Sáng 30-1, UBND quận 12, TP.HCM tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận phường an toàn khu tại quận 12 và họp mặt truyền thống Chiến khu An Phú Đông năm 2024. Đó là ba phường An Phú Đông, Thạnh Lộc và Thạnh Xuân.
Tham dự buổi lễ có ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; bà Võ Thị Dung, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM; bà Nguyễn Thị Hồng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM; ông Trần Hoàng Danh, Bí thư Quận ủy quận 12; ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND quận 12.
Ngoài ra, buổi lễ còn vinh dự có sự góp mặt của các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, cán bộ - chiến sĩ đã từng chiến đấu trên vùng đất Chiến khu An Phú Đông – Vườn Cau Đỏ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Hoàng Danh (Bí thư Quận ủy Quận 12) cho biết buổi lễ hôm nay là dịp để ôn lại những năm tháng gian khổ mà hào hùng, anh dũng của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Qua đó, tưởng nhớ, tri ân những chiến sĩ, đồng bào, những người con ưu tú của quê hương đã anh dũng, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc trên mảnh đất Chiến khu An Phú Đông - Vườn Cau Đỏ anh hùng.
“Chiến khu An Phú Đông là nơi hoạt động của các đồng chí lãnh đạo như đồng chí Lê Văn Thọ, đồng chí Phạm Ngọc Thạch, Trung tướng Nguyễn Bình, đồng chí Lý Chính Thắng... Kết thúc cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, nhân dân ba phường có 55 liệt sĩ, thương binh đã hy sinh và hiến dâng tuổi thanh xuân để bảo vệ Tổ quốc.” – Bí thư Quận ủy chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Kiệt (cựu chiến binh Chiến khu An Phú Đông) cho biết, ông rất vui mừng, phấn khởi khi ba phường quận 12 được công nhận là phường An toàn khu. Hơn hết, ông rất tự hào với truyền thống anh hùng của Chiến khu An Phú Đông và thành quả chiến khu đạt được trong hơn 49 năm sau giải phóng.
“Chúng tôi tin tưởng tuyệt đối sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Đảng bộ TP, Đảng bộ quận 12, Đảng bộ các phường, các cấp. Chúng tôi nguyện phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới, xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao” – ông Kiệt cho biết.
Ngày 21-08-2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 977/QĐ-TTg công nhận chín xã, phường, thị trấn thuộc huyện Củ Chi và quận 12 của TP.HCM là các xã, phường an toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Trong đó, huyện Củ Chi có sáu xã gồm xã Nhuận Đức, Phú Mỹ Hưng, Phú Hòa Đông, An Phú, An Nhơn Tây và Phạm Văn Cội. Quận 12 có ba phường là An Phú Đông, Thạnh Lộc và Thạnh Xuân.
Chiến khu An Phú Đông - Vườn Cau Đỏ
Ngay từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, do đặc điểm địa lý thuận lợi nên vùng đất An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân và các xã lân cận được chọn làm vùng đệm để xây dựng phong trào, xây dựng cơ sở cho kháng chiến. Yếu tố địa hình thuận lợi như sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, các yếu tố tự nhiên phù hợp với chiến thuật đánh du kích, tập hợp lực lượng để bất ngờ tấn công địch trên quy mô lớn.
Ngoài những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, người dân nơi đây có lòng yêu nước nồng nàn, có tinh thần đấu tranh cách mạng trung dũng, kiên cường. Những cánh đồng mía và vườn cây trái xanh tốt, những vườn cao thẳng tóc, những thôn sớm hiền hòa, những mái chùa thanh tịnh đã trở thành nơi trú ẩn, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo và chiến sĩ cách mạng.
Ngày 25-12-1945, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Gia Định, lập những khu căn cứ kháng chiến ngay ở ngoại ô, phụ cận Sài Gòn không rút đi xa, cố gắng bám đất bám dân để làm chiến tranh du kích, làm chiến tranh nhân dân. Tại Hội nghị của Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến tỉnh Gia Định đã quyết định xây dựng căn cứ kháng chiến lấy hai xã An Phú Đông và Thành Lộc làm trung tâm căn cứ kháng chiến và đặt tên là Chiến khu An Phú Đông.