Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên vừa ký ban hành Chỉ thị 17 về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.
Người dân TP.HCM thực hiện thủ tục hành chính trên các thiết bị số. Ảnh: LÊ THOA |
Ban Thường vụ Thành ủy TP yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội TP tập trung thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số. Đồng thời, tạo lập, tích hợp và khai thác hiệu quả các dữ liệu để phục vụ công tác phòng chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, quản trị TP theo hướng hiện đại.
Từ đó, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trên các lĩnh vực và thúc đẩy phát triển kinh tế số, phấn đấu đến năm 2025 kinh tế số đóng góp khoảng 25% tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn TP.
Thành uỷ TP.HCM đề nghị lãnh đạo HĐND TP chủ động, sáng tạo có giải pháp chuyển đổi số phù hợp, hiệu quả với các hoạt động của HĐND TP. Phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội TP xây dựng kế hoạch giám sát việc thực hiện chương trình Chuyển đổi số và đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh…
Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo từng đơn vị, cơ quan tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực gắn với bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu, nhất là dữ liệu dân cư, quy hoạch, giao thông vận tải, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở... Qua đó, bảo đảm kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, cung cấp các tiện ích, dịch vụ công trực tuyến nhanh chóng, thuận tiện, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Ban Cán sự Đảng UBND TP cũng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong môi trường số, nâng cao năng lực quản lý của các cấp chính quyền theo kịp thực tiễn quá trình chuyển đổi số. Trong đó ưu tiên nguồn lực để triển khai tại TP Thủ Đức góp phần hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông.
Thành uỷ TP cũng yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TP khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số ở TP.
Ngoài ra, Công an TP phải triển khai Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng, dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Công an TP cũng phối hợp với các cơ quan liên quan khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu, cung cấp nhiều tiện ích như tố giác tội phạm, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng, định danh, xác thực người dân, dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế…
Riêng các quận, huyện, TP Thủ Đức nhanh chóng triển khai chuyển đổi số phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương. Nâng cao nhận thức của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh.
Đặc biệt, quận, huyện cần chủ động phát hiện, giới thiệu các điển hình tập thể, cá nhân làm tốt công tác chuyển đổi số, các mô hình hay, cách làm hiệu quả để biểu dương, nhân rộng và đề xuất UBND TP tuyên dương, khen thưởng...