Quan điểm của tỉnh Hậu Giang đối với đề xuất nâng công suất của Công ty giấy Lee&Man

(PLO)- UBND Hậu Giang cho biết quan điểm nhất quán của tỉnh là đề nghị Công ty cân nhắc việc nâng công suất, thay vào đó nghiên cứu đề xuất đầu tư các dự án phù hợp với chương trình phát triển công nghiệp và Logistics của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan đến đề xuất nâng công suất nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì cao cấp từ 420.000 tấn/năm lên 1,1 triệu tấn/năm của Công ty TNHH Giấy Lee&Man (Công ty Giấy Lee&Man), trả lời PLO, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang cho hay từ buổi làm việc hồi tháng 11-2021 đến nay, UBND tỉnh này chưa nhận được báo cáo giải trình từ Công ty.

Công ty giấy Lee&Man tọa lạc tại cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang). Ảnh: CHÂU ANH
Công ty giấy Lee&Man tọa lạc tại cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang). Ảnh: CHÂU ANH

Cụ thể, tại cuộc họp ngày 5-11-2021 với Công ty Giấy Lee&Man, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã đề nghị Công ty cân nhắc việc đề xuất đầu tư nâng công suất nhà máy. Thay vào đó, lãnh đạo tỉnh này đề nghị Công ty nghiên cứu đề xuất đầu tư các dự án phù hợp với Chương trình Phát triển công nghiệp và Logistic tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025.

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, do đây là dự án lớn, có nhiều ý kiến Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh lân cận cần được giải trình làm rõ. Trong đó, cần hoàn thiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường của dự án, nên Công ty cần có thời gian để hoàn thiện báo cáo giải trình.

“Đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh Hậu Giang chưa nhận được báo cáo giải trình của Công ty Giấy Lee&Man” - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang trả lời PLO.

Nói về quan điểm của tỉnh trong trường hợp công ty tiếp tục đề xuất nâng công suất, UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định: “Khi Công ty đảm bảo hoàn thiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường, giải trình và được sự thống nhất tất cả các vấn đề mà các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh lân cận đặt ra. Đáp ứng các điều kiện, quy định tại Luật Đầu tư năm 2020 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đảm bảo phù hợp với định hướng chính sách đầu tư của Chính phủ về môi trường; định hướng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh sẽ xem xét”.

Cũng theo UBND tỉnh Hậu Giang, với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ. Đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhất, tốt nhất cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đầu tư dự án, mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phải phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và đặc biệt đảm bảo về môi trường.

Theo đánh giá, hoạt động sản xuất của dự án có lưu lượng xả thải rất lớn, nguồn tiếp nhận nước thải là sông Hậu, con sông lớn nhất và là nguồn cung nước ngọt chính của các tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ. Ảnh: CHÂU ANH

Theo đánh giá, hoạt động sản xuất của dự án có lưu lượng xả thải rất lớn, nguồn tiếp nhận nước thải là sông Hậu, con sông lớn nhất và là nguồn cung nước ngọt chính của các tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ. Ảnh: CHÂU ANH

Cũng liên quan đến đề xuất nâng công suất của Công ty này, hồi năm 2019, UBND tỉnh Hậu Giang từng có công văn gửi Bộ TN&MT xin ý kiến góp ý về việc nâng công suất nhà máy giấy Lee&Man từ 420.000 tấn/năm lên 1,42 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, Bộ đã bác đề xuất này của địa phương.

Lý do Bộ TN&MT bác đề xuất là trong bối cảnh tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt đối với các ngành sản xuất dựa vào nguyên liệu là phế liệu như ngành giấy. Đồng thời, Bộ đã yêu cầu địa phương và doanh nghiệp hoàn thiện các điều kiện nâng công suất nhà máy.

Một trong những điều kiện mà Bộ yêu cầu hoàn thiện trong hồ sơ đề xuất nâng công suất là phải lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và đặc biệt là cộng đồng dân cư sống quanh khu vực nhà máy này.

TP Cần Thơ đề nghị tỉnh Hậu Giang thận trọng cấp chủ trương nâng công suất.

Tháng 10-2020, nêu ý kiến về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) về việc nâng công suất của Công ty Giấy Lee&Man, UBND TP Cần Thơ nhận định: hoạt động sản xuất của dự án có lưu lượng xả thải rất lớn. Trong khi đó, nguồn tiếp nhận nước thải là sông Hậu, con sông lớn nhất và là nguồn cung nước ngọt chính của các tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ.

Vì vậy, trong trường hợp nếu có xảy ra sự cố về môi trường liên quan đến xử lý nước thải thì toàn bộ người dân vùng ĐBSCL đều có nguy cơ bị ảnh hưởng. Thế nhưng, để xác định thiệt hại về môi trường, kinh tế, sức khỏe con người do bị tác động từ ô nhiễm môi trường là một con số tiềm ẩn, khó có thể liệt kê, tính toán triệt để.

Từ đó, UBND TP Cần Thơ đề nghị chủ dự án hết sức quan tâm, nghiên cứu, bổ sung đánh giá chi tiết các tác động trong suốt quá trình hoạt động của dự án đối với khu vực. Mặt khác, UBND TP Cần Thơ đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang cần cẩn trọng, cân nhắc việc cấp chủ trương nâng công suất này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm