Sở GTVT TP.HCM lên tiếng về thu phí lòng đường, hè phố

(PLO)- Theo Sở GTVT, việc thu phí hiện chưa đủ cơ sở pháp lý nên phải chờ HĐND TP thông qua mức phí mới xây dựng phương án thu phí.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi UBND TP.HCM ban hành Quyết định 32 về quản lý một phần lòng đường, hè phố, đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này, nhất là việc thu phí. Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, đã có những trao đổi với Pháp Luật TP.HCM để làm rõ hơn những điểm đáng lưu ý của chính sách mới này.

Nhiều điểm mới tại Quyết định 32

. Phóng viên: So với Quyết định 74 mà UBND TP ban hành 15 năm trước, Quyết định 32/2023 về quản lý tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường mới đây của UBND TP có gì mới hơn, thưa ông?

+ Ông Ngô Hải Đường: Quyết định 32 có nhiều điểm mới tiến bộ hơn so với Quyết định 74 trước đây. Cụ thể, UBND TP phân cấp cho UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện, Sở GTVT ban hành danh mục các tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện tổ chức điểm kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa, điểm để xe hai bánh không thu tiền giữ xe. Các vấn đề này trước đây do UBND TP.HCM ban hành. Việc phân cấp cho các địa phương để tăng tính chủ động và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục.

Dù có biển lưu ý “Lối đi dành cho người đi bộ” nhưng vỉa hè tại khu vực xung quanh BV Chợ Rẫy lại bị chiếm hết để giữ xe. Ảnh: ĐÀO TRANG

Dù có biển lưu ý “Lối đi dành cho người đi bộ” nhưng vỉa hè tại khu vực xung quanh BV Chợ Rẫy lại bị chiếm hết để giữ xe. Ảnh: ĐÀO TRANG

Quyết định 32 cũng tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho người đi bộ trên hè phố tại các giao lộ có lượng người đi bộ cao. Cùng với đó là việc bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng tạo điều kiện và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, điều hành, đầu tư, xây dựng, khai thác, cho thuê, thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố...

. Quyết định 32 cũng nêu các trường hợp sử dụng tạm thời vỉa hè phải xin phép và không phải xin phép. Xin ông thông tin cụ thể?

+ Các trường hợp sử dụng tạm thời vỉa hè không cần cấp phép như tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang. Tuy nhiên, người dân khi tổ chức các sự kiện này phải thông báo cho UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú để được hỗ trợ giải quyết.

Các trường hợp khác như điểm bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng, lắp đặt các công trình tạm, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên vỉa hè, điểm kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa, điểm để xe hai bánh không thu tiền giữ xe… Các trường hợp này chỉ được thực hiện trên phạm vi và danh mục các tuyến đường đủ điều kiện do các địa phương ban hành.

Riêng các điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng, lắp đặt các công trình tạm, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên vỉa hè, dải phân cách, đảo giao thông, bố trí đường dành cho xe đạp dù không phải xin phép nhưng phải được Sở GTVT xem xét chấp thuận.

Các hoạt động sử dụng tạm thời hè phố phải cấp phép bao gồm: tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội), tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước (ngoại trừ sự kiện tổ chức theo kế hoạch cụ thể được UBND TP ban hành); các điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình; điểm trông, giữ xe có thu phí.

Một nguyên tắc chung quan trọng là dù thu phí hay không thì chiều rộng hè phố dành cho người đi bộ vẫn luôn phải đảm bảo tối thiểu 1,5 m.

Việc thu phí vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến

. Sau khi TP ban hành chủ trương thu phí tạm thời một phần lòng đường, hè phố, Sở GTVT sẽ thực hiện tiếp những công việc gì trước khi triển khai thu phí?

+ Để triển khai việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, Sở GTVT đang hoàn chỉnh Đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè để trình UBND TP báo cáo HĐND TP xem xét theo quy định tại Luật Phí và lệ phí năm 2015. Theo đó, HĐND TP sẽ ban hành mức phí và quy định cụ thể các trường hợp thu, miễn thu phí khi sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè. Sau đó, UBND TP.HCM sẽ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.

Sở GTVT xây dựng quy định về quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố và Đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố có tham khảo đề tài nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM “Nghiên cứu quản lý, sử dụng vỉa hè trên địa bàn TP.HCM: Thực trạng và giải pháp”. Đề tài được viện thực hiện bằng các phương pháp nghiên cứu bao gồm tổng hợp tài liệu, khảo sát phiếu hỏi, khảo sát bằng phiếu quan sát, phỏng vấn, tham khảo ý kiến của chuyên gia.

Hiện nay, việc thu phí chưa đủ cơ sở pháp lý nên phải chờ HĐND TP thông qua mức phí mới xây dựng phương án thu phí.

. Các chuyên gia cũng cho rằng TP.HCM nên tổ chức thí điểm thu phí tại một số tuyến đường, sau đó mới nhân rộng. Ngoài ra, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, nhiều thành phần kinh tế chưa thật sự hồi phục nên xem xét giảm, giãn hoặc thậm chí chưa thu trong thời điểm này? Quan điểm của sở như thế nào?

+ Quyết định 32 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-9 tới và được áp dụng rộng rãi trên toàn địa bàn TP. Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố bao gồm mức phí và phương án thu hiện nay vẫn đang trong quá trình hoàn chỉnh, lấy ý kiến các đơn vị liên quan trước khi báo cáo UBND TP để trình HĐND TP thông qua.

Về nguyên tắc, mức phí, trường hợp thu, miễn thu phí, sử dụng kinh phí như thế nào… phải tuân thủ quy định tại Luật Phí và lệ phí năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

. Xin cảm ơn ông.

Mục đích của thu phí

. Theo quan điểm của sở, việc quản lý lòng đường, hè phố để phục vụ cho mục đích quản lý hay để tạo thêm nguồn thu cho ngân sách?

+ Quyết định 32 được xây dựng căn cứ theo Luật Giao thông đường bộ, các nghị định của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Mục đích nhằm quản lý và sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP bảo đảm an toàn, hiệu quả và mỹ quan đô thị.

Trong khi đó, Đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố được xây dựng trên cơ sở Luật Phí và lệ phí. Mục đích ban hành mức phí nhằm nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố; đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị; đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố; công khai, minh bạch trong công tác thu, nộp, quản lý và sử dụng nguồn thu phí. Đồng thời bổ sung nguồn kinh phí cho ngân sách TP góp phần đầu tư, bảo trì lòng đường, hè phố.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm