Cơ quan CSĐT Công an thị xã Tân Uyên, Bình Dương vừa có kết luận điều tra bổ sung lần thứ tư và đề nghị VKS cùng cấp truy tố Trần Minh Đức, Trần Thị Mỹ Hạnh và Vũ Ngọc Sang (cùng ngụ TP.HCM) về tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Lần này, về cơ bản CQĐT vẫn không làm rõ thêm các căn cứ để kết tội các bị can này.
Vào nhà gặp là bị tội
Theo nội dung kết luận điều tra những lần trước, cuối năm 2007, ông Đức làm hợp đồng mua bán giấy tay với bà Nguyễn Thị Tư hai mảnh đất ở thị xã Tân Uyên. Bà Tư nhận 250 triệu đồng, giao cho ông Đức hai giấy đỏ. Đồng thời, bà cam kết làm hợp đồng công chứng sang tên trong vòng một tháng và nhận số tiền còn lại.
Tuy nhiên, bà Tư không thực hiện mà làm đơn cớ mất một giấy đỏ và xin cấp lại rồi mang giấy đỏ được cấp mới đi thế chấp ngân hàng vay tiền. Ngoài ra, với mảnh đất đã bán, bà Tư còn viết giấy tay bán cho nhiều người khác. Từ đó ông Đức đã làm đơn tố cáo bà gửi công an. Tuy nhiên, Công an thị xã Tân Uyên không khởi tố vụ án vì cho rằng giữa bà Tư và những người mua đất chỉ là các giao dịch dân sự.
Theo kết luận điều tra, tháng 11-2018, ba bị cáo xâm phạm vào nhà bà Tư với mục đích hỏi lý do tại sao bà này không đến tòa và giải quyết việc mua bán đất trước đó. Khi cả ba đi vào nhà bà Tư thì cửa cổng và cửa nhà đều đang mở. Thấy nhóm ông Đức đến, bà Tư đi ra ngoài rồi gọi điện thoại báo công an. Sau đó công an đến làm việc và bắt quả tang về hành vi trên.
Theo Cơ quan CSĐT Công an thị xã Tân Uyên, hành vi của các đối tượng đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt nghỉ ngơi, gây hoang mang, lo lắng cho bà Tư 20 phút. Từ đó cơ quan này tiếp tục đề nghị VKS truy tố các bị can ra tòa.
Cổng nhà bà Nguyễn Thị Tư mở khi ba bị can đến. Ảnh: VŨ HỘI
Khách vừa đến nhà, chủ đã bỏ đi
Bàn về vụ án này, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa hình sự TAND Tối cao, nói căn cứ Điều 158 BLHS 2015, nếu muốn truy cứu ba bị can xâm phạm chỗ ở của người khác trái pháp luật thì phải chứng minh họ có ít nhất một trong các hành vi: 1) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; 2) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ; 3) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ; 4) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác.
Chủ thể của hành vi khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác thường là người thực hiện công vụ. Các hành vi còn lại thì chủ thể có thể là chủ nợ đến xiết nợ, một bên trong tranh chấp thuê mượn nhà...
Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ phải có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc bằng thủ đoạn khác như lừa dối nhằm buộc người khác ra khỏi chỗ họ đang ở. Hành vi thường do người không có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Hành vi hoàn thành khi người bị đuổi buộc phải ra khỏi nhà, không kể thời gian là bao nhiêu, đối với một người hay cả gia đình, không kể sau đó họ có quay trở lại nhà được hay không.
Hành vi chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp là hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn gian dối lừa chủ nhà và gia đình họ ra khỏi chỗ ở rồi chiếm chỗ ở…
“Như đã phân tích, cấu thành của tội xâm phạm chỗ ở của người khác là phải có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ép giao nhà, hoặc phá cửa vào chiếm nhà. Ở đây thể hiện khi Đức đến, cổng và cửa nhà đang mở, bà Tư ở trong nhà, do bà Tư có nợ tiền, không thực hiện hợp đồng nên lo lắng và bỏ đi... Vì vậy, việc quy kết ba bị can này xâm phạm chỗ ở là khiên cưỡng” - ông Quế bình luận.
Không thể lấy nỗi lo sợ của chủ để buộc tội khách
Cùng quan điểm, luật sư Kim Ron Tha, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định: CQĐT phải chứng minh được nhóm người có hành bị cản trở hoặc tước bỏ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của bà Tư một cách trái pháp luật (đe dọa, ép hoặc dùng vũ lực...) để ép bà Tư phải giao nhà. Cần làm rõ hành vi nhóm người có nguy hiểm cho bà Tư để bà Tư phải giao nhà hay không.
Chẳng hạn, Đức và hai người đi chung phải có hành vi đuổi, ép bà Tư ra khỏi nhà, hoặc lừa dối cho bà Tư ra khỏi nhà để chiếm và xâm phạm chỗ ở của bà Tư hay không. Trường hợp này, nếu không chứng minh được Đức và hai người đi cùng có hành vi đuổi, ép ra khỏi nhà, mà bà Tư ra khỏi nhà chỉ là do bà sợ rồi gọi điện thoại báo công an thì không thể truy cứu nhóm bị can xâm phạm chỗ ở của người khác trái pháp luật được.
“Việc bà Tư ra khỏi nhà và báo công an là chuyện của bà ấy. Ba người này đến đòi lại tiền hoặc yêu cầu thực hiện tiếp hợp đồng ra công chứng. Khi đến nhà, cổng và cửa nhà bà Tư mở, bà Tư đang ở nhà, họ vào gặp bà Tư là bình thường, sao có thể quy kết họ xâm nhập bất hợp pháp được? Nếu chỉ là bà Tư thần hồn nát thần tính, tự mình mang nỗi lo, nỗi hoang mang rằng sẽ bị nhóm người này dùng vũ lực hoặc bị lừa dối để đẩy ra khỏi nhà thì CQĐT cũng không thể dùng nỗi lo của bà Tư để cáo buộc nhóm người này xâm phạm chỗ ở của người khác trái pháp luật” - luật sư Kim Ron Tha nhận định.
Tranh chấp dân sự và kết luận của công an Trong kết luận điều tra bổ sung, CQĐT đề cập thêm tình tiết mới về tranh chấp dân sự giữa bị can Trần Minh Đức và bị hại Nguyễn Thị Tư. Theo đó, năm 2007, bà Tư nhờ Đức làm thủ tục vay ngân hàng 250 triệu đồng để kinh doanh. Sau khi nhận tiền, bà Tư đưa hai giấy đỏ nhà đất cho Đức để Đức viết giấy “Hợp đồng đặt cọc mua bán nhà” và ghi rõ cam kết làm hợp đồng công chứng sang tên trong vòng một tháng và nhận số tiền còn lại. Tuy nhiên, hợp đồng này không tiếp tục thực hiện mà hằng tháng Đức qua nhà bà Tư lấy tiền lời với số tiền 12 triệu đồng/tháng. Sau một năm bà Tư không còn khả năng trả tiền lời thì Đức đã làm đơn khởi kiện đòi lại tiền nhưng tòa cho rằng hết thời hạn khởi kiện… Tình tiết mới này tuy có lợi cho phía bị hại nhưng không dính dấp gì đến căn cứ buộc tội xâm phạm chỗ ở của các bị can. |