Chiều 15-7, làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về tình hình thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, quận Tân Phú đã chia sẻ những khó khăn gặp phải khi triển khai chương trình trong năm học 2020-2021.
Ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú chia sẻ những khó khăn mà quận gặp phải khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: DANH NGUYỄN
Ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú cho biết, trong 5 năm 2015-2020, quận đã xây dựng và thành lập mới 10 trường, mở rộng, sửa chữa 30 trường.
Tuy nhiên chương trình 2018 ở cấp tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút là một thách thức với địa phương. Bởi quận có sĩ số học sinh trên lớp cao, tỉ lệ phòng học/lớp còn thấp, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng được yêu cầu.
Theo ông Tạ Tân, toàn quận hiện có 10.000/36.000 học sinh được học 2 buổi/ngày, đạt tỷ lệ chưa đến 30%. Hiện chỉ 5/17 trường tiểu học tổ chức 100% học sinh được học 2 buổi/ngày.
Năm học 2020-2021, tổng số trẻ vào lớp 1 là khoảng 8.000 em. Nếu tất cả trẻ lớp 1 được học 2 buổi thì chỉ đạt năm nay. Tuy nhiên, năm tới học sinh lớp 5 ra trường là 5.000 em, trong khi dự kiến có khoảng 7.000 học sinh lớp 1 mới vào trường. Lúc này, quận sẽ không còn đủ phòng học cho học sinh năm tới.
“Áp lực dân số tăng cơ học, bên cạnh đó 11 khu đất để xây dựng trường học không thể thu hồi do vướng cơ chế. Vấn đề này, chúng tôi đã có văn bản kiến nghị từ năm học 2018-2019 nhưng vẫn không thể giải quyết. Học sinh đông nhưng lại không có trường xây mới. Do đó, tôi kiến nghị nên có cơ chế thu hồi đất kịp thời để xây dựng trường lớp”, ông Tân nói.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: DANH NGUYỄN
Trước những khó khăn trên, quận có giải pháp ngoài 5 trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày, 5/12 trường còn lại sẽ học trên 5 buổi/ tuần đảm bảo sắp xếp thời khóa biểu khoa học và phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh tiểu học.
Cụ thể buổi sáng tổ chức giảng dạy các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, buổi chiều tổ chức các hoạt động giáo dục khác (không tổ chức học vào các ngày thứ Bảy).
Bắt đầu từ năm học 2020-2021, mỗi năm quận sẽ tăng thêm một trường có 100% học sinh học 2 buổi/ngày và các trường sẽ tăng thêm 10% phòng học đảm bảo cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Đảm bảo tỷ lệ 10% đến 20% tổng số phòng học của nhà trường để tổ chức giảng dạy trên 5 buổi/tuần.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chia sẻ với những khó khăn mà quận gặp phải trong công tác triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 đặc biệt là áp lực việc tăng học sinh hàng năm.
Theo bà Tuyết, mặc dù quận có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chất lượng cao nhưng với số lượng học sinh tăng cao cũng là một thách thức. Sĩ số bình quận 45 học sinh/lớp, có những lớp có sĩ số cao hơn. Hiện không chỉ Tân Phú không đủ phòng học để triển khai học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh, chắc chắn còn một vài quận/huyện khác cũng gặp tình trạng tương tự.
“Việc xây thêm trường lớp không chỉ cần có kinh phí mà còn cần phải có đất đai, cần có thời gian. Một ngôi trường nếu được Hội đồng nhân dân TP thông qua chủ trương đầu tư, cấp kinh phí ít nhất cũng phải mất 3 năm mới có được. Còn nếu đơn vị nào thiết kế trước thì cũng mất 2 năm.
Ngoài ra ,đất đai là một trong những vấn đề lớn và phức tạp, hiện nay. Nếu vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì quả thật việc này rất khó thực hiện. Chúng tôi chia sẻ khó khăn của quận trong vấn đề này”, bà Tuyết nói.