Câu chuyện thứ nhất là ở Bến xe khách Mỹ Đình khi tôi bắt xe đi Lào Cai. Ngồi chờ lâu tôi ra quán cóc gọi một chai trà xanh C2. Đến lúc tính tiền, bà chủ hét 30.000 đồng mà tôi tưởng mình nghe nhầm. Tôi quá ngỡ ngàng nên hỏi lại vì bình thường tôi uống chưa bao giờ quá giá 15.000 đồng. Bà chủ chỉ ngắn gọn: “Giá ở đây là vậy!”. Chẳng còn cách nào khác tôi đành móc túi ra trả, chấp nhận mình bị quán cóc (chứ không phải nhà hàng) “chặt chém”.
Chuyện thứ hai cũng trong chuyến đi này. Một buổi tối chúng tôi đi hóng mát ở đường Thanh Niên, sát Hồ Tây. Trong lúc ngồi ghế đá ngắm Hồ Tây, thấy người bán hàng rong có dừa tươi, chúng tôi gọi bốn trái. Khi tính tiền cả đám há hốc vì phải trả đến 50.000 đồng/trái, vị chi là 200.000 đồng cho bốn trái. Giá này dù ở trong nhà hàng sang trọng, có máy lạnh, nhân viên phục vụ cũng chỉ đến thế là cùng. Vậy mà ở nơi ghế đá công viên, người bán hàng đã không có lương tâm khi cố tình “chặt chém” quá đáng.
“Chủ chém” cứ nghe giọng khác vùng miền là y như rằng vẽ vời để thêm tiền. Có người dẫn đường giúp qua một cây cầu đã “xin” 50.000 đồng tiền công.
“Chặt chém”, nâng giá nhiều lần so với thị trường để trục lợi là thói quen rất xấu của những người buôn bán, nếu không muốn nói là bất lương. Đó cũng là nguyên nhân khiến du lịch nước ta bị điểm trừ tệ hại, nhiều khách một đi không trở lại. Để triệt tiêu tình trạng này, chính quyền ở các địa phương, nhất là nơi có điểm du lịch phải hành động quyết liệt, có hình thức xử phạt thật nặng, đủ sức răn đe. Cần cung cấp đường dây nóng để lấy thông tin phản ánh từ người dân, du khách để xử lý tức thì. Chuyện này rất nhiều và công khai chứ không khó để truy vết, tin rằng cơ quan sẽ dẹp được nếu thực sự ra tay.