Quan chức về hưu cũng cần kê khai tài sản

LTS: Thực, hư câu chuyện về các khối tài sản lớn liên quan đến một số quan chức đương nhiệm cũng như nghỉ hưu gây bức xúc dư luận trong thời gian gần đây như thế nào vẫn chưa rõ. Song qua đó lộ rõ nhiều vấn đề bất cập trong việc kê khai tài sản của quan chức hiện nay. Xoay quanh vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM trao đổi với ông Jairo Acuna - Alfaro, cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam để rộng đường dư luận.

Nhìn nhận trước thông tin về các khối tài sản lớn có liên quan đến một số quan chức ở Việt Nam gây xôn xao dư luận trong thời gian qua, ông Jairo Acuna - Alfaro nói: Những trường hợp như vậy đã từng xảy ra ở các nước khác. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc phải kê khai tài sản một cách hiệu quả và đúng đắn”.

Không ít quan chức sống không nhờ lương

. Phóng viên: Là một chuyên gia nghiên cứu về tham nhũng ở Việt Nam, theo ông, nguyên do nào dẫn đến hiện tượng này?

+ Ông Jairo Acuna - Alfaro: Tôi cho rằng sở dĩ xảy ra điều này là do việc kê khai tài sản ở Việt Nam chưa được thực hiện một cách bài bản, dẫn đến khó khăn trong xác minh nguồn gốc tài sản. Thường thì sau khi cán bộ, công chức kê khai xong, rất ít nơi xác minh tính chân thực của những bản kê khai tài sản đó.

Một nguyên nhân khác gây ra khó khăn cho xác minh nguồn gốc tài sản là hệ thống tiền lương của Việt Nam rất khó xác định đâu là lương, đâu là thu nhập. Bên cạnh đó, chưa có quy định rõ ràng tài sản nào quan chức nhà nước phải kê khai và tài sản nào không phải kê khai.

. Như ông thấy Việt Nam cũng có không ít các quy định về phòng, chống tham nhũng (PCTN) nói chung và việc kê khai tài sản nói riêng nhưng vẫn xuất hiện những thông tin về việc quan chức nào đó bỗng dưng có một khối tài sản lớn…?

+ Có hai điểm tôi muốn nói. Thứ nhất, Việt Nam đã, đang và sẽ có những trường hợp cán bộ, công chức tham nhũng, cũng như ở những nước khác thôi. Tham nhũng luôn thường trực, ngay cả khi có một hành lang pháp lý tốt. Vấn đề ở đây là tại sao những hiện tượng tham nhũng này không được giảm đến mức tối thiểu? Lý do theo tôi là Việt Nam không có một định nghĩa rõ ràng về lương, sự phân biệt giữa lương và thu nhập lại càng không rõ. Lương và thu nhập ở Việt Nam là hai khái niệm khác nhau. Không ít quan chức dường như sống nhờ thu nhập chứ không phải nhờ lương.

Trong khi đó, vấn đề kê khai tài sản, một công cụ tốt để kiểm soát và PCTN, thì tính hệ thống cũng như việc thực thi còn nhiều hạn chế.

Ảnh minh họa: HTD

Người nhà quan chức cũng phải kê khai tài sản

. Có một thực tế ở Việt Nam, khi dư luận lên tiếng về khối tài sản của một vị quan chức nào đó thì phần lớn lời giải thích nhận được đều nói đó là tài sản của gia đình, con cái hay người thân… Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm các nước về việc xác minh tính chính xác của việc kê khai tài sản?

+ Điều này cũng xảy ra ở các nước khác thôi. Quan chức tham nhũng thường che giấu tài sản của mình và gọi chúng dưới những tên khác như tài sản của gia đình, tài sản công ty… Do vậy theo tôi, cần mở rộng kiểm tra tài sản của những người có thể được hưởng lợi từ quan chức có dấu hiệu tham nhũng đó. Và cơ quan chức năng có thẩm quyền phải kiểm tra tất cả tài sản và giao dịch của vị quan chức có dấu hiệu tham nhũng đó.

. Việc cán bộ đương chức phải kê khai tài sản đã được quy định rồi nhưng còn những cán bộ về hưu dường như đang có một khoảng trống. Theo ông, cần nhìn nhận và xử lý vấn đề này như thế nào?

+ Theo tôi, cần phải có những quy định để khi có bất kỳ sự thay đổi nào về tài sản đối với quan chức, kể cả quan chức về hưu, họ cũng phải giải trình. Vì vậy vấn đề ở đây là cần quy định rõ thời gian về việc kê khai tài sản. Chẳng hạn, một quan chức làm việc 10 năm thì phải có quy định kê khai trong 10 năm đó, trước khi quan chức về hưu cần “chốt” lại ở thời điểm đó khối tài sản của họ là bao nhiêu. Sau này nếu xuất hiện những tài sản mới thì phải tiến hành xác minh nguồn gốc số tài sản tăng thêm này.

Siết chặt thu hồi tài sản do tham nhũng

. Gần đây xuất hiện nhiều nghi vấn đối với chính lực lượng chống tham nhũng. Ngay cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng từng đặt câu hỏi: “Có tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng hay không?”. Theo ông, phải xử trí và xử lý tình trạng này, nếu có, như thế nào?

+ Tôi chỉ nghĩ với lực lượng chống tham nhũng, nếu có nghi ngờ thì họ cũng phải được xem xét, điều tra và áp dụng luật pháp tương tự những người khác. Chắc chắn rằng cán bộ của những cơ quan chống tham nhũng ở Việt Nam cũng phải thực hiện kê khai tài sản rõ ràng. Vấn đề ở đây là ai sẽ làm nhiệm vụ xác minh tính chính xác của bản kê khai tài sản của những cán bộ đó và ai sẽ kiểm tra, giám sát lực lượng PCTN.

. Theo ông, nên là ai?

+ Đó chính là báo chí, nhân dân, Quốc hội và đặc biệt là Đảng.

. Ông nghĩ Việt Nam cần hoàn thiện những vấn đề nào để có một chính sách tốt cho việc PCTN?

+ Chính sách tốt trong PCTN cần có sự tổng hòa của cả một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ chính sách thuế, chống rửa tiền, đến kiểm soát hành vi làm giàu bất chính... Với một hệ thống pháp luật đồng bộ đó thì không ai có thể lợi dụng pháp luật để làm sai.

Tương tự, đối với việc kê khai tài sản, không chỉ dừng ở việc kiểm tra và phát hiện quan chức đó có dối trá trong kê khai tài sản hay không mà phải xem xét các vấn đề khác có liên quan. Đây là việc của điều tra viên, công tố viên và họ phải là lực lượng có đủ tầm, tâm, đức để điều tra, phát hiện tham nhũng…

Một điều nữa là cần phải thu hồi những tài sản mà quan chức đó đã tham nhũng. Ở đây tôi muốn nói đến việc sửa đổi Bộ luật Hình sự, bổ sung vào Điều 41 về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm tham nhũng. Quan chức làm thất thoát tài sản nhà nước thì việc thu hồi tài sản đó cần phải được đặt ra.

. Xin cảm ơn ông.

THU HẰNG - THU NGUYỆT thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm