Quận gặp khó vì phải 'xếp hàng' đợi chi ngân sách cho những việc nhỏ

(PLO)- Quận Gò Vấp đề nghị TP.HCM cần phân cấp, uỷ quyền mạnh hơn để quận thực hiện những việc nhỏ, việc ngoài kế hoạch, cấp bách mà 'không phải xếp hàng'.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 8-9, HĐND TP.HCM có buổi giám sát đối với UBND quận Gò Vấp liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 131/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM (gọi tắt là Nghị quyết 131).

HĐND TP.HCM giám sát quận Gò Vấp về việc thực hiện Nghị quyết 131. Ảnh: LÊ THOA

HĐND TP.HCM giám sát quận Gò Vấp về việc thực hiện Nghị quyết 131. Ảnh: LÊ THOA

Tại buổi giám sát, ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, đề nghị TP cần phân cấp, uỷ quyền mạnh hơn cho các quận trong quá trình thực hiện Nghị quyết 131.

Theo ông Khang, khi cấp quận là cấp dự toán ngân sách thì từ phường, quận, TP phải có kế hoạch chi ngân sách, tạo sự chủ động cho cơ quan quyền lực nhà nước, tức làm việc gì cũng có kế hoạch.

Tuy nhiên, có những việc nhỏ, những việc ngoài kế hoạch, việc cấp bách thì cần phân cấp, uỷ quyền cho cấp dưới để “không phải xếp hàng”, không phải có khoảng thời gian quá dài để xây dựng kế hoạch.

Ông Khang dẫn chứng, vừa qua ngành công an tăng cường lực lượng cho quận Gò Vấp để thực hiện nhiệm vụ địa phương nhưng cơ sở vật chất giữ nguyên. Quận đã họp nhiều lần tìm các nguồn vốn, đến mãi hôm qua (7-9) Công an TP mới có văn bản đồng thuận với quận về việc chi ngân sách ở gói nào để cải tạo chỗ nghỉ ngơi cho cán bộ ngành công an.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cũng cho rằng TP.HCM có nhiều quận đô thị với quy mô, dân số có khi bằng một tỉnh. Do đó, cần phân cấp, uỷ quyền nhiều hơn cho các quận để hoàn thành nhiệm vụ, không mất quá nhiều thời gian để chờ đợi chỉ đạo của cấp trên.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM, khẳng định những vấn đề nào cần phân cấp, uỷ quyền mà chưa có hướng dẫn thì quận Gò Vấp có thể mạnh dạn đề nghị.

Liên quan đến thực hiện dự toán ngân sách, ông Dũng cho biết TP đang đề xuất, kiến nghị với trung ương để thời gian tới có một số cơ chế, thẩm quyền nhằm giúp việc điều hành được linh hoạt từ TP đến quận, phường. Trong thời gian đó, việc dự toán ở quận, phường cần trao đổi trong tập thể; nếu cần điều chỉnh, bổ sung thì địa phương có thể đề xuất TP.

Ông Dũng cũng nhìn nhận khi không còn HĐND quận, phường thì chính quyền địa phương phải tăng cường lắng nghe dân, tiếp xúc, đối thoại với người dân nhiều hơn. Trong đó việc Chủ tịch quận, phường đối thoại với người dân là bắt buộc trước mỗi kỳ họp của HĐND TP; lãnh đạo cấp uỷ cũng gặp gỡ với dân định kỳ theo quy định.

“Cần lắng nghe dân, thông tin, trao đổi với người dân càng nhiều càng tốt để người dân nắm, hiểu và đồng hành cùng chính quyền trong xây dựng địa phương. Nếu ít gặp dân, ít trao đổi thì chắc chắn dân không nắm, không biết…”- ông Dũng nói thêm.

Người đứng đầu có trách nhiệm nhiều hơn

Khi thực hiện Nghị quyết 131, quận đã giảm cơ chế hội họp, tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách… Song song đó, việc phân cấp, uỷ quyền giúp người đứng đầu các cơ quan có trách nhiệm nhiều hơn và quyền hạn, nghĩa vụ cũng cao hơn. Trong giai đoạn chống dịch, trách nhiệm của Chủ tịch phường là rất rõ giúp thực hiện các công việc được nhanh chóng. Tuy nhiên vẫn tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ.

Ông NGUYỄN TRÍ DŨNG, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm