"Không quốc gia nào nghĩ đến việc từ chối hợp tác năng lượng với Nga. Chúng ta sẽ luôn giữ tinh thần hợp tác và các quốc gia khác sẽ hợp tác với chúng ta. Đó là mối quan hệ hợp tác tích cực, tôi không hề nghi ngờ về điều đó", ông Putin phát biểu trong cuộc họp với các sinh viên tại thành phố Arkhangelsk, phía bắc nước Nga hôm 9/6.
Theo Tổng thống Putin, trữ lượng khí đốt tại vùng Bắc Cực của Nga mang lại lợi ích lớn cho thế giới. "Không cần cường điều hóa vấn đề nhưng chắc chắn người dân cần tới nguồn khí đốt tại đây. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ cùng nhau hợp tác. Chúng ta sẽ không từ chối ai mà chủ động hợp tác với nhau", ông Putin nói thêm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Phát biểu của Tổng thống Nga được đưa ra sau tuyên bố hôm 8/6 của Thủ tướng Bulgari Plamen Oresharski yêu cầu Tập đoàn dầu khí lớn nhất nước Nga Gazprom ngừng triển khai dự án khí đốt South Stream (Dòng chảy phương Nam), do chịu sức ép từ Liên minh châu Âu (EU).
Phản ứng trước yêu cầu của Bulgari, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng EU đang hướng tới tham vọng trừng phạt Nga thay vì bảo vệ lợi ích kinh tế cho các thành viên khi tham gia dự án khí đốt phía Nam.
"Chúng tôi mới nhận được thông tin cho biết các cuộc đàm phán tại Brussels đã yêu cầu ngừng dự án khí đốt South Stream cho tới khi Nga công nhân tính hợp pháp của chính quyền Ukraine. Các cuộc trao đổi tại Brussels đang đi theo hướng trừng phạt, trả thù thay vì bảo vệ lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên trong EU", ông Lavrov cho biết.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Bulgari Dragomir Stoynev lại khẳng định dự án khí đốt South Stream không thể bị thay đổi. "Nếu chúng ta nhìn vào tình hình thực tế bỏ qua yếu tố cảm xúc, điều chắc chắn là dự án khí đốt South Stream không thể bị trì hoãn. Nó đặc biệt quan trọng với châu Âu và Bulgari", ông Stoynev chia sẻ trước giới báo chí hôm 9/6.
Tập đoàn Gazprom của Nga hiện đóng góp 45 tỷ USD trong dự án khí đốt South Stream. Theo kế hoạch, dự án này sẽ được khai thác từ năm 2018 với khả năng vận chuyển 64 tỷ m3 khí tự nhiên tới châu Âu. Dự án sẽ giúp Nga không phải dẫn khí đốt qua Ukraine cũng như đảm bảo nguồn cung tới các khách hàng châu Âu được đúng hạn.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.
Theo MINH THU /Infonet