TAND TP Hà Nội vừa tuyên phạt bị cáo Ngô Thị Kim Loan (SN 1961, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mức án 13 năm tù về tội cướp tài sản. Cùng tội danh, bị cáo Nguyễn Trọng Trình bị phạt 13 năm tù; Lê Viết Hải 11 năm tù; các bị cáo Lê Khắc Hiện, Đặng Tuấn Nam, Nguyễn Phùng Thủy cùng bị phạt 10 năm tù.
HĐXX cho rằng bị hại là anh Hà Định Đạt (SN 1997, trú tại Ninh Giang, Hải Dương) cũng có lỗi một phần khi không giải quyết nợ dứt điểm cho bà Loan, dẫn đến mâu thuẫn giữa các bên.
139 đồng ETH không cánh mà bay
Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Ngô Thị Kim Loan có quen biết anh Hà Đình Đạt thông qua hoạt động kinh doanh tiền ảo Best4FX. Bị cáo Loan nhờ anh Đạt lập tài khoản (ví điện tử).
Quá trình kinh doanh tiền ảo, đến tháng 12-2019, bị cáo kiểm tra ví điện tử phát hiện bị thất thoát 139 đồng tiền ETH (Ethereum). Cho rằng anh Đạt là người đã lấy số tiền này nên bị cáo nhiều lần tìm gặp anh Đạt đòi tiền. Vì anh Đạt trốn tránh không gặp bị cáo nên tháng 6-2021, bị cáo nhờ Lê Khắc Hiên, Lê Viết Hải đòi tiền.
Trước khi xảy ra sự việc trong vụ án, anh Đạt đã trả cho bà Loan được 384 triệu đồng, tương đương 7 đồng ETH.
Đến đầu tháng 3-2022, bà Loan không liên lạc được với anh Đạt nên tiếp tục nhờ Hải và Hiên đòi nợ, sau đó cả hai lại tìm đến nhờ Nguyễn Trọng Trình giúp.
Họ thỏa thuận bà Loan ủy quyền cho Trình, Hải làm việc và nhận số tiền trị giá 139 ETH quy đổi tiền Việt Nam mà anh Đạt đã chiếm đoạt của bà Loan. Tiền công là 50% giá trị khoản nợ.
Lúc này, giá trị 139 đồng ETH tương đương 9 tỉ đồng. Nhóm bị cáo bàn bạc thống nhất hẹn anh Đạt ra quán cà phê để đòi nợ, nếu không trả phải viết giấy chuyển nhượng cho bị cáo Loan các tài sản có giá trị như nhà, đất, xe ô tô để trừ nợ.
Bị cáo Trình tìm hiểu và biết anh Đạt đăng thông tin rao bán một mảnh đất nên gọi điện hẹn gặp để bàn chuyện mua bán đất.
Tin lời, khoảng 14h30 ngày 22-3-2022, anh Đạt cùng với 2 người bạn đến quán cà phê Hòa Lạc ở huyện Thạch Thất. Khi anh Đạt đến, Trình báo cho nhóm Loan đi ra và bảo 2 người đi cùng anh Đạt sang bàn khác để nói chuyện riêng với anh Đạt.
Sau đó, nhóm bà Loan liên tục đe dọa và đòi anh Đạt trả tiền hoặc phải viết giấy chuyển nhượng nhà, xe để trả nợ. Do không có nhà xe, anh Đạt phải vay tiền 2 người bạn được 50 triệu đồng để trả cho bị cáo Loan.
Để thoát thân, anh Đạt xin đi vệ sinh và tranh thủ nhắn tin cho bạn nhờ trình báo công an. Thấy anh Đạt đi lâu, Trình vào tìm và dùng tay đấm vào ngực, cổ, đá vào sườn ngực anh Đạt bắt ra gặp Loan để tiếp tục giải quyết.
Đến 17h cùng ngày, Công an huyện Thạch Thất đến yêu cầu tất cả về trụ sở Công an để làm rõ sự việc.
Chỉ đòi nợ không cướp?
Tại phiên tòa, bị cáo Loan khẳng định không có hành vi cướp tài sản, khi đi gặp anh Đạt không có vũ khí, không bàn bạc với nhau lấy bao nhiều tiền mang về. Bà Loan cũng khai đã đưa cho anh Đạt số tiền 2 tỉ đồng để đầu tư tiền ảo.
Theo bị cáo, Đạt đã tiếp cận, tạo mối quan hệ thân thiết, gọi bằng mẹ - con nên bà mới tin cậy giao tiền. Mọi việc do Đạt làm và bà không biết có đầu tư thật hay không và tiền đi đâu. Bà chỉ biết bị mất toàn bộ số tiền đã đưa một cách không rõ ràng". Bà khi về quê Đạt hỏi thăm thì hàng xóm cho hay từng có nhiều người đến đòi tiền như bà.
Suốt quá trình từ trước tới nay, khi bị cáo Loan đòi nợ anh Đạt vẫn thừa nhận. Giấy cam đoan nhận trách nhiệm do chính tay anh Đạt viết hoàn toàn tự nguyện ghi nội dung anh Đạt đã trộm của bị cáo 139 đồng ETH dùng vào mục đích cá nhân.
Sau khi số tiền ảo bất ngờ bị chuyển sang ví điện tử khác, bà Loan đã 2 lần ra trình báo công an nhưng do tiền ảo không hợp pháp, đưa tiền mặt cho anh Đạt không có chứng cứ nên không được thụ lý.
Bị cáo Trình, Hải, Hiện, Tuấn Nam, Thủy… đều khai nhận hành vi tuy nhiên các bị cáo này nói rằng không có mục đích cướp tài sản của anh Đạt. Bị cáo Trình khai tại quán cà phê, bị cáo có bảo anh Đạt “cô Loan tuổi cha mẹ, Đạt phải có phương án trả tiền cho cô Loan”.
Bị cáo Trình thừa nhận có vỗ vai anh Đạt nhưng không vỗ đầu, bóp đầu đe dọa anh Đạt. Khi anh Đạt đi vệ sinh thì ít phút sau bị cáo cũng đi vệ sinh và do “Đạt kích động bị cáo nên bị cáo có đá vào mông và đấm vào bụng anh Đạt 1 cái”. Khi cả hai ra ngoài, chưa kịp nói gì thì công an đến.
Nạn nhân Hà Đình Đạt không có mặt tại phiên tòa. Tại CQĐT, anh Đạt khai năm 2019 có tư vấn cho bị cáo Loan kinh doanh tiền ảo nhưng do thị trường bị sập, bà Loan nghi ngờ anh lấy 139 ETH. Do bị bà Loan gây sức ép, yêu cầu anh Đạt phải có trách nhiệm và viết giấy nhận nợ nên anh Đạt đã hỗ trợ trả tiền cho bà Loan. Tài liệu điều tra thu thập không đủ căn cứ xác định anh Đạt đã lấy 139 ETH trong tài khoản của Loan.