Bình Thuận kiến nghị Bộ GTVT công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai

(PLO)- QL 55 đoạn qua Bình Thuận có đến 43 vị trí sạt lở trong đó có 7 vị trí gây tắc đường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 31-7, ông Nguyễn Đức Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Thuận đã ký báo cáo gởi Cục Đường bộ Việt Nam liên quan đến tình hình sạt lở, hư hỏng trên tuyến QL 55 đoạn đi qua tỉnh Bình Thuận do mưa lũ.

Đoạn QL 55 bị sạt lở nặng, bùn đất lấp mặt đường. Ảnh cắt từ camera.

Đoạn QL 55 bị sạt lở nặng, bùn đất lấp mặt đường. Ảnh cắt từ camera.

Theo đó, trong những ngày qua, thời tiết khu vực tỉnh Bình Thuận chịu ảnh hưởng của cơn bão số 1 và số 2 đã gây ra mưa to đến rất to kéo dài nhiều ngày.

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, kết hợp với địa hình đèo dốc nên vào lúc 13h ngày 30-7 đã xảy ra tình trạng sạt lở mái taluy dương, lở đất đá, cây cối ngã đổ tràn lấp rãnh, lấp lề, mặt đường, xói lở mái taluy…trên tuyến QL 55. Tình trạng này đã gây ách tắc giao thông cục bộ, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn kết cấu công trình đường bộ.

Cụ thể đoạn từ Km177+000 – Km204+500 có khoảng 43 vị trí bị sạt lở với khối lượng khoảng 9.300m3, đặc biệt trong đó có 7 vị trí sạt lở gây tắc đường tại các vị trí Km190+730, Km191+190, Km192+500, Km195+310, Km200+000, Km200+820, Km204+350.

Nguyên nhân do mưa kéo dài làm cho phần đất phía đồi ngậm nước sạt trượt, lở đất đá, cây cối tràn lấp rãnh, lề, mặt đường.

Tại vị trí tại Km201+750 mái taluy âm và lề đường bị xói lở hàm ếch vào mặt đường khoảng 2,5m. Nguyên nhân là do mưa lớn kéo dài, kết hợp với địa hình đèo dốc dẫn đến lượng nước tập trung với lưu lượng và chảy với lưu tốc lớn từ đường dân sinh bên trái tuyến chảy băng qua đường liên tục dẫn xói lở.

Sở GTVT huy động xe cơ giới dọn dẹp đất đá trong đêm. Ảnh: AK.

Sở GTVT huy động xe cơ giới dọn dẹp đất đá trong đêm. Ảnh: AK.

Cầu ĐaTro tại Km204+420, bậc dẫn nước bằng đá hộc xây vữa bị xói sụp, hư hỏng. Nguyên nhân là do mưa lớn kéo dài, kết hợp với địa hình vị trí này là yên ngựa dẫn đến lượng nước tập trung với lưu lượng và chảy với lưu tốc lớn, liên tục thoát ra vị trí trũng dẫn đến xói sụp bậc dẫn nước.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Sở GTVT Bình Thuận đã phối hợp cùng với chính quyền địa phương tổ chức điều động lực lượng tiến hành cắt dọn cây cối, đào dọn đất đá sạt để đảm bảo lưu thông trên tuyến, đặt biển cảnh báo, giăng dây phản quang tại các vị trí có nguy cơ sụt trượt để cảnh báo đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông.

Bố trí cán bộ tăng cường tuần tra trên tuyến, theo dõi thời tiết để phát hiện và xử lý kịp thời các hư hỏng sự cố xảy ra nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Đến khoảng 20h ngày 30-7, các vị trí sạt lở taluy dương gây tắc đường đã được dọn một phần mặt đường, đảm bảo cho các phương tiện lưu thông thông suốt trên tuyến.

Các phương tiện lưu thông qua đèo Đa Mi. Ảnh: AK.

Các phương tiện lưu thông qua đèo Đa Mi. Ảnh: AK.

Để khắc phục các thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với tuyến QL 55, khôi phục hoạt động giao thông, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, Sở GTVT đề nghị cần xây dựng ngay công trình khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông.

Dự kiến, thời gian xây dựng công trình khoảng 30 ngày với chi phí khoảng 700 triệu đồng.

Sở GTVT kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ GTVT công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai; đồng thời kiến nghị Cục Đường bộ ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp và cho chủ trương để Sở GTVT Bình Thuận tổ chức thực hiện công trình khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1 trên tuyến QL 55 theo quy định.

“Hiện nay, mưa lớn vẫn đang diễn ra, nguy cơ sạt lở vẫn còn tiếp diễn, Sở GTVT Bình Thuận sẽ tiếp tục theo dõi tình hình trên tuyến, để kịp khắc phục các sự cố, đảm bảo lưu thông thông suốt và tiếp tục báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam”- báo cáo kết luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm