Quận 10, TP.HCM sẽ thu phí vỉa hè tại 28 tuyến đường

(PLO)- Quận 10, TP.HCM áp dụng thu phí vỉa hè với 28 tuyến đường. Trong đó, 10 tuyến thuộc trung tâm của quận sẽ có mức phí cao hơn so với các tuyến còn lại. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phòng quản lý đô thị quận 10, TP.HCM vừa có báo cáo về việc triển khai việc quản lý, thu phí vỉa hè, lòng đường theo quyết định của UBND TP.HCM. Theo đó, quận 10 sẽ có 28 tuyến đủ điều kiện đưa vào danh mục có thu phí.

Theo Nghị quyết số 15 của HĐND TP.HCM, quận 10 sẽ có 2 mức phí. Trong đó, mức phí ở các tuyến trung tâm sẽ cao hơn các tuyến còn lại.

TP.HCM: Quận 1 sẽ thí điểm phần mềm đăng kí sử dụng, thu phí vỉa hè và nộp phí trong tháng 4- vach-ke-duong-quan-1-thu-phi-via-he.jpg
Vỉa hè một tuyến đường ở quận 10. Ảnh TT

Với các trục nằm ở trung tâm quận 10, mức phí mua bán, kinh doanh là 100.000 đồng/m2/tháng. Với các tuyến còn lại thì mức phí 50.000 đồng/m2/tháng.

Riêng với các vỉa hè để xe có thu phí thuộc tuyến trung tâm thì mức phí 350.000 đồng/m2/tháng. Các tuyến còn lại 180.000 đồng/m2/tháng.

10 tuyến trung tâm của quận 10 gồm: đường Cao Thắng, Ngô Gia Tự, Cách Mạng Tháng 8, đường 3-2, Hùng Vương, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Thành Thái, Nguyễn Tri Phương, Tô Hiến Thành.

Qua khảo sát, quận 10 cũng có 5 điểm đủ điều kiện làm bãi để xe có thu phí gồm: Nhà khách Chính phủ (phường 1); khu vực xung quanh BV Trưng Vương (mặt đường Lý Thường Kiệt và Tô Hiến Thành) và có 2 điểm khác tại đường Tô Hiến Thành.

Vướng mắc hiện nay của quận 10 là việc thu phí vỉa hè được quản lý theo tài sản công. Đây cũng là khó khăn chung đã được TP.HCM trình Bộ GTVT và Bộ Tài chính xem xét, có hướng dẫn, lập đề án khai thác.

Trước đó, HĐND TP.HCM đã ban hành Nghị quyết 15, quy định mức phí cho từng trường hợp sử dụng vỉa hè, lòng đường trên địa bàn. Nghị quyết chính thức có hiệu lực từ tháng 1-2024.

Các trường hợp được sử dụng một phần lòng đường, hè phố và đóng phí, gồm: tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm giữ ôtô phục vụ hoạt động văn hóa; điểm kinh doanh dịch vụ, mua - bán hàng hóa; giữ xe có thu tiền dịch vụ; nơi trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị...

Mức phí được TP.HCM áp dụng dựa trên giá đất bình quân tại năm khu vực, ở nội thành sẽ cao hơn ngoại ô. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2/tháng. Các hoạt động khác sẽ áp dụng 20.000-100.000 đồng/m2.

Theo hướng dẫn của Sở GTVT TP.HCM, vỉa hè thuộc diện cho sử dụng một phần phải rộng ít nhất 3m, trong đó 1,5 m dành cho người đi bộ. Với lòng đường, sau khi chừa lại ít nhất hai làn ô tô cho một chiều đi, phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm