Như PLO đưa tin, VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và 85 bị can khác trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan.
Trưởng đoàn thanh tra nhận 5,2 triệu USD
Bà Trương Mỹ Lan bị truy tố về các tội tham ô tài sản, đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.
Cụ thể, từ ngày 1-1-2012 đến ngày 31-12-2017, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của Ngân hàng SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau. Đến ngày 17-10-2022 còn dư nợ 132.247 tỉ đồng, không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Trương Mỹ Lan đã gây hậu quả thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 64.621 tỉ đồng.
Từ ngày 9-2-2018 đến ngày 7-10-2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB số tiền hơn 304.096 tỉ đồng, gây thiệt hại số tiền 129.372 tỉ đồng.
Để che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém và các sai phạm của Ngân hàng SCB bị phát hiện qua thanh tra, để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu, bà Trương Mỹ Lan đã mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong Cơ quan Nhà nước.
Theo đó, bà Lan trực tiếp gặp và trao đổi với bà Đỗ Thị Nhàn, Trưởng đoàn thanh tra, là người chỉ đạo, chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra.
Bà Lan còn chỉ đạo bị can Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc SCB, tiếp xúc, đặt vấn đề và trực tiếp đưa 5,2 triệu USD cho bà Nhàn. Đồng thời, đưa tiền, quà bồi dưỡng cho các thành viên trong Đoàn thanh tra.
Sau khi nhận hối lộ 5,2 triệu USD, bà Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới báo cáo và ban hành Dự thảo kết luận thanh tra không khách quan, không trung thực, không đúng thực trạng tài chính của SCB, bao che, bưng bít sai phạm của SCB.
Cơ quan công tố xác định hành vi của bà Nhàn đã phạm vào tội nhận hối lộ quy định tại Khoản 4 Điều 354 Bộ luật hình sự 2015.
Nhận tiền, lợi ích vật chất để bưng bít
Quá trình thanh tra tại SCB năm 2017-2018, Đoàn thanh tra do Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (TTGSNH) chủ trì và ban hành kết luận.
Về nội dung, kết quả thanh tra, các cá nhân là lãnh đạo Cơ quan TTGSNH, người ra quyết định thanh tra, trưởng, phó đoàn thanh tra, một số thành viên thanh tra biết rõ thực trạng vi phạm, sai phạm nghiêm trọng của SCB tại các dự án, phương án tái cơ cấu, tại các khoản vay của nhóm khách hàng có địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai (TP. HCM), biết rõ thực trạng tài chính rất xấu của SCB.
Tuy nhiên, vì động cơ cá nhân, tiêu cực, nhận tiền, lợi ích vật chất từ SCB, Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan TTGSNH chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn để bà Nhàn chỉ đạo tổ tổng hợp và các thành viên đoàn thanh tra cố tình che giấu, bưng bít.
Từ đó, nhóm bị can này đã dự thảo Kết luận thanh tra, báo cáo không trung thực, không đầy đủ lên lãnh đạo NHNN và Chính phủ với mục đích không chuyển các sai phạm sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho SCB tiếp tục được thực hiện Đề án tái cơ cấu.
Hành vi nhận tiền để làm trái công vụ đã tạo điều kiện cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện hành vi rút tiền và sử dụng tiền trái pháp luật tại SCB, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với số tiền 514.102 tỉ đồng.
VKS xác định hành vi của nhóm bị can Đoàn thanh tra gồm Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Thị Phụng, Vũ Khánh Linh, Nguyễn Tuấn Anh, Bùi Tuấn Khoa… đã vi phạm quy định tại Luật Thanh tra, Thông tư 05/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ, Thông tư 36/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, phạm vào tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong đó, ông Nguyễn Văn Hưng được xác định có vai trò chủ mưu, các bị can khác có vai trò giúp sức cho hành vi làm trái công vụ của ông Hưng.