Sáng 28-3, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn TP.HCM năm 2024.
Sớm hoàn thành các công trình cấp bách để giảm ùn tắc
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường nhìn nhận, giao thông TP vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đáp ứng nhu cầu, thiếu không gian an toàn cho người đi bộ; tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán còn diễn ra ở nhiều nơi, gây mất trật tự giao thông...
Năm 2023, TP đã đạt những kết quả tích cực, kéo giảm tai nạn giao thông. Dù vậy, TP vẫn không thể lơ là công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu đội ngũ chấp hành nghiêm quy định không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu bia, không vi phạm liên quan đến chất kích thích, không can thiệp vào các vụ việc xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông của lực lượng chức năng…
Các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu, ưu tiên các công trình giao thông mang tính cấp bách trong việc kéo giảm ùn tắc, tai nạn như: đường Vành đai 3, mở rộng Quốc lộ 50, nút giao thông Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ...
Song song đó, tập trung hoàn thiện và đưa vào vận hành tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, sớm khởi công dự án tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương.
Các đơn vị tiếp tục nghiên cứu tổ chức giao thông khoa học, linh động, phù hợp đặc điểm, tình hình TP; thường xuyên rà soát, khắc phục kịp thời các điểm đen, vị trí mất an toàn giao thông.
Cần bố trí đủ hạ tầng cho nhu cầu giao thông của TP.HCM
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đến tham dự và có những định hướng cho việc đảm bảo TTATGT tại địa phương.
Ông Hùng đánh giá, TP.HCM là địa bàn có tình hình giao thông phức tạp bậc nhất cả nước cả về quy mô, mật độ và cả nhu cầu về giao thông. Dù vậy, chính quyền TP đã lãnh đạo, chỉ đạo rất sát sao, kéo giảm tối đa tình hình vi phạm và số vụ tai nạn; quyết liệt để đảm bảo trật tự an toàn giao thông…
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia mong muốn, địa phương khi xây dựng quy hoạch phải bố trí đủ hạ tầng cho nhu cầu giao thông, đủ trạm dừng, nhà chờ, xe buýt, kết nối trực tiếp được trạm dừng, nhà chờ, điểm đầu- cuối bến xe với nhà ga đường sắt, kể cả nhà ga đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, thậm chí đưa luôn vào quy hoạch để có sự đồng bộ về hạ tầng.
Ông ví dụ như bến xe miền Đông mới dù khang trang, hiện đại nhưng chưa kết nối hạ tầng với các khu vực xung quanh như ga Bến Thành - Suối Tiên.
Hay trong kết cấu hạ tầng đường bộ đô thị, TP.HCM cũng phải bàn đến hạ tầng cho người đi bộ, người đi xe đạp, nếu được cứ đưa vào quy hoạch cho cụ thể.
Ông Khuất Việt Hùng cũng lưu ý đến việc thực hiện văn hoá giao thông, chấp hành chủ trương về việc không lái xe sau khi sử dụng rượu, bia.
Về thực hiện TTATGT trong độ tuổi thanh, thiếu niên, ông Khuất Việt Hùng nói cần siết chặt việc xử lý học sinh THPT vi phạm, xử lý các cháu vi phạm, các bãi giữ xe vi phạm, phụ huynh vi phạm vì giao xe cho con khi chưa đủ tuổi…
“TP.HCM cần phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ GD&ĐT tổ chức thí điểm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh THPT, làm đào tạo sát hạch với lái xe A1”- ông Khuất Việt Hùng gợi mở.
Tiếp tục thực hiện chuyên đề về kiểm tra nồng độ cồn
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông TP.HCM, tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn TP tính đến ngày 15-12-2023 là 1.536 vụ.
Các nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông bao gồm: đi sai làn đường, phần đường; vi phạm quy định an toàn giao thông khi chuyển hướng; vượt sai quy định; người đi bộ sang đường sai quy định; sử dụng rượu bia, chất kích thích có cồn.
Cụ thể, có 245 vụ tai nạn giao thông do người điều khiển đi sai làn đường, phần đường; 192 vụ do vi phạm quy định an toàn giao thông khi chuyển hướng.
Tai nạn giao thông do người đi bộ sang đường sai quy định là 90 vụ; người điều khiển xe vượt sai quy định là 93 vụ; sử dụng rượu bia, chất kích thích có cồn là 44 vụ.
Năm 2023, Công an TP.HCM, đã chỉ đạo lực lượng CSGT TP mở các đợt cao điểm ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông. Trong đó, xử lý hơn 128.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy, so với cùng kỳ tăng 73.046 trường hợp (hơn 130%).
Quý 1-2024, TP đã xảy ra 454 vụ tai nạn giao thông làm 116 người chết và 310 người bị thương (tăng 8% so với cùng kỳ tăng về số vụ).
Năm 2024, Công an TP sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chuyên đề về nồng độ cồn; kiểm soát phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa; vi phạm tốc độ...
Riêng việc xử lý vi phạm nồng độ cồn phải thực hiện quyết liệt, bền bỉ, quyết tâm hình thành thói quen, văn hóa "Đã uống rượu bia không lái xe". Quá trình xử lý triệt để, không né tránh theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không ngoại lệ.