Quản lý giam giữ phải độc lập với CQĐT

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng tình trạng bức cung, nhục hình và vi phạm quyền con người tuy là con số nhỏ nhưng đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền của người bị xâm phạm, gây bức xúc trong dư luận, tạo hình ảnh xấu về ngành công an.

Xử nghiêm người bức cung, dùng nhục hình

“Khi xảy ra bức cung, nhục hình hoặc tự sát trong giam giữ thì trước tiên người quản lý giam giữ phải chịu trách nhiệm. Nếu bố trí như hiện nay, Bộ Công an đã xử lý được bao nhiêu đồng chí giám đốc công an tỉnh, trưởng công an huyện để xảy ra tình trạng bức cung, nhục hình, tự sát trong trại, thậm chí một số trường hợp dẫn đến chết người? Hình thức xử lý như thế nào?” - bà Nga đặt câu hỏi.

Đáp lại, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết “đã xử lý nghiêm”. Ông Vương dẫn chứng: Ở Bắc Giang đã xử lý kỷ luật giám đốc và cảnh cáo phó giám đốc công an tỉnh, cho thôi chức vụ. Sóc Trăng kỷ luật 25 cán bộ, khởi tố hai. Tuy Hòa cũng xử lý nghiêm túc, khởi tố thêm phó trưởng công an TP... Ông Vương sau đó cũng khẳng định “vai trò, trách nhiệm của giám thị trại giam rất quan trọng, để xảy ra chuyện bức cung, nhục hình thì cũng phải gắn trách nhiệm”.

Nguyên phó trưởng Công an TP Tuy Hòa Lê Đức Hoàn tại phiên xử phúc thẩm năm thuộc cấp dùng nhục hình làm chết anh Ngô Thanh Kiều (tháng 7-2014). Sau phiên xử này, ông Hoàn bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: T.LỘC

Chưa hài lòng với câu trả lời này, bà Nga chất vấn tiếp: “Chúng tôi ghi nhận quan điểm xử lý của Bộ Công an. Nhưng từ quan điểm xử lý của lãnh đạo cấp bộ cho tới xử lý của công an địa phương còn khác nhau. Ở đây còn có VKS nữa. Quan điểm của VKS nói với nhau rất hoành tráng là “chúng tôi cương quyết xử lý” nhưng vụ nhục hình ở Phú Yên, nếu quan điểm xử lý của VKSND Tối cao rõ ràng ngay từ đầu thì làm gì vụ án đó phải xử đi xử lại”.

Bà Nga sau đó dẫn lại kết luận của VKSND Tối cao đề nghị “không cần thiết xử lý hình sự mà kiến nghị xử lý kỷ luật là thỏa đáng” đối với trường hợp của ông Lê Đức Hoàn (nguyên phó trưởng Công an TP Tuy Hòa). “Chúng ta cứ nói với nhau rằng rất cương quyết, rất nghiêm khắc nhưng ngay VKSND Tối cao cũng chỉ đề nghị xử lý như thế. Vụ này sau khi dư luận, báo chí lên án, người bị hại khiếu nại, bức xúc thì các đồng chí mới hủy án để điều tra lại và khởi tố ông Lê Đức Hoàn. Xử lý các trường hợp vừa rồi, tôi thấy nhiều trường hợp còn nương nhẹ. Đồng chí phó viện trưởng VKSND Tối cao có nói rằng “khi đưa ra xử lý một đồng chí của mình chúng tôi rất day dứt, băn khoăn”. Đó là tình cảm nhưng pháp luật là vấn đề phải thực thi” - bà Nga nói.

Liên quan đến trách nhiệm của VKS khi có vi phạm pháp luật trong tạm giữ, tạm giam, bà Nga cho biết chưa có trường hợp nào xử lý kỷ luật cán bộ VKS cả.

Tách bạch giữa “thủ kho” và “kế toán”

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương sau đó giải thích, xảy ra chuyện bức cung, nhục hình tất cả đều là do yếu tố con người thực thi. Không chỉ có thiếu sót của cơ quan điều tra (CQĐT) mà có nguyên cả một bộ máy tố tụng. Nếu CQĐT thực hiện việc khởi tố vụ án, bắt tạm giam… thì suốt quá trình đó đều có sự tham gia của VKS. Đối với một số trường hợp thì luật còn quy định buộc phải có luật sư tham gia…

“Tôi rất quan tâm đến cái này, một số vụ án bức xúc tôi xem lại thì nhiều lỗi là chủ quan, nôn nóng, nóng vội, chạy theo thành tích…” - ông Vương nói thêm.

“Anh Vương nói rất đúng, là do con người cả thôi nhưng vì thế nên mới cần phải có một cơ chế pháp luật rành mạch. Tôi vẫn muốn tách việc quản lý tạm giữ, tạm giam với CQĐT, hay nói cách khác là tách bạch giữa “thủ kho” và “kế toán”. Như vậy là chính trong nội bộ tiết chế, kiểm soát lẫn nhau mới bảo đảm quyền, chế độ cho người bị tạm giữ, tạm giam” - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương tiếp lời.

“Vì sao tôi và anh Đương kiên trì đề nghị cần phải tách hệ thống quản lý giam giữ để có sự độc lập hơn với CQĐT? Hiện tại, ông nhà tạm giữ và ông điều tra cùng chung một thủ trưởng là trưởng công an huyện; ông trại tạm giam và phòng điều tra có chung một thủ trưởng là giám đốc công an tỉnh. Với mô hình tổ chức như thế, chúng tôi cho rằng khó có thể độc lập được bởi dù mình nói là tách nhưng hai bộ phận cùng chung một ông thủ trưởng. Còn trên Bộ Công an, cơ quan quản lý giam giữ nằm trong Tổng cục 8 (Tổng cục Thi hành án hình sự (THAHS) và hỗ trợ tư pháp - PV) là phù hợp” - bà Nga phân tích.

Chỉ tách thủ trưởng?

Trước ý kiến của bà Nga và ông Đương cho rằng nên tổ chức mô hình cơ quan quản lý giam giữ theo ngành dọc, chỉ chịu sự quản lý của Tổng cục 8 Bộ Công an (không phụ thuộc vào công an các địa phương), ông Vương không đồng tình. Theo ông, nếu để ngành dọc như thế thì Tổng cục 8 sẽ quá tải vì phải quản lý 68 trại giam, 700 nhà tạm giữ, rất khó thực hiện, “sinh ra một bộ máy chuyên về giam giữ”. Trong khi đó, công tác tạm giữ, tạm giam phải phục vụ kịp thời cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, gắn với hoạt động của công an các địa phương nên phải đặt trực thuộc các đơn vị công an, quân đội có liên quan đến điều tra.

Ông Vương cho biết Bộ Công an đã chỉ đạo tách bạch cơ quan CSĐT và quản lý giam giữ thành hai hệ thống khác nhau: Bên cơ quan CSĐT có thủ trưởng CQĐT, bên quản lý giam giữ có thủ trưởng cơ quan THAHS. “Công an các tỉnh bây giờ có phòng THAHS - hỗ trợ tư pháp và có giám thị trại tạm giam. Trên đó, một đồng chí phó giám đốc là thủ trưởng CQĐT, một phó giám đốc khác là thủ trưởng cơ quan THAHS và hỗ trợ tư pháp… Như vậy, đồng chí phó giám đốc phụ trách điều tra sẽ không chi phối được việc giam giữ” - ông Vương cho hay.

Ở cấp huyện, ông Vương trấn an là “các đồng chí không ngại”, vì bên cạnh trưởng công an huyện là thủ trưởng CQĐT còn có phó trưởng công an huyện là thủ trưởng cơ quan THAHS và hỗ trợ tư pháp trực tiếp phụ trách công tác tạm giữ, tạm giam. Ngoài ra còn có viện trưởng VKS cùng cấp. Khi VKS phê chuẩn lệnh tạm giữ, tạm giam thì VKS cũng phải giám sát toàn bộ hoạt động giam giữ.

Chưa lắp camera tại nơi lấy lời khai

Tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi: “Sau vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, chúng tôi có đề nghị lắp camera để giám sát các cuộc hỏi cung và được Bộ Công an đồng tình. Vậy tình hình lắp đặt camera được tiến hành thế nào rồi?”.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trả lời: “Việc lắp camera từ đó đến nay chưa triển khai được. Muốn làm được phải xin được tiền, muốn có tiền thì phải có dự án. Hiện một số đơn vị công an cấp huyện được chia tách nhưng vẫn chưa làm được nổi nhà tạm giữ vì chưa có kinh phí. Các đơn vị mới vẫn phải giam chung với đơn vị cũ và phải cử một bộ phận đến trực, thực hiện nhiệm vụ”...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm