Phường, xã mạnh tay, tiếng ồn karaoke sẽ giảm

Trong tuần qua bài viết “TP.HCM quyết liệt xử lý vi phạm tiếng ồn”, “Lãnh đạo TP.HCM: Không chấp nhận đô thị lớn mà tiếng ồn ra rả” nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.
Nhiều bạn đọc cho rằng trong lúc chờ các cơ quan chức năng hoàn thiện các chế tài xử phạt tình trạng gây ồn từ karaoke tự phát thì chỉ cần sự có mặt xử lý của cán bộ phường, xã là sẽ giảm ngay.

Người dân tổ chức hát karaoke bằng loa khủng. Ảnh: HUỲNH TRƯỜNG GIANG

Không nhất thiết lúc nào cũng phải đo tiếng ồn
Bàn về việc xử lý tiếng ồn, bạn đọc Trần Anh bình luận: “Các phường cần có hương ước nêu rõ tất cả những ai có loa phải ra phường khai báo, muốn hát cũng phải báo lên phường. Nếu cán bộ phường nhận được phản ánh khu vực có tiếng ồn thì phải nhắc chủ nhà ngưng ngay. Lâu nay khó xử phạt những người gây ồn vì không có thiết bị đo tiếng ồn để có căn cứ xử lý. 
Tôi nghĩ cán bộ đừng để thiết bị đo tiếng ồn làm rào cản trong việc xử lý nữa. Chỉ cần mỗi địa phương đưa vào hương ước, nếu ai vi phạm, phường cử lực lượng xuống nhà vài lần thì người vi phạm quê với hàng xóm mà bỏ hát thôi”.
“Người dân quá khổ trước tình trạng giặc karaoke tại các khu dân cư. Tôi gọi là giặc bởi vì khi hát karaoke ồn ào trong khu dân cư là họ đang hủy hoại môi trường sống của những người xung quanh. Tôi thấy quy định xử phạt không thiếu. Nếu không đo được tiếng ồn để xử phạt theo Nghị định 155/2016 thì vẫn có thể xử về hành vi gây mất trật tự ở khu dân cư theo điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013. Mức phạt cho hành vi này là phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng. Chỉ cần phát ra tiếng ồn quá lớn ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh mà có người phản ánh lên thì có thể áp dụng quy định này để xử phạt được rồi. Đó là hành vi gây mất trật tự ở khu dân cư chứ gì nữa!” - bạn đọc Hải Hà nêu ý kiến. 
Nhiều bạn đọc cho rằng vấn đề chính là các địa phương quyết liệt thực hiện thì mới mong mang lại hiệu quả.
141 trường hợp vi phạm hành chính về tiếng ồn đã được 17/22 quận, huyện xử phạt từ năm 2019 đến 2020. Trong đó có 20 trường hợp vi phạm tiếng ồn sinh hoạt của khu dân cư.
Nguồn: Sở TN&MT  
Phường lập nhóm chat để xử lý nhanh
Tại hội nghị triển khai về đề xuất xử lý vi phạm tiếng ồn trên địa bàn ngày 9-3, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết TP sẽ mở đợt cao điểm xử lý tiếng ồn trong khu dân cư, tập trung từ nay đến cuối năm. 
Trước sự chỉ đạo quyết liệt của TP, nhiều phường đã đưa ra các phương án để xử lý tiếng ồn trong khu dân cư.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Chủ tịch phường Thạnh Xuân, quận 12, cho biết: Nói về quy định xử phạt tiếng ồn thì các địa phương có cái khó vì với những trường hợp gây ồn từ trước 22 giờ thì phải đo tiếng ồn mà việc đo tiếng ồn thì phường lại không có thiết bị đo. Tuy khó nhưng phường cũng sẽ quyết tâm xử lý với nhiều cách. 
Cụ thể, trước tiên phường sẽ vận động người dân ý thức không hát hò ồn ào trong khu vực. Nếu xảy ra tình trạng hát hò thì tổ trưởng là người có uy tín trong dân sẽ xuống nhắc nhở. Ngoài ra, nếu hộ nào tái phạm thì phường sẽ xuống yêu cầu ngưng và mời lên phường làm việc. Đồng thời phường sẽ tạm giữ thiết bị gây ồn vài ngày. 
“Thật ra, những trường hợp hát hò ồn ào trong khu dân cư chỉ cần cán bộ xuống nhắc nhở là người dân chấp hành. Xử phạt chỉ là phương án cuối cùng. Điều quan trọng để dẹp tình trạng tiếng ồn là thay đổi được ý thức từ người dân” - ông Đạt chia sẻ.
Ông Đỗ An Nhàn, Chủ tịch UBND phường 12, quận Gò Vấp, cho biết: “Trước đây, địa phương có lập nhóm phản ứng nhanh để phòng chống dịch COVID-19. Các thành viên trong nhóm này gồm có lượng lực công an, các ban ngành đoàn thể có group Zalo để trao đổi nhanh công việc liên quan đến phòng chống dịch bệnh. Chúng tôi cũng đã lồng ghép luôn nhiệm vụ là phát hiện và xử lý nhanh tình trạng gây ồn ào trong khu vực. Tức là khi khu vực nào có người tổ chức hát hò thì nhiệm vụ nhóm này phải báo nhanh để tôi kịp thời chỉ đạo người xuống xử lý liền, tránh việc tiềng ồn gây bức xúc trong dân”.•
Đề xuất lập đường dây nóng xử lý tiếng ồn
Ngày 10-3, Sở TN&MT TP.HCM đã có văn bản lấy ý kiến góp ý về dự thảo việc tăng cường tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn TP.HCM.
Trong văn bản dự thảo tờ trình, Sở TN&MT đã đưa ra một số hạn chế của các nghị định về xử phạt hành vi vi phạm tiếng ồn.
Chẳng hạn như Điều 6 Nghị định 167/2013 quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng đối với hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. 
Theo dự thảo tờ trình của Sở TN&MT thì mức phạt như trên là thấp. Vì vậy, sở này kiến nghị Bộ Công an tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 167 theo hướng tăng mức phạt đối với hành vi gây tiếng ồn ở Điều 6, đồng thời không quy định thời gian vi phạm về tiếng ồn trong khoảng thời gian như trên.
Sở TN&MT đề xuất UBND TP giao cho UBND TP Thủ Đức và UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn chỉ đạo thiết lập và duy trì hiệu quả đường dây nóng và các kênh tiếp nhận thông tin về tiếng ồn; hướng dẫn người dân cách thức phản ánh thông tin… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm