Quản lý văn hóa không phải chỉ biết thổi còi!

Từ ngày 9 đến 12-8, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội (trong bài gọi tắt là đoàn) đã có những buổi làm việc với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói riêng và văn hóa nói chung để nghe những kiến nghị của các đơn vị về chính sách, pháp luật... Rất nhiều vấn đề được các đơn vị đặt ra để thông qua đoàn có ý kiến đến Quốc hội. Hai đơn vị đã làm việc với đoàn là Công ty Sài Gòn truyền thông và Công ty Văn hóa Phương Nam - hai đơn vị chuyên tổ chức, sản xuất các chương trình âm nhạc, băng đĩa nhạc và các sản phẩm văn hóa…

Thủ tục chậm thì chương trình lỗ

Cả hai đơn vị đều cho rằng một phần chương trình làm ra lỗ là do thủ tục hành chính quá chậm. “Từ tháng 7-2007, chúng tôi đã có kế hoạch làm một chương trình vào tháng 12-2009 và gửi đến cơ quan quản lý xin đồng ý về chủ trương. Thế nhưng đến tháng 10-2009, chúng tôi mới có quyết định được thực hiện chương trình. Trong suốt hai năm đó, chúng tôi không dám ký bất cứ hợp đồng tài trợ nào” - bà Nguyễn Thế Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn truyền thông, kể. Và thực tế, sau khi chương trình được tổ chức, dù rất thành công nhưng nhà tổ chức ngậm đắng nuốt cay bù lỗ 700 triệu đồng!

Quản lý văn hóa không phải chỉ biết thổi còi! ảnh 1

Đầu tư công phu nhưng vì cấp phép chậm mà chương trình Ấn tượng nhạc và phimlỗ 700 triệu đồng. Ảnh: TOẠI NGUYỄN

Theo bà Thanh, một chương trình muốn có tài trợ tốt thì kế hoạch phải lên trước khoảng hai năm bởi nhà tài trợ cũng phải lên kế hoạch cho việc quảng bá sản phẩm, hình ảnh thương hiệu của họ và đảm bảo không lỗ. Thế nhưng các đơn vị tổ chức chương trình toàn rơi vào cảnh nước đến chân mới nhảy do việc cấp phép của cơ quan quản lý quá chậm.

Thực tế hiện nay các chương trình biểu diễn nghệ thuật thuộc tầm cấp phép của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP.HCM đã được cải tiến vì chỉ qua hai bước: Giấy chủ trương cho phép biểu diễn và giấy phép biểu diễn chính thức sau khi đã được tổ chức phúc khảo. Điều này giúp đơn vị tổ chức dễ dàng trong việc quảng bá, làm hợp đồng thuê điểm diễn, phát hành vé sau khi có giấy chủ trương. Tuy nhiên, “Phương Nam gặp vướng khi đem giấy chủ trương sang Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, hay Bộ Thông tin và Truyền thông xin phép quảng cáo, họp báo, thông tin về chương trình. Vì giấy chủ trương không phải là giấy phép chính thức. Chúng tôi mong giấy đồng ý về chủ trương của Sở Văn hóa có phạm vi tác động liên ngành” - bà Phan Mộng Thúy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Văn hóa Phương Nam, cho biết.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm ủy ban, cho rằng nên xem kỹ giá trị pháp lý của giấy chủ trương để có sự kết hợp giữa các đơn vị giúp thuận lợi hơn về thủ tục hành chính cho đơn vị sản xuất.

Chuyện dài vế danh mục tác phẩm được phổ biến

Bên cạnh đó, cả hai đơn vị này đều kiến nghị việc cần thiết ban hành danh mục ca khúc sáng tác trước năm 1975 và của các tác giả người Việt sáng tác ở nước ngoài được duyệt cho phép. Đây là vấn đề từng được nói đi nói lại nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được gút.

Bà Thanh cho rằng: “Công khai tác phẩm được phép phổ biến sẽ giúp tác phẩm trở thành tác phẩm chung của công chúng và tránh được tình trạng độc quyền. Nếu cứ làm từng ca khúc, từng chương trình như hiện nay thì quả là cách làm… thiếu văn minh”. Hiện nay đơn vị A xin cấp phép được ca khúc X thì Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ gửi văn bản đến đơn vị đó, nếu đơn vị B muốn dùng ca khúc X thì lại phải xin tiếp. Ông Võ Trọng Nam, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP.HCM, chia sẻ thêm: “Riêng cơ sở dữ liệu của Sở về ca khúc được cấp phép nay đã lên hơn 20.000 ca khúc. Sở sẵn sàng cung cấp để Cục Nghệ thuật biểu diễn cập nhật. Chứ hiện tại cấp từng đơn vị, từng chương trình cụ thể như vậy càng ngày càng rối!”.

Ngoài ra, các đơn vị cũng kiến nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn nên có lịch duyệt định kỳ các ca khúc được cấp phép như Cục Điện ảnh vẫn làm với phim nhập khẩu. Chứ mỗi lần xin cấp phép ca khúc, nhà sản xuất không biết phải chờ bao lâu để được duyệt!

Ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hoàn toàn đồng tình việc có một danh mục tác phẩm trước năm 1975 và ca khúc hải ngoại được phép phổ biến. “Chúng tôi đã từng ý kiến việc này lên Bộ nhưng khi lấy ý kiến liên ngành thì một số đơn vị vẫn bảo lưu ý là cấp phép từng tác phẩm, từng chương trình. Cục cũng mong đoàn ý kiến tiếp đến Quốc hội” - ông Chương nói. GS Thuyết cũng đồng tình việc phải cập nhật và công bố tác phẩm được phổ biến, tuy nhiên thuật ngữ dùng cho danh mục này cũng cần xem xét lại.

Đề xuất giao Nhà hát TP.HCM cho HBSO

Trong buổi làm việc với Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) vào sáng 12-8, đại diện HBSO đã có một số kiến nghị với đoàn: Lương của nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật hàn lâm còn bất hợp lý; việc phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú và nghệ sĩ nhân dân cho ngành nghệ thuật hàn lâm phải có tiêu chí riêng, bởi sự thành công của tác phẩm âm nhạc hàn lâm là từ tập thể.

GS Thuyết đại diện đoàn cũng kiến nghị với UBND TP.HCM về dự án xây dựng nhà hát cho TP.HCM đang dở dang và bế tắc hơn 10 năm nay: “Trong khi đợi một nhà hát xứng tầm của TP.HCM nên chăng giao Nhà hát TP.HCM cho HBSO quản lý (có thể giao theo kiểu “cưa đôi” tức HBSO sử dụng nửa số ngày trong tuần, còn những ngày khác vẫn dành cho Nhà hát TP.HCM cho thuê mặt bằng) để thuận tiện cho việc biểu diễn, cất giữ nhạc cụ hơn 40 tỉ đồng”.

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm