Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, việc thời gian đăng ký lại thuốc giảm 3-6 tháng là một điều đáng mừng vì việc cải cách hành chính sẽ giúp người ta đỡ mệt nhưng tăng thời gian đăng ký thuốc mới 6-12 tháng mà với bộ máy và cách làm việc như hiện nay sẽ còn nhiều tồn tại.
“Mất của một người mấy tháng trời chỉ để chỉnh sửa một bộ hồ sơ, trong khi thời hạn 12 tháng được tính từ lúc hồ sơ hoàn chỉnh, điều đó có nghĩa là nộp hồ sơ lên vẫn chưa xử lý liền mà phải ngâm cho đã rồi kêu lên, rồi chỉnh sửa rồi mới bắt đầu tính từ lúc đó. Cho nên phải tính lại, thứ nhất là bộ máy, ta làm trong khả năng bao nhiêu ngày, nhân chia ngày giờ như thế nào. Thứ hai là phải tránh tình trạng quá tải khi đăng ký thuốc. Mà muốn chống quá tải mình phải hạn chế những cái từ đầu đăng ký lên. Đối với một loại thuốc nào đó có nhiều số đăng ký mình phải trả lời ngay là số đăng ký đó đủ rồi chẳng hạn. Tránh để dồn cục sinh ra quá tải dẫn đến tiêu cực. Thực tế đã có chuyện này rồi, dồn cục thì đơn vị nào đút lót, đưa tiền sẽ được cấp nhanh hơn” - bà Lan nói.
Đối với ý kiến của các ĐBQH đề nghị bổ sung vào phạm vi điều chỉnh các hoạt động về quản lý mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và trang thiết bị y tế vào Luật Dược từ những lần góp ý trước, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thống nhất xin giữ phạm vi điều chỉnh như Dự thảo Luật. Tuy nhiên, theo bà Phong Lan và nhiều đại biểu, không thể vì thực phẩm chức năng được quản lý bằng quy định của Luật an toàn thực phẩm, còn mỹ phẩm được quản lý bằng Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật hóa chất mà không đưa vào Luật dược. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, thực phẩm chức năng là thuốc bổ quan niệm như thuốc, mỹ phẩm không khác nào thuốc dùng ngoài da vì vậy không nên nhập nhèm giữa hai bên. Nếu không ra được một chương riêng thì nên có một điều khoản nào đó chứ không có cái gì để quản rất nguy hiểm.