Ngán ngẩm vì nhiều điểm dừng xe buýt bị lấn chiếm

(PLO)- Nhiều điểm dừng xe buýt bị lấn chiếm để buôn bán, thậm chí có điểm dừng bị bao vây bởi cỏ, che khuất biển báo, không có chỗ để hành khách đón xe.

Tại TP.HCM, đi dọc theo các tuyến đường, người dân cho biết nhiều điểm dừng xe buýt bị lấn chiếm không gian làm nơi kinh doanh, buôn bán.

Thậm chí, có điểm dừng xe buýt bị bao quanh bởi cỏ, không còn lối đứng đón xe. Điều này gây mất mỹ quan đô thị, an ninh trật tự và an toàn giao thông.

Trạm dừng, điểm dừng xe buýt bị che khuất

Theo ghi nhận PV, tại điểm dừng xe buýt đối diện Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (TP Thủ Đức), cỏ dại mọc um tùm. Nếu nhìn từ xa, rất khó để tìm thấy điểm dừng, cũng như người đứng ở điểm dừng khó quan sát trong lúc chờ xe buýt tới. Hành khách chờ đón xe phải đứng phía dưới lòng đường để dễ dàng bắt xe buýt.

điểm dừng xe buýt bị lấn chiếm
Điểm dừng xe buýt đối diện Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (TP Thủ Đức) bị cỏ dại bao vây, không còn chỗ để hành khách đứng. Ảnh: THẢO HIỀN

Chị NTH, quê Trà Vinh cho biết có người thân là bệnh nhân ở Bệnh viện Ung bướu nên thường xuyên đón xe buýt tại đây để di chuyển.

“Cái điểm dừng này bị khuất quá, cỏ mọc nhiều nên phải nhìn kỹ mới thấy biển báo điểm dừng xe buýt. Thêm đó, dọc đường xe ô tô đậu dài dài nên mỗi lần đón xe phải đứng hẳn dưới lòng đường, rất nguy hiểm” – chị H nói.

Tương tự, tại điểm dừng xe buýt trước Trung tâm đào tạo Khu công nghệ cao TP.HCM (dọc Xa lộ Hà Nội), nhiều bàn ghế, thùng xốp, các vật dụng bán nước được bày la liệt xung quanh khu vực nhà chờ. Thậm chí xe đẩy pha chế còn đặt tại vị trí xương cá dừng xe buýt. Đồ đạc lộn xộn khiến hành khách không còn chỗ đón xe. Đặc biệt khi xe buýt ra vào trạm dừng gây mất an toàn cho hành khách và các phương tiện lưu thông qua đoạn đường này.

điểm dừng xe buýt bị lấn chiếm
Điểm dừng xe buýt trước Trung tâm đào tạo Khu công nghệ cao TP.HCM bị hàng quán lấn chiếm. Ảnh: THẢO HIỀN.

Anh ĐNT, sinh viên một trường đại học gần đó chia sẻ, các hàng quán này bày bán trong nhà chờ xe buýt đã lâu nhưng đô thị ra dẹp được vài bữa rồi đâu lại vào đó.

‘Nhiều khi xe buýt đến phải đợi họ đẩy xe bán hàng ra khỏi vạch xương cá để dừng khiến các xe lưu thông phía sau cũng bị ảnh hưởng. Chưa kể người đón xe buýt không có chỗ đứng, nhiều lúc giơ tay lên vẫy xe cũng rất khó để bác tài thấy vì bị xung quanh che khuất’ – anh T bức xúc.

Liên tục xử lý nhưng khó dứt điểm

Trao đổi với PV, ông Phạm Vương Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM, cho biết hiện trên địa bàn TP.HCM có 4.518 vị trí điểm dừng xe buýt. Trong đó, có 3.091 vị trí trụ dừng và 816 vị trí nhà chờ được lắp đặt trên vỉa hè, lề đường phục vụ nhu cầu đi lại bằng xe buýt của người dân.

“Qua kiểm tra 6 tháng đầu năm 2024, ghi nhận có 124 điểm dừng xe buýt bị lấn chiếm, tập trung ở các địa bàn như huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức, quận Bình Tân,... và 25 điểm dừng bị tập kết rác xả, xả rác” – ông Bảo thông tin.

Cũng theo ông Bảo, hiện Trung tâm được phân cấp quản lý kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP.HCM. Đối với công tác quản lý vỉa hè, bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè, bảo đảm công tác vệ sinh, mỹ quan đô và xử lý các tình trạng chiếm dụng lề đường, vỉa hè để buôn bán, xả rác, tập kết rác,… được giao cho UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện.

“Do đó, khi phát hiện các trường hợp điểm dừng xe buýt bị lấn chiếm, Trung tâm không đủ thẩm quyền xử lý vi phạm, phải chuyển các thông tin đến các quận, huyện và TP Thủ Đức để hỗ trợ kiểm tra xử lý theo quy định” – ông Bảo nói.

nhieu-diem-dung-xe-buyt-bi-lan-chiem_11zon.jpg
Điểm dừng xe buýt bị chiếm dụng đặt bàn ghế để khách ngồi uống nước. Ảnh: THẢO HIỀN.

Nói về khó khăn trong công tác xử lý, ông Bảo chia sẻ tình trạng điểm dừng xe buýt bị lấn chiếm chưa được xử lý dứt điểm vì khi lực lượng chức năng có mặt thì việc chiếm dụng được thu dọn, hoàn trả mặt bằng nhưng tái diễn khi lực lượng chức năng rời đi.

Bên cạnh đó, việc phối hợp, xử lý tình trạng chiếm dụng tại các điểm dừng xe buýt theo thẩm quyền của địa phương còn chưa kịp thời và triệt để. Một số trường hợp chiếm dụng điểm dừng xe buýt đã được chính quyền địa phương xử lý nhưng vẫn tái diễn, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người dân đi lại bằng xe buýt.

Trung tâm cũng kiến nghị Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị các cơ quan quản lý chỉ đạo đơn vị, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra tình trạng chiếm dụng điểm dừng xe buýt và có biện pháp hỗ trợ Trung tâm tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý triệt để tình trạng trên, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Đồng thời, Trung tâm tiếp tục thực hiện công tác duy tu, kiểm tra kết cấu các điểm dừng xe buýt để kịp thời phát hiện các hư hỏng về kết cấu, tình trạng chiếm dụng nhằm phối hợp xử lý nếu có vi phạm, đảm bảo công tác vệ sinh điểm dừng xe buýt.

Lấn chiếm điểm dừng xe buýt có thể bị phạt đến 3 triệu đồng

Khoản 1 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định lòng lề đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Như vậy, đối với hành vi buôn bán vỉa hè, chiếm dụng nhà chờ xe buýt vào những mục đích cá nhân, gây ảnh hưởng và cản trở đến người, giao thông hay các hoạt động bình thường khác thì bị coi là hành vi lấn chiếm lòng đường.

Khi đó, Điều 12 Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021) quy định: Phạt tiền từ 100 - 200 ngàn đồng đối với cá nhân nếu thực hiện hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng...

Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân nếu thực hiện hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 6; khoản 7; điểm a khoản 8 Điều 12.

Tuy mức phạt không phải là lớn nhưng cơ quan chức năng có thể tạm giữ hành chính đối với các phương tiện, vật dụng bán hàng ở đó.

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm