TP.HCM đã sẵn sàng tổng sắp xếp khu phố, ấp

TP.HCM đã sẵn sàng tổng sắp xếp khu phố, ấp

(PLO)- Các địa phương ở TP.HCM đã hoàn tất việc lấy ý kiến của người dân về thực hiện sắp xếp khu phố, ấp và có phương án, chờ HĐND thông qua nghị quyết là thực hiện ngay.

Dự kiến vào ngày 14-3, HĐND TP.HCM sẽ triệu tập kỳ họp chuyên đề lần thứ 14 để xem xét các nội dung mà UBND TP trình, trong đó có dự thảo nghị quyết về thực hiện sắp xếp khu phố, ấp.

Đến thời điểm này, 312 xã, phường, thị trấn thuộc 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đã hoàn tất phương án, tổ chức lấy ý kiến của người dân về việc sắp xếp khu phố, ấp.

Trao đổi với PV, nhiều lãnh đạo phường, xã cho biết ngay khi nghị quyết của HĐND TP được ban hành, toàn bộ bộ máy của TP từ cấp phường, xã, thị trấn sẽ nhanh chóng bắt tay vào thực hiện. Dù vậy, các địa phương cũng đang lo lắng tìm phương án để đáp ứng các yêu cầu về nhân sự, trụ sở sau khi sắp xếp.

tp-hcm-da-san-sang-tong-sap-xep-khu-pho-ap-khuat-thi-thu-huong-binh-tan.JPG
Bà Khuất Thị Thúy Hường, Bí thư Chi bộ khu phố 1 (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) cho biết hiện việc sắp xếp khu phố, ấp tại khu phố 1 đã hoàn tất. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Công tác vận hành khu phố mới đã sẵn sàng

Phường Hiệp Bình Phước là một trong ba phường tại TP Thủ Đức thực hiện thí điểm sắp xếp lại khu phố trên địa bàn. Phường có sáu khu phố hiện hữu với 89 tổ dân phố; sau khi sắp xếp, phường sẽ có 34 khu phố. Đến nay, phường đã lấy ý kiến của người dân về phương án sắp xếp.

Lãnh đạo phường đã động viên, thuyết phục những người có đủ năng lực để đảm nhận vị trí sau khi sắp xếp, đồng thời tri ân, chia sẻ với các nhân sự dôi dư.

Còn ở quận Bình Tân, bà Khuất Thị Thúy Hường, Bí thư chi bộ khu phố 1 (phường Bình Trị Đông B), cho biết việc sắp xếp lại khu phố đã hoàn tất từ tháng 1-2024. Khu phố 1 do bà Hường phụ trách có gần 1.200 hộ dân, sau khi sắp xếp sẽ là hai khu phố.

Theo bà Hường, ban điều hành khu phố mới đã sẵn sàng, chỉ cần có thông báo là làm việc ngay. Dù vậy, bà cũng luôn trăn trở làm sao để ban điều hành khu phố mới có thể đeo bám, sát dân, gần dân và kịp thời hỗ trợ ngay khi họ gặp khó. Để làm được, bà Hường khẳng định các cán bộ khu phố không phân việc hay chia đầu dân để quản lý mà cùng nhau đảm đương.

“Cán bộ khu phố cũng phải thay phiên nhau đi gặp gỡ để lắng nghe người dân phản ánh, giải quyết vấn đề cho người dân thì người dân mới đặt niềm tin vào ban điều hành khu phố mới” - bà Hường nhấn mạnh và cho biết sẽ hướng dẫn những cán bộ lớn tuổi trong ban điều hành khu phố mới ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc qua các nền tảng mạng xã hội.

Sáu năm gắn bó với công tác tại khu phố, ông Huỳnh Ngọc Hạnh, Bí thư chi bộ khu phố 1 (phường 2, quận 5), cho rằng chủ trương sắp xếp khu phố, ấp là hợp lý nhưng phải làm sao để người dân hiểu, đồng lòng; đồng thời giải quyết các nút thắt trong bộ máy khu phố sau khi sắp xếp.

TP.HCM đã sẵn sàng tổng sắp xếp khu phố, ấp
Ông Huỳnh Ngọc Hạnh (ngoài cùng, bên trái), Bí thư chi bộ khu phố 1 (phường 2, quận 5), trò chuyện với người dân khu phố. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông Hạnh nói cả 64 nhân sự trong ban điều hành khu phố, tổ dân phố thời gian qua đã rất nỗ lực, chung sức vì công việc chung. “Từ việc lớn như đảm bảo an ninh trật tự, PCCC, vận động thu quỹ cho đến việc nhỏ như thay bóng đèn, dây điện hỏng... việc gì cũng đến tay cán bộ tổ dân phố. Có gì khó khăn, người dân cũng gọi tổ dân phố… Họ là những người gần gũi với dân nhất” - ông Hạnh chia sẻ.

Ông Hạnh kiến nghị cần giảm các thủ tục giấy tờ rườm rà nhằm giảm tải gánh nặng cho ban điều hành khu phố mới. “Quá nhiều thủ tục bằng giấy, nếu không tinh giản và chuyển sang công nghệ thì ban điều hành khu phố mới sẽ khó cáng đáng với số lượng công việc hiện tại” - ông Hạnh lý giải.

Còn ông Trần Văn Đức, Bí thư chi bộ khu phố 3 (phường Tân Thới Nhất, quận 12), cho biết ban điều hành nơi đây phải đảm đương công việc cho khoảng 4.000 hộ dân. Dự kiến sau khi chia tách, khu phố do ông Đức phụ trách có 12 khu phố mới.

“Từ một khu phố với hơn 4.000 hộ dân, sau khi sắp xếp sẽ thành 12 khu phố, mỗi khu phố với khoảng 500 hộ dân thì đỡ áp lực hơn nhiều. Việc tinh giản cũng giúp bộ máy quản lý bớt cồng kềnh hơn” - ông Đức nói.

SD.jpg

Tính toán nhân sự, bộ máy sau sắp xếp hợp lý

Quá trình xây dựng phương án sắp xếp, lãnh đạo các địa phương đều đánh giá việc sắp xếp lại khu phố, ấp sẽ nâng cao chất lượng người hoạt động không chuyên trách của khu phố. Tuy nhiên, bài toán về bố trí nhân sự đủ và có chất lượng vẫn đang được các phường, xã tính toán.

Phường Hiệp Bình Chánh là một trong những phường đông dân nhất tại TP Thủ Đức. Với hơn 109.000 dân, phường này chia thành chín khu phố, 102 tổ dân phố để quản lý. Hiện có 269 người hoạt động không chuyên trách ở cả khu phố và tổ dân phố.

Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết thực hiện sắp xếp khu phố, phường có 44 khu phố mới với 30.191 hộ gia đình và 103.200 nhân khẩu. Trong đó, hai khu phố có trên 900 hộ dân, bảy khu phố có hơn 800 hộ dân.

Lãnh đạo phường lo thiếu hụt nhân sự sau khi sắp xếp nên phường đã rà soát, tiếp xúc, vận động nhân sự ở chín khu phố hiện hữu tiếp tục tham gia công tác. Song song đó, triển khai cấp ủy chi bộ, Ban Công tác mặt trận tại chín khu phố xem xét, đề xuất nhân sự tham gia vào các khu phố mới.

Xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh là địa bàn có dân số thuộc nhóm đứng đầu TP.HCM với hơn 45.500 hộ dân, hơn 162.000 nhân khẩu. Hiện xã có 15 ấp với 247 tổ nhân dân và 680 người hoạt động không chuyên trách ở ấp, tổ nhân dân.

Chủ tịch xã Vĩnh Lộc A Phùng Quốc Việt cho hay sau khi sắp xếp, xã có 73 ấp và giảm số lượng người hoạt động ở ấp còn 365 người. “Để đảm bảo nhân sự cho ấp, chúng tôi sẽ huy động những người hoạt động ở tổ nhân dân bị dôi dư về làm việc” - ông Việt nói thêm.

Bên cạnh các điều kiện về sức khỏe, trình độ, kinh nghiệm, uy tín..., ông Việt cũng nhấn mạnh điểm cần có nhất ở ban điều hành ấp mới là biết sử dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ vào quản lý ấp. “Với một ấp gần 1.000 hộ, chúng tôi vẫn có thể đảm đương nhưng cần có người biết ứng dụng công nghệ vào quản lý” - ông Việt nói.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban điều hành khu phố 2 (phường 5, quận 3), cho rằng đi cùng với việc chia tách khu phố, ấp, cần bố trí lại số đảng viên hiện có cho phù hợp. “Cần chọn những bí thư chi bộ “cứng” để khi chia tách có thể quyết định và tập hợp được tinh thần đoàn kết của mọi người trong cùng một khu phố” - bà Yến nói.

tp-hcm-da-san-sang-tong-sap-xep-khu-pho-ap-tran-thi-nhu-hoa-quan-3.JPG
Bà Trần Thị Như Hoa, Bí thư Chi bộ Khu phố 1 (phường 9, quận 3) cho biết người dân đồng thuận với việc sắp xếp khu phố, ấp. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Cùng quan điểm, bà Trần Thị Như Hoa, Bí thư chi bộ khu phố 1 (phường 9, quận 3), cho rằng một trong những khó khăn lớn nhất khi sắp xếp khu phố là kiện toàn bộ máy nhân sự. “Các thanh niên thường sinh hoạt ở trường học, công ty nên để tìm nhân sự cho chức danh bí thư đoàn thanh niên là rất khó. Các cô, chú ở tổ dân phố cũng có nguyện vọng nghỉ hưu nên chúng tôi gặp khó trong kiện toàn ban điều hành khu phố mới” - bà Hoa chia sẻ.

Tuy nhiên, bà Hoa khẳng định cho đến khi TP.HCM “bấm nút” thông qua nghị quyết sắp xếp khu phố, ấp, khu phố 1 sẽ tiếp tục vận động, tìm kiếm nhân sự phù hợp. “Chỉ khi có những nhân sự phù hợp thì công tác khu phố mới thực sự gần dân, sát dân” - bà Hoa nói.

Qua trao đổi, các lãnh đạo phường đều cho rằng cần tăng thêm nhân sự để hỗ trợ với những khu phố có địa bàn rộng. Mỗi khu phố mới khoảng 500 hộ dân là tương đối cao, dẫn đến áp lực khi phải bầu chọn được những người có tâm huyết và có khả năng thích ứng với cường độ công việc, khả năng sử dụng công nghệ thông tin...

Cạnh đó, việc giảm số lượng người tham gia hoạt động sẽ gây nhiều áp lực trong hoạt động điều hành, ít nhiều làm xáo trộn một số vấn đề trong giao dịch hằng ngày của người dân liên quan đến giấy tờ. Người hoạt động không chuyên trách ở khu phố đa số đều lớn tuổi nên cũng sẽ gặp khó khăn trong nắm lại địa bàn mới.

Lo thiếu trụ sở hoạt động sau khi sắp xếp

Ngoài vấn đề nhân sự, bài toán về trụ sở hoạt động là vấn đề khiến lãnh đạo phường, xã đông dân “đau đầu”.

Phường Tân Thới Nhất, quận 12 có hơn 24.000 hộ với hơn 87.500 nhân khẩu, gồm tám khu phố và 116 tổ dân phố. Sau khi sắp xếp, phường này tăng lên thành 42 khu phố.

Ông Nguyễn Hải Lâm, Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất, quận 12, chia sẻ do số lượng khu phố tăng nên phường phải tính toán để bố trí thêm các trụ sở hoạt động.

Trước mắt, phường sẽ bố trí thêm 19 địa điểm sinh hoạt cho người dân tại trụ sở khu phố cũ, chung cư, chốt dân phòng khu phố, trụ sở UBND phường... Đồng thời linh động để các khu phố luân phiên sinh hoạt, làm việc thay phiên tại các trụ sở này.

“Dù vậy, việc sinh hoạt, làm việc chung ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc vận hành của văn phòng khu phố mới. Mong thời gian tới TP sẽ có kiến nghị tháo gỡ khó khăn này” - ông Lâm nói.

tp-hcm-da-san-sang-tong-sap-xep-khu-pho-ap-quan-5.JPG
Ban điều hành khu phố 1, phường 2, quận 5 phát tờ rơi vận động người dân khu phố phân loại rác, giữ vệ sinh công cộng. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Để giải quyết nhu cầu trụ sở khi chia tách chín khu phố hiện hữu thành 44 khu phố, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) Nguyễn Ngọc Tuấn nói phường sẽ tiếp tục rà soát và đề xuất một số địa chỉ nhà đất công để bố trí làm địa điểm sinh hoạt của khu phố. Với các khu phố mới có chung cư, ông Tuấn nói phường dự kiến mượn nhà sinh hoạt cộng đồng làm trụ sở khu phố...

Không chỉ ở các phường, xã đông dân mà ngay ở các quận trung tâm TP, tình trạng thiếu hụt trụ sở sau khi sắp xếp cũng là vấn đề nan giải.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban điều hành khu phố 2 (phường 5, quận 3), cho biết khu phố hiện có 19 tổ dân phố. Sau khi sắp xếp, khu phố 2 sẽ chia tách thành ba khu phố, mỗi khu phố có khoảng 500 hộ dân. Do không có không gian để làm trụ sở nên phương án được đưa ra là sử dụng trụ sở khu phố cũ cho cả ba khu phố mới.

“Sau khi chia tách, tinh thần là ba khu phố sẽ luân phiên chia ca ra để hoạt động, đảm bảo việc quản lý, điều hành khu phố được thông suốt” - bà Yến nói.

Riêng về quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, các địa phương cho hay sẽ thực hiện theo phương án chia ô khu vực và bố trí cảnh sát khu vực phù hợp. Các phường cũng tuyển dụng, bố trí lực lượng bảo vệ dân phố ở các khu phố mới sau khi sắp xếp để đồng bộ về lực lượng tham gia giữ gìn an ninh trật tự và các hoạt động khác.

Ban chỉ huy quân sự phường sắp xếp bổ nhiệm khu đội trưởng, tham mưu bổ sung lực lượng dân quân tại chỗ ở các khu phố mới để phối hợp với các lực lượng của công an thực hiện các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ khác.

Ba phường thí điểm đầu tiên ở TP.HCM

TP Thủ Đức là địa phương đầu tiên ở TP.HCM thí điểm sắp xếp khu phố, ấp ở ba phường là An Phú, Hiệp Bình Phước và Phú Hữu. Sau khi sắp xếp, số khu phố của ba phường tăng từ 15 khu phố lên 76 khu phố, số người hoạt động không chuyên trách giảm 183 người (từ 563 người xuống còn 380 người).

Qua sắp xếp, TP Thủ Đức nhận thấy một số khó khăn phát sinh như tâm tư, tình cảm của đội ngũ nhân sự không chuyên trách; các khu phố phải sử dụng chung trụ sở nên tạo ra sự bất tiện…

*******

Không làm xáo trộn, gây phiền hà cho dân

Hồi tháng 1-2024, Sở Nội vụ đã trình UBND TP.HCM xem xét về tờ trình dự thảo Nghị quyết của HĐND TP thực hiện sắp xếp khu phố, ấp.

Theo tờ trình, TP.HCM có 299/312 phường, xã, thị trấn thuộc 21 quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện sắp xếp khu phố, ấp. Trong đó có 2.008 khu phố, ấp và 25.369 tổ dân phố, tổ nhân dân phải sắp xếp. TP.HCM sẽ có 4.861 khu phố, ấp thành lập mới.

Sở Nội vụ cho biết thực hiện mô hình sắp xếp khu phố, ấp, TP.HCM đã tinh gọn bộ máy từ 27.377 tổ chức xuống còn khoảng 4.861 khu phố, ấp (giảm 20.516 tổ chức); tinh giản nhân sự từ khoảng 64.293 người xuống còn khoảng 43.749 người (giảm 20.544 người). Giảm quy mô số hộ gia đình của khu phố, ấp cũ xuống còn 500 hộ đối với phường, thị trấn và 350 hộ đối với xã.

Mỗi khu phố, ấp có năm chức danh được hưởng phụ cấp hằng tháng gồm bí thư, trưởng khu phố, ấp, trưởng Ban Công tác mặt trận, chi hội trưởng phụ nữ và bí thư chi đoàn thanh niên.

p2-3-anh-mau_chuyen-de-sap-xep-khu-pho-ap.jpg
Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao biểu trưng, tri ân các bí thư chi bộ khu phố, ấp tại hội nghị biểu dương 235 bí thư chi bộ khu phố, ấp tiêu biểu cấp TP vào tháng 9-2023. Ảnh: THANH THÙY

Trước đó, vào tháng 7-2023, Thành ủy TP.HCM ban hành chỉ đạo về việc thực hiện sắp xếp khu phố, ấp. Trong đó, yêu cầu việc sắp xếp phải đảm bảo không làm thay đổi địa giới hành chính và bố trí cán bộ có năng lực, trách nhiệm.

Đến tháng 9-2023, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị biểu dương 235 bí thư chi bộ khu phố, ấp tiêu biểu cấp TP. Ngoài tôn vinh cấp TP, cấp ủy cơ sở cũng biểu dương 2.185 bí thư chi bộ khu phố, ấp, đảng viên tiêu biểu.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá các bí thư chi bộ khu phố, ấp thường là những đảng viên lâu năm, có tuổi cao, đã có những cống hiến thầm lặng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị, vận động người dân.

Ông đề nghị TP cần nghiên cứu kỹ để việc sắp xếp khu phố, ấp được tốt hơn, chứ không làm rối hơn hay tạo ra những vấn đề khác.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận cán bộ khu phố, ấp, tổ là những người sát cơ sở, nhiệt tình, tâm huyết... với TP, thậm chí phải hy sinh thời gian, công sức của mình cho công việc chung tại cơ sở.

Ông Mãi yêu cầu địa phương tránh gây phiền hà cho người dân khi sắp xếp.

Đọc thêm