Đến năm 2030: TP.HCM sẽ sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh

(PLO)- Từ 2025-2030, TP.HCM cần khoảng 34.003 tỉ đồng để chuyển đổi từ xe buýt sử dụng năng lượng hóa thạch sang xe buýt điện, sử dụng năng lượng xanh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, các sở ngành và quận huyện để lấy ý kiến về đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND TP.HCM ban hành Kế hoạch chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn.

TP.HCM đã đưa ra từng lộ trình chuyển đổi sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh.

Sử dụng xe điện vẫn còn nhiều rào cản

Sở GTVT lấy ý kiến về Đề án Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 1: Chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn TP.

Đến năm 2030: TP.HCM sẽ sử sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh
Đến năm 2030, TP.HCM sẽ sử sử dụng xe buýt điện, năng lượng xanh. Ảnh: ĐT

Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn TP. TP cũng lấy ý kiến về việc đánh giá tác động trong quá trình chuyển đổi.

Theo Sở GTVT ưu điểm của xe buýt điện là giảm khí thải ô nhiễm môi trường. Xe điện không phải thải NOx và PM10 trong quá trình hoạt động và phát thải CO2 từ xe buýt điện phụ thuộc vào hệ số phát thải của nguồn điện cung cấp.

Hiện thị trường Việt Nam bắt đầu tham gia vào xu hướng toàn cầu về xe điện hóa. Xe buýt điện loại lớn cũng đã bắt đầu hoạt động tại TP.HCM và Hà Nội do Công ty Vinbus quản lý và vận hành. Năm 2023, taxi điện đang hoạt động tại nhiều TP với hơn 15.000 xe.

Nhìn nhận thực tế, Sở GTVT đánh giá hiện nay giá xe điện cao hơn từ 3-4 lần giá sử dụng động cơ đốt trong, đặc biệt khi thiếu các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Đối với người tiêu dùng, giá điện hiện tại là một trong 3 rào cản lớn và quan trọng nhất khi người tiêu dùng quyết định mua xe điện.

Đối với doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng, chi phí đầu tư mua mới phương tiện và chi phí đầu tư trạm sạc là rào cản lớn nhất khiến họ chưa thể sẵn sàng chuyển đổi phương tiện.

Chuyển đổi sang xe buýt điện, năng lượng xanh theo lộ trình

Trước thực trạng trên, Sở GTVT TP đã có Đề án nghiên cứu, đánh giá thực trạng của hoạt động vận tải hành khách công cộng ở TP, bao gồm rà soát hệ thống các quy định pháp lý liên quan, đúc kết kinh nghiệm quốc tế và trong nước, nhận diện những khó khăn...

Đồng thời từ thực tiễn của TP.HCM đưa ra kế hoạch là lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh, nhu cầu đầu tư trạm sạc, trạm nạp nhiên liệu cho xe buýt điện, chuyển đổi năng lượng xanh.

Chuyển đổi sang xe buýt điện, năng lượng xanh theo lộ trình
Chuyển đổi sang xe buýt điện, năng lượng xanh theo lộ trình. Ảnh: ĐT

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đề xuất đồng bộ các cơ chế, chính sách đảm bảo thực hiện đúng lộ trình chuyển đổi và đạt được tỉ lệ phương tiện. Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện, sử dụng năng lượng xanh đạt tỉ 100% vào năm 2030. Vì vậy, Sở GTVT đã đưa ra mục tiêu và lộ trình cụ thể gồm hai giai đoạn.

Giai đoạn một 2024-2029: Đối với các tuyến xe buýt có trợ giá hiện hữu là tuyến xe buýt điện sẽ tiếp tục sử dụng điện. Đối với các tuyến xe buýt đang sử dụng nhiên liệu CNG sẽ tiếp tiếp tục sử dụng nhiên liệu CNG, điện.

Các tuyến sử dụng nhiên liệu diesel tiếp tục sử dụng nhiên liệu diesel và thực hiện chuyển đổi sang sử dụng điện từ năm 2028.

Đối với các tuyến buýt không trợ giá hiện hữu được chuyển đổi như sau: Từ năm 2025 xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, nhiên liệu CNG; Từ năm 2029 chuyển đổi tất cả buýt sử dụng nhiên liệu diesel sang xe buýt điện. Đối với các tuyến xe buýt mở mới sẽ sử dụng điện, nhiên liệu CNG.

Giai đoạn hai từ năm 2030: 100% phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sẽ chuyển đổi sang xe buýt điện, năng lượng xanh.

Dự kiến tổng số lượng phương tiện chuyển đổi từ diesel sang điện giai đoạn 2025 - 2030 là 2.771 xe. Trong đó có 1.663 phương tiện thay thế trên các tuyến xe buýt hiện hữu và 1.108 phương tiện đầu tư trên các các tuyến mở mới.

Cần hơn 34.000 tỉ đồng để chuyển đổi

Để đảm bảo lộ trình, Sở GTVT TP dự kiến đầu tư trên TP.HCM 25 vị trí, với 269 trụ sạc loại 480kW, 4 thiết bị sạc/trụ. Ước tính tổng kinh phí đầu tư, vận hành, bảo trì trong giai đoạn 2025 - 2030 để chuyển đổi buýt điện khoảng 2.235 tỉ đồng.

Một số chính sách khuyến khích chuyển đổi như cho phép mức vốn vay tối đa là 85% tổng mức đầu tư của dự án, mức vốn vay hỗ trợ lãi suất tối đa 300 tỉ đồng/dự án; Hỗ trợ 5% lãi suất đầu tư xây dựng trạm sạc điện phục vụ cho phương tiện trên địa bàn TP.HCM.

Riêng tổng kinh phí thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng xe buýt điện và đầu tư xây dựng hạ tầng giai đoạn 2025 - 2030 ước tính khoảng 34.003 tỉ đồng.

Trong đó, trung bình 5.667 tỉ đồng/năm, chưa bao gồm 750 tỉ đồng hỗ trợ lãi vay đầu tư phương tiện, trạm sạc được giải ngân giai đoạn 2031 - 2036.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm