Sau hơn hai tháng bình thường mới, người dân TP.HCM và các tỉnh miền Đông vẫn không quên hình ảnh những người lính Sư đoàn 5, Quân khu 7 lao vào cuộc chiến chống dịch hồi tháng 7, 8, 9…
Nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-2021), Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện cùng Đại tá Phạm Anh Tuấn, Chính ủy Sư đoàn 5, về những ngày tháng cán bộ, chiến sĩ sư đoàn lăn xả ở tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM, Tây Ninh, Bình Dương, Long An...
Đại tá Phạm Anh Tuấn, Chính ủy Sư đoàn 5, Quân khu 7. Ảnh: TH
Xung phong lên đường chống dịch
. Phóng viên: Thưa ông, ông có thể cho biết tâm trạng của mình cũng như của cán bộ, chiến sĩ sư đoàn khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở TP.HCM và một số tỉnh miền Đông Nam bộ?
+ Đại tá Phạm Anh Tuấn: Dịch COVID-19 càn qua khu vực gần một năm rưỡi rồi. Quân đội, lính Sư đoàn 5 vừa phải chống dịch ngay trong từng đơn vị để giữ gìn sức khỏe cho bộ đội, vừa phải bảo đảm tốt công tác huấn luyện, trực chiến, sẵn sàng trong mọi tình huống. Vất vả, căng thẳng lắm!
Lính Sư đoàn 5 chúng tôi được “quân ta” gọi vui là “lính biên cương, luôn thương về TP, quê nhà”. Vì lẽ phần lớn anh em, từ tân binh đến sĩ quan các cấp đều là con em của TP.HCM, của các tỉnh miền Đông.
Quân đội ta từ nhân dân mà ra là ở chỗ đó. Nên khi tin tức về dịch bùng phát ở TP và các tỉnh quê nhà là ai cũng nóng lòng, đau đáu. Hằng ngày bản thân tôi cũng như toàn thể cán bộ, chiến sĩ sư đoàn đã hết sức lo lắng cho tính mạng, sức khỏe, an sinh của bà con mình, mong được về với người dân càng sớm càng tốt.
. Sư đoàn 5 được mệnh danh là “quả đấm thép của miền Đông”! Vậy khi nhận được lệnh “về với dân, cứu dân trong lúc đại dịch” thì cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 đã làm gì, thưa ông?
+ Có lệnh là lên đường! Lính là vậy! Như tôi đã nói, lính Sư đoàn 5 là con em miền Đông nên lần này khi có lệnh từ cấp trên thì chúng tôi không chỉ chấp hành nghiêm mà còn xung phong, ào ào viết đơn tình nguyện lên đường chống dịch, cứu dân.
Có cậu lính mới xong khóa huấn luyện, mệt rạc người cũng xung phong đi chống dịch. Lại còn nói cứng với chỉ huy: “Thủ trưởng không cho đi chống dịch, tôi trốn đi cùng anh em!”.
. Ai cũng nhiệt tình đi chống dịch như cậu lính ấy thì ai ở lại giữ biên cương, thưa ông?
+ Sư đoàn phải điều chỉnh nhiệm vụ để thích ứng với từng cấp độ của tình hình dịch bệnh. Trong đó, xác định nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc và phòng chống dịch có vị trí, vai trò, tầm quan trọng như nhau. Đây là nhiệm vụ kép vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện việc cấp trên giao và hỗ trợ các địa phương trên địa bàn quân khu phòng chống dịch.
Hoàn thành nhiệm vụ kép Qua hơn ba tháng thực hiện nhiệm vụ kép, Sư đoàn 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, các nhiệm vụ do cấp trên giao và hỗ trợ hiệu quả các địa phương chống dịch, cứu dân. Qua đó, Sư đoàn 5 đã được Bộ Quốc phòng đề nghị Chủ tịch nước trao tặng huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; 19 tập thể, 38 cá nhân có thành tích đặc biệt được thủ trưởng Bộ Quốc phòng khen thưởng; 32 tập thể, 74 cá nhân được thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 7 khen thưởng; 154 lượt tập thể, 3.735 lượt cá nhân được cấp ủy, chính quyền địa phương khen thưởng. |
Thắp nhang cho người thân từ địa bàn chống dịch
. Bộ đội về TP và các tỉnh chống dịch thì có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
+ Chúng tôi xác định nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp, nguy hiểm, kiến thức, kỹ năng phòng chống dịch và hỗ trợ địa phương chống dịch, cứu dân của Sư đoàn 5 chưa nhiều. Tuy nhiên, anh em cũng chủ động khắc phục khó khăn, không nề hà nguy hiểm, gian khổ, tận tâm, tận lực, ngày đêm với những chiếc xe đạp thồ hậu cần đi từng con phố nhỏ, gõ cửa từng nhà, chủ động tìm đến người dân để giúp đỡ, bảo đảm an sinh, tham gia tuần tra, kiểm soát tại các chốt phòng chống dịch; test nhanh COVID-19; khử khuẩn, tiêm vaccine; điều trị bệnh nhân COVID-19.
Bất chấp nắng mưa, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 mang nhu yếu phẩm
hỗ trợ người dân phòng chống dịch. Ảnh: TH
. Chính ủy có thể nói rõ hơn những công việc mà cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 nói riêng và lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã tham gia phòng chống dịch COVID-19 tại các tỉnh miền Đông và TP.HCM?
+ Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, có lệnh là đi, giao gì nhận đó, khó mấy cũng hoàn thành, trong hơn ba tháng, hơn 4.000 lượt cán bộ, chiến sĩ sư đoàn đã kịp thời hỗ trợ các địa phương trên địa bàn quân khu như TP.HCM, các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An phòng chống dịch.
Trong đó, sư đoàn đã phối hợp với các lực lượng cùng với địa phương thực hiện các nhiệm vụ như tiếp nhận, phân loại, vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, vật tư, thiết bị y tế, thuốc men cho nhân dân; đi chợ hộ người dân; tham gia tuần tra, kiểm soát tại các chốt phòng chống dịch; test nhanh COVID-19; khử khuẩn, tiêm vaccine; điều trị bệnh nhân COVID-19. Nhiệm vụ rất khó khăn, vất vả, nhiều cán bộ đã hơn năm, sáu tháng chưa về thăm gia đình.
. Qua đợt cao điểm chống dịch, sức khỏe của bộ đội như thế nào, thưa ông?
+ Kết thúc đợt cao điểm, khi về lại doanh trại, sức khỏe của anh em đều bảo đảm. Nhưng đợt này, ở sư đoàn có 28 cán bộ, chiến sĩ có người thân qua đời trong bối cảnh đơn vị thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và phòng chống dịch. Thành ra nhiều anh em vẫn ở lại đơn vị, bám địa bàn phòng chống dịch và đành phải thắp nhang cho người thân từ xa.
. Thưa ông, dịch dã và thiên tai vẫn còn là ẩn họa trong tương lai. Vậy bộ đội và lính Sư đoàn 5 chuẩn bị tâm thế như thế nào?
+ Tư tưởng, tâm thế của bộ đội chúng tôi là ở đâu, khi nào người dân gặp thiên tai, dịch bệnh, nguy hiểm, khó khăn, gian khổ thì ở đó có bộ đội đồng hành, giúp đỡ, cùng người dân vượt qua. Với riêng người lính Sư đoàn 5 chúng tôi thì có thêm tâm nguyện: Luôn xứng đáng là đơn vị điểm vững mạnh toàn diện của toàn quân, là những người con ưu tú của “miền Đông gian lao mà anh dũng”.
. Xin cám ơn ông.
Lạy mẹ, con lại vào trận chống dịch Chiều 24-8, chiến sĩ Huỳnh Tấn Phú cùng đồng đội thuộc Sư đoàn 5, Quân khu 7 và lực lượng địa phương đang làm nhiệm vụ chuyển thực phẩm đến tận nhà hỗ trợ người dân thực hiện giãn cách tại quận Bình Thạnh, TP.HCM thì anh nhận được tin mẹ vừa qua đời tại quê nhà ở Tây Ninh. Phú lặng người, rưng rưng nước mắt vì biết thời điểm này không thể về quê chịu tang mẹ. “Khi nhận tin mẹ mất, tôi ráng nén nỗi đau để tiếp tục cùng đồng đội mang từng phần thực phẩm đến tận tay người dân” - Phú nói trong nước mắt. Để kịp thời chia sẻ nỗi đau, động viên chiến sĩ an tâm, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, Ban chỉ huy Trung đoàn 5 phối hợp với chính quyền địa phương lập bàn thờ tại Ban chỉ huy Quân sự phường 13, quận Bình Thạnh để chiến sĩ Huỳnh Tấn Phú chịu tang mẹ. “Sau khi chịu tang mẹ xong, tôi sẽ lập tức tiếp tục cùng đồng đội mang thực phẩm đến với người dân. Hiện tại người dân đang rất cần chúng tôi, tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, cùng bà con TP.HCM đập tan dịch bệnh” - Phú nói. Tại thời điểm mẹ mất, Phú cho biết còn ba tháng nữa là hoàn thành nghĩa vụ quân sự, mẹ Phú bị bệnh một thời gian, còn cha Phú mất khi Phú mới tám tuổi. Mọi việc trong gia đình, chăm sóc mẹ trong thời gian đi nghĩa vụ đều do anh chị ở nhà lo. Thay mặt Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Trung tướng Trần Hoài Trung đã thăm hỏi, động viên chiến sĩ Huỳnh Tấn Phú cố gắng vượt qua đau thương, mất mát, cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19, đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường. |