản) có tàu lặn Tinro 2, sản xuất năm 1975 đang khai thác tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ đây, Hảo nảy sinh ý định sử dụng tàu này làm tài sản bảo đảm để ký hợp đồng thuê tài chính với ALCII. Thực hiện ý định trên, Hảo đề nghị ông Kochi đưa tàu lặn làm tài sản góp vốn vào công ty Cát Long Hải.
Do tàu Tinro 2 không có hồ sơ pháp lý, Hảo nghĩ cách hợp thức hóa con tàu bằng cách chi tiền đem tàu này ra tận địa phận Hải Phòng tạo tình huống bị bắt giữ. Rồi Tuấn làm thủ tục xin mua lại tàu với giá 100 triệu đồng. Sau đó, Hảo móc nối với giám định viên định giá tàu Tinro lên tới 130 tỉ đồng ký hợp đồng cho thuê tài chính rồi giải ngân...