Xe buýt TP.HCM được đổi mới theo lộ trình, 85% là xe buýt mới

 (PLO)- Xe buýt TP.HCM trong thời gian tới sẽ là đoàn phương tiện xanh, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, hiện đại, chất lượng dịch vụ tốt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

TP.HCM đang xây dựng Đề án kiểm soát khí thải cho phương tiện giao thông trên địa bàn TP, từng bước chuyển đổi phương tiện xanh ở TP.HCM.

Hiện TP.HCM đang nghiên cứu đề xuất giai đoạn từ nay đến năm 2025, toàn bộ xe buýt TP.HCM chuyển sang xe CNG, xe điện. Năm 2026, toàn bộ xe buýt TP.HCM đang hoạt động sẽ chuyển sang xe điện. Đến năm 2030, 100% xe buýt TP.HCM sẽ sử dụng năng lượng xanh.

Có cơ chế phát triển xe buýt điện, năng lượng xanh

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Vương Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM (Trung tâm) cho biết, TP.HCM có 138 tuyến xe buýt, trong đó có 108 tuyến xe buýt có trợ giá, 30 tuyến xe buýt không trợ giá. Hiện 138 tuyến xe buýt này có khoảng 2.200 xe, trong đó có 546 xe buýt sử dụng năng lượng xanh diesel và xe điện chiếm khoảng 25%.

Xe buýt TP.HCM được đổi mới theo lộ trình, 85% là xe buýt mới
Xe buýt TP.HCM được đổi mới theo lộ trình, 85% là xe buýt hoạt động dưới 10 năm. Ảnh: ĐÀO TRANG

Hiện nay, TP có một tuyến buýt điện D4 đang hoạt động thí điểm từ tháng 3-2022. Từ khi đưa vào hoạt động, lượng hành khách tham gia trên tuyến buýt điện D4 tăng đều, bình quân khoảng 30 hành khách/chuyến. Hoạt động của tuyến buýt D4 đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía hành khách về chất lượng phục vụ tốt, văn minh, lịch sự.

Tuy nhiên, tuyến buýt điện D4 vẫn còn một số vướng mắc về công tác đầu tư hạ tầng bến bãi, trạm sạc. Hiện TP cũng đã cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thí điểm và Trung tâm cũng đang tổng hợp để báo cáo công tác thí điểm về tình hình hoạt động buýt điện ở TP.HCM, từ đó đề xuất UBND TP các chính sách để phát triển các loại hình xe buýt điện.

Trung tâm cũng đang xây dựng bộ đơn giá, định mức cho xe buýt điện. Trong thời gian tới sẽ trình UBND TP ban hành bộ đơn giá, định mức cho xe buýt điện kết hợp với các chính sách khuyến khích phát triển dòng xe buýt điện. Lúc này, TP sẽ có những đoàn phương tiện xanh, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân TP.

Theo ông Bảo, TP.HCM cũng đang thực hiện Quyết định 876 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch - xe điện, năng lượng xanh. Hiện TP.HCM đang xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện, kết hợp với Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.

Hiện nay, Sở GTVT được giao xây dựng Đề án kiểm soát khí thải cho phương tiện giao thông trên địa bàn TP, trong đó có xe buýt. Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ có lộ trình, kế hoạch và đề án được phê duyệt. Khi đó, Trung tâm sẽ tiến hành các bước thực hiện chuyển đổi đoàn phương tiện xe buýt TP.HCM hiện nay theo hướng sử dụng năng lượng xanh- diesel và xe điện.

Nâng cao chất lượng phục vụ hành khách

Ông Phạm Vương Bảo cho biết thời gian qua Trung tâm rất quan tâm đầu tư nâng cao, cải thiện chất lượng phục vụ của xe buýt TP.HCM. Bao gồm từ việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, bến bãi khang trang, sạch đẹp, có nhà vệ sinh miễn phí cho hành khách.

Các điểm dừng, nhà chờ trên dọc tuyến xe buýt TP.HCM được đầu tư cải tiến và có nhiều tính năng hữu ích cho hành khách. Tại các nhà chờ xe buýt, hành khách có thể tiếp cận được thông tin dễ dàng, với đầy đủ các tiện nghi, có camera để đảm bảo an ninh cho hành khách.

Bên cạnh đó, TP cũng liên tục đổi mới đoàn phương tiện thông qua công tác đấu thầu. Hiện đoàn phương tiện xe buýt TP được thay mới, đến nay số lượng xe buýt có thời gian hoạt động dưới 10 năm chiếm trên 85%.

Nâng cao chất lượng phục vụ xe buýt TP.HCM
Nâng cao chất lượng phục vụ xe buýt TP.HCM. Ảnh: ĐÀO TRANG

"Trung tâm xác định một trong các yếu tố quan trọng là chất lượng phục vụ. Vì vậy, Trung tâm thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo nghiệp vụ theo quy định, bao gồm kỹ năng về giao tiếp, kỹ năng về kiểm soát hành vi cho lực lượng lái xe, nhân viên phục vụ.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định. Hiện nay về công tác giám sát chất lượng phục vụ được Trung tâm kiểm soát ở ba phương diện chính.

Thứ nhất là kiểm tra các điều kiện hoạt động của phương tiện tại các điểm đầu, cuối tuyến xe buýt, lái xe, nhân viên phục vụ có đảm bảo yêu cầu.

Thứ hai là kiểm tra trên dọc tuyến xe buýt TP.HCM về việc chấp hành bán vé, kiểm tra về chất lượng phương tiện có mở máy lạnh cho hành khách được tốt hay không.

Thứ ba là kiểm tra qua hệ thống giám sát điều hành trực tuyến từ dữ liệu GPS, dữ liệu camera để giám sát, quản lý thái độ của lái xe, nhân viên phục vụ" - ông Bảo nói.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng có nhân viên tiếp nhận phản ánh của hành khách qua đường dây nóng để đối chiếu với hệ thống dữ liệu tại Trung tâm điều hành trực tuyến, từ đó tiến hành xác minh, xử lý vi phạm.

Tại đây, Trung tâm có lực lượng theo dõi thường xuyên các thông tin phản ánh của người dân, báo đài thông qua mạng xã hội để nhanh chóng phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý nghiêm theo quy định.

Mở mới 17 tuyến xe buýt để kết nối với tuyến metro số 1

Hiện nay, Trung tâm cũng đang thực hiện dự án tăng cường kết nối với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Đối với phần hạ tầng kết nối, Trung tâm đầu tư hạ tầng trên dọc tuyến metro số 1 cũng như là các điểm dừng nhà chờ xe buýt trên các tuyến mở mới.

Thứ hai là nghiên cứu mạng lưới các tuyến xe buýt, tổ chức lại các tuyến xe buýt kết nối dọc hành lang của tuyến metro số 1. Đối với nhóm công việc này, Trung tâm sẽ tổ chức điều chỉnh các tuyến xe buýt hiện hữu và mở mới 17 tuyến xe buýt để kết nối với tuyến metro số 1.

17 tuyến này đã được TP.HCM tổ chức đấu thầu và lựa chọn được đơn vị thầu. Hiện nay các công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, mạng lưới tuyến này sẽ được kích hoạt đồng thời với tuyến metro số 1 khi đưa vào hoạt động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm