Ngày 23-8, Bộ Tư pháp tổ chức buổi tọa đàm một số vấn đề hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 29/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng; định hướng xây dựng nghị định thay thế Nghị định 29/2025.
Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Sở Tư pháp một số tỉnh thành và đại diện các tổ chức hành nghề công chứng đã nêu ra những vướng mắc trong quá trình hành nghề công chứng. Đồng thời, các công chứng viên nêu một số kiến nghị cũng như định hướng sửa đổi Nghị định 29/2015 để việc thực thi Luật Công chứng được thuận tiện hơn.
Nội dung đưa ra bàn để sửa đổi nghị định
Đại diện Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư Pháp, cho biết dự án Luật Công chứng sửa đổi đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua. Hiện, Bộ Tư pháp đang phối hợp cùng Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội.
Khi xây dựng Luật Công chứng sửa đổi và Nghị định thay thế Nghị định 29/2015 vừa phải kế thừa, phát triển những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.
Để thực hiện được mục tiêu này, một số vấn đề cần tập trung khi xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 29/2015 với một số nội dung cơ bản như:
Thứ nhất, về chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng có nên giữ hai phương thức như Nghị định hiện nay không? Đối với phương thức chuyển giao cho chính công chứng viên đang làm việc tại phòng công chứng thì có cần định giá để chuyển đổi không hay chuyển giao luôn? Nếu định giá thì theo căn cứ nào...
Thứ hai, về chuyển nhượng văn phòng công chứng thì Luật Doanh nghiệp không có quy định về chuyển nhượng công ty hợp danh mà chỉ có quy định về chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của thành viên hợp danh của công ty hợp danh. Tuy nhiên Luật Công chứng năm 2014 lại quy định về chuyển nhượng văn phòng công chứng.
Thứ ba, về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên và bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng. Đề nghị các đại biểu cho ý kiến về giải pháp nhằm phát huy vai trò của bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên trong thực tế, tránh tình trạng các tổ chức hành nghề công chứng phải dành một khoản tiền khá lớn để mua bảo hiểm nhưng chưa bao giờ được chi trả bảo hiểm. Trong trường hợp thiệt hại do hoạt động hành nghề của công chứng viên xảy ra trên thực tế thì tổ chức hành nghề công chứng đều phải tự mình giải quyết mà chưa bao giờ nhận được sự hỗ trợ của cơ quan bảo hiểm.
Thứ ba, về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên: Hiện nay đã thành lập được Hiệp hội công chứng viên Việt Nam và Hội công chứng viên tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì các quy định của Nghị định số 29/2015 hiện nay về thành lập Hiệp hội và các Hội công chứng viên là không còn cần thiết.
Tuy nhiên, yêu cầu phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên trong giai đoạn này được nâng cao. Trong bối cảnh đó, dự thảo Nghị định cần tập trung quy định những vấn đề gì về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên và nội dung quy định như thế nào?
Thứ tư, về công chứng điện tử. Để tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương chuyển đổi số, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về công chứng điện tử. Quy định này là hoàn toàn mới so với quy định của Luật Công chứng năm 2014.
Có thể thấy rằng, công chứng điện tử là xu thế tất yếu trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử… Điều 9 Luật Giao dịch điện tử năm 2023 quy định trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được công chứng, chứng thực thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu được công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng; chứng thực theo quy định của Luật này và pháp luật về chứng thực.
Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu công chứng
Ông Nguyễn Thành Băng, Trưởng Phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư Pháp TP.HCM chia sẻ: dữ liệu công chứng có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động công chứng nói riêng và hoạt động kinh tế nói chung, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Dự thảo Luật Công chứng và nghị định đều không xác định Cơ sở dữ liệu công chứng là cơ sở dữ liệu loại nào, ai sở hữu cơ sở dữ liệu công chứng, cũng như không quy định cơ quan nào có quyền quản lý nhà nước đối với cơ sở dữ liệu công chứng.
Do không có quy định cụ thể nên có thể hiểu quy định “cơ sở dữ liệu công chứng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 63 Luật Công chứng” thuộc sở hữu của Hiệp hội công chứng hay không? Trong khi, hiệp hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên, không tham gia vào việc công chứng hay quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng cũng như không có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện kết nối, liên thông các thủ tục hành chính có sử dụng dữ liệu công chứng.
Trong trường hợp có những quan điểm khác nhau về quản lý, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng, liệu Hiệp hội có quyền từ chối không cho chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu hay không? - ông Băng đặt vấn đề.
Do đó, Sở Tư pháp TP.HCM đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc lại việc giao cho hiệp hội toàn bộ quyền “xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu công chứng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 63 Luật Công chứng” và cần quy định rõ cơ sở dữ liệu công chứng thuộc sở hữu nhà nước.
Với những ý kiến góp ý, kiến nghị thẳng thắn của các đại biểu chúng tôi xin ghi nhận để sau này xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Công chứng sửa đổi.
Trong thời gian tới khi có dự thảo nghị định hướng dẫn chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự đóng góp của các công chứng viên, Sở Tư pháp, cũng nhưng các hiệp hội công chứng viên địa phương để làm sao hoàn thiện dự thảo một cách tốt nhất.
Ông NGUYỄN TẤN CƯỜNG,
Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư Pháp