Kit test Việt Á được ‘dọn đường’ đến 62 tỉnh, thành như thế nào?

(PLO)- Với chiêu chi “hoa hồng” khủng và sự tiếp tay của hàng loạt cán bộ, kit test Việt Á được “dọn đường” đến các cơ sở y tế trên 62 tỉnh/thành, giá bán cao ngất ngưởng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương, có thể coi là vụ án lịch sử khi cùng lúc có rất nhiều cán bộ, lãnh đạo bị khởi tố, bắt giam.

Ông Nguyễn Thanh Long (cựu bộ trưởng Bộ Y tế, trái) và ông Chu Ngọc Anh (cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu bộ trưởng Bộ KH&CN). Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Thanh Long (cựu bộ trưởng Bộ Y tế, trái) và ông Chu Ngọc Anh (cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu bộ trưởng Bộ KH&CN). Ảnh: TTXVN

Ưu ái ngay từ “trứng nước”

Đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu về trang thiết bị phòng chống dịch rất lớn, nhất là kit test. Trong bối cảnh ấy, Bộ KH&CN phê duyệt đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19, với kỳ vọng về một sản phẩm “Made in Việt Nam” tốt, rẻ, dồi dào.

Học viện Quân y được tin tưởng giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện, kết hợp với một số thành viên thuộc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, gồm tổng giám đốc Phan Quốc Việt.

Mục đích tốt đẹp là vậy, tuy nhiên quá trình thực hiện đề tài đã bị biến tướng vì động cơ không trong sáng của nhiều cá nhân có liên quan.

Cụ thể, ngân sách chi gần 19 tỉ đồng để phục vụ nghiên cứu bộ kit test. Nhưng khi kit test được cấp phép, chưa rõ bằng cách nào, kết quả lại được chuyển giao cho Công ty Việt Á. Công ty này sau đó phân phối đến các cơ sở y tế với doanh thu lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

Chưa dừng lại, website của Bộ KH&CN từng đăng tải thông tin về việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận bộ kit test do Công ty Việt Á sản xuất (thực tế không được chấp thuận). Sau khi Bộ Công an khởi tố vụ án, thông tin này đã bị gỡ bỏ vì “có sai sót”.

Đến nay, cơ quan chức năng xác định một số lãnh đạo thuộc Bộ KH&CN đã vi phạm quy định trong việc ký hợp đồng, nghiệm thu, chuyển giao, thanh quyết toán kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu bộ kit test cũng như trong truyền thông, xác nhận và đề nghị khen thưởng đối với Học viện Quân y, Công ty Việt Á.

Về phía Bộ Y tế, cơ quan này là đơn vị cấp phép lưu hành cho bộ kit test của Công ty Việt Á. Bộ Y tế từng khẳng định các sản phẩm cấp phép “đều đã được đánh giá đạt yêu cầu, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của Việt Nam và đảm bảo đúng theo các quy định hiện hành”.

Đặc biệt, Bộ này từng có công văn giới thiệu sản phẩm kit Việt Á với giá bán 470.000 đồng/test – mức giá được Bộ Công an xác định là bị “nâng khống” - để các Sở Y tế và các bệnh viện chủ động liên hệ mua sắm phục vụ phòng, chống dịch.

Đến nay, cơ quan chức năng phát hiện một số lãnh đạo Bộ Y tế có vi phạm trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ kit test Việt Á. Trong đó, ông Nguyễn Thanh Long, cựu bộ trưởng Bộ Y tế đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp, tác động, hỗ trợ công ty Việt Á trong các khâu nêu trên.

Phan Quốc Việt (trái) cùng loạt bị can đã bị khởi tố trong vụ án. Ảnh: CA

Phan Quốc Việt (trái) cùng loạt bị can đã bị khởi tố trong vụ án. Ảnh: CA

“Vươn vòi” bằng tiền lót tay

Theo Bộ Công an, sau khi được cấp phép đăng ký lưu hành, Phan Quốc Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị y tế để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, nâng khống giá thành của kit test khoảng 45%, lên 470.000 đồng/kit xét nghiệm.

Đây cũng là mức giá được Bộ Y tế cung cấp trong công văn giới thiệu sản phẩm gửi đến các địa phương.

Tính đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, TP trên cả nước, với doanh thu khoảng gần 4.000 tỉ đồng.

Và để có thể “vươn vòi” đến từng địa phương như đã nêu, Công ty Việt Á sử dụng chiêu chi “hoa hồng” với số tiền cực khủng. Dưới sự chỉ đạo của Phan Quốc Việt, nhân viên công ty đã chi tới gần 800 tỉ đồng nhằm lại quả cho lãnh đạo các cơ sở y tế.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, hàng loạt bị can là lãnh đạo các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và bệnh viện đã bị khởi tố, bắt giam vì nhận tiền liên quan đến Việt Á.

Điển hình, tại Hải Dương, ông Phạm Duy Tuyến, giám đốc CDC tỉnh này nhận của Việt Á số tiền lên tới 27 tỉ đồng. Thông qua việc “bôi trơn”, Công ty Việt Á đã bán được kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng.

Hay như tại Phú Thọ, ông Trần Gia Phú, phó giám đốc Trung tâm xét nghiệm thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, nhận hơn 2 tỉ đồng của Công ty Việt Á, sau khi tham mưu cho lãnh đạo bệnh viện mua sản phẩm kit test.

Hoặc tại Bắc Giang, ông Lâm Văn Tuấn, giám đốc CDC tỉnh có hành vi thông đồng, cấu kết với Phan Quốc Việt và những người liên quan trong việc tổ chức đấu thầu mua kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất, với tổng giá trị hơn 148 tỉ đồng. Thông qua một công ty, Việt Á chi % ngoài hợp đồng với 44 tỉ đồng, sau đó công ty này trích lại cho ông Tuấn.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án; rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các bị can để đảm bảo triệt để thu hồi cho Nhà nước.

Hơn 60 người bị khởi tố

Tính đến nay, tổng cộng đã có hơn 60 bị can bị Bộ Công an và công an các địa phương khởi tố trong vụ án liên quan đến kit test Việt Á.

Trong đó, hai bị can từng giữ chức vụ cao nhất là Nguyễn Thanh Long (cựu bộ trưởng Bộ Y tế) và Chu Ngọc Anh (cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu bộ trưởng Bộ KH&CN). Cả hai bị xác định suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; có các vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước.

Cũng tại hai bộ trên, nhiều bị can từng là lãnh đạo cấp cao đã bị khởi tố: Phạm Công Tạc (cựu thứ trưởng Bộ KH&CN), Trịnh Thanh Hùng (cựu vụ phó Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN), Nguyễn Minh Tuấn (cựu vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế), Nguyễn Nam Liên (cựu vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế)…

Hàng loạt bị can khác là giám đốc CDC các địa phương, cán bộ các cơ sở y tế tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng đã bị khởi tố.

Công an nhiều địa phương đã khởi tố vụ án, Bộ Công an đang điều tra mở rộng và con số hơn 60 bị can liên quan vụ Việt Á vẫn sẽ chưa dừng lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm