Ngày 10-7, thông tin từ Bệnh viện (BV) Bình Dân (TP.HCM) cho biết vừa tổng kết 3 tháng triển khai kỹ thuật sinh thiết kết hợp MRI trong chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt.
Theo đó, BV đã thực hiện phương pháp này đối với 35 trường hợp. Trong đó, 21 trường hợp được sinh thiết lần đầu, 14 trường hợp được sinh thiết lại sau khi có kết quả sinh thiết tiêu chuẩn cũ là không phát hiện tế bào ác tính trong mẫu thử.
Kết quả, có 5 trong 14 người bệnh sinh thiết lần hai xác định ung thư tuyến tiền liệt dù kết quả lần đầu chưa phát hiện ra.
Hình ảnh siêu âm hòa ảnh với MRI trong phương pháp sinh thiết kết hợp MRI cho phép bác sĩ xác định sang thương chính xác hơn. Ảnh: BVCC
Theo TS-BS Đỗ Anh Toàn, với phương pháp sinh thiết tiêu chuẩn cũ, người bệnh nghi ngờ có ung thư tuyến tiền liệt sẽ được nội soi lấy ngẫu nhiên 12 mẫu mô bất kỳ tại vùng ngoại biên của tuyến tiền liệt để chẩn đoán.
Trên thực tế, 80% ung thư tuyến tiền liệt xuất hiện ở vùng ngoại biên. Do đó, việc lấy 12 mẫu mô cho xác xuất tìm thấy tế bào ác tính ở người bệnh vẫn cao. Tuy nhiên, không loại trừ tỉ lệ nhỏ bỏ sót các tổn thương nghi ngờ ung thư ở các vị trí khó tiếp cận đối với các ung thư ở giai đoạn sớm.
“Một số trường hợp âm tính nhưng BS vẫn nghi ngờ, đặc biệt khi xét nghiệm người bệnh có chỉ số PSA (kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt) tăng cao và kết quả chụp MRI cho thấy sang thương khu trú có nguy cơ cao. Kỹ thuật mới cho phép hòa ảnh phim chụp MRI trong lúc siêu âm, từ đó BS có thể lấy đúng mẫu mô nghi ngờ, tránh bỏ sót các nhân ung thư tuyến tiền liệt” - BS Toàn phân tích.
Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh lý ác tính thường gặp nhất của hệ tiết niệu-sinh dục của nam giới sau tuổi 50. Nếu được phát hiện sớm, tế bào ung thư còn khu trú trong tuyến tiền liệt, có tới 85% người bệnh sống đến 10 năm.
Kỹ thuật sinh thiết kết hợp MRI đang được các Hội tiết niệu uy tín trên thế giới khuyến cáo và được các BS niệu khoa tại các nước phát triển ứng dụng.