Trong báo cáo tình hình GD&ĐT trên địa bàn TP.HCM của Sở GD&ĐT gửi UBND TP có đề cập đến thực trạng của việc triển khai chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mới.
Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Phan Huy Ích, quận Tân Bình. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Theo đó, TP hiện có 551 trường tiểu học, trong đó 484 trường công lập (tăng 4 trường so với năm học trước), 73 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia (đạt 13,24%).
Ti lệ học sinh tiểu học 2 buổi/ngày của TP hiện đạt gần 73%. Tỉ lệ phòng học trung bình chung là 0,95, trong khi để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày toàn TP tỉ lệ phòng học phải đạt 1,0 (1 lớp/1 phòng học). Vì vậy, hiện nay một số đơn vị chưa đáp ứng đủ số phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học do dân số cơ học tăng đột biến.
Số phòng học của học sinh lớp 5 ra trường (3.107) so với số phòng học dự kiến cho lớp 1 năm học 2020-2021 (3.550 phòng), còn thiếu 443 phòng học. Số phòng học dự kiến xây mới vẫn chưa đáp ứng được 100% học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày.
Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là một trong những thách thức đối với một số quận/huyện có tỉ lệ phòng học/lớp còn thấp, tỉ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân là các quận/huyện gặp khó khăn về quỹ đất, kinh phí và điều kiện sống của người dân chưa đồng đều, dân số cơ học tăng cao.
Mặt khác, tỉ lệ giáo viên tiểu học/lớp là 1,34 hiện chưa đáp ứng để tổ chức dạy đủ các môn học và dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học. Khả năng thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, nhất là Anh văn và Tin học – Công nghệ có thể xảy ra ở một số trường. Hiện chưa có đầy đủ căn cứ pháp lí để chỉ đạo và hướng dẫn các trường bổ sung vị trí việc làm đối với giáo viên tiếng Anh và Tin học.
Trước tình hình trên, Sở GD&ĐT đã rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông. Điều chỉnh, sắp xếp để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có, xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học.
Mặt khác, triển khai kế hoạch thực hiện đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục phổ thông mới giai đoạn 2017-2025. Kiên cố hóa trường, lớp học và đầu tư xây dựng phòng học. Xây dựng bổ sung phòng học, phòng chức năng, phòng thư viện. Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu...
Các cấp chính quyền tăng cường đầu tư xây dựng thêm trường lớp, trang bị trang thiết bị hiện địa theo lộ trình đổi mới, đảm bảo sĩ số lớp học theo quy định, bố trí lớp học phù hợp với yêu cầu. Thực hiện xã hội hóa giáo dục, gắn giáo dục nhà trường với thực hiện đổi mới tổ chức, quản trị hoạt động giáo dục.
Về mặt đội ngũ giáo viên, TP phải xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo phù hợp thực tiễn phát triển GD&ĐT của TP, trong đó có các giải pháp cụ thể tháo gỡ về cơ chế để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên Anh văn và Tin học mà không được tuyển dụng.