Đám đông ngồi bệt tại sân xử suốt từ 4 giờ sáng đến gần 8 giờ tối để theo dõi toàn bộ diễn biến phiên tòa trong cái nắng rát da và bụi mờ mắt. Nhiều người bỏ ăn, đội nắng suốt giờ nghỉ trưa không dám đi ra ngoài vì sợ mất chỗ. Nhiều người phải ôm cột điện hay đứng trên yên xe để xem xử án. Lực lượng cơ động rất mệt mỏi sắp xếp người dân ổn định. Nhiều bậc cha mẹ thậm chí đã đem theo cả con nhỏ đến xem xử án. Trong khi đám đông chờ HĐXX nghị án, cán bộ tòa đã cầm micro thông báo lẫn lộn rằng “ban tổ chức xin thông báo quý khán giả đề phòng kẻ gian lợi dụng móc túi trong đêm tối”. Chủ tọa cầm bản án tuyên đọc trong ánh sáng leo lét của chiếc đèn mini, xung quanh là một màn đêm đen kịt…
Đó là những thông tin mà tôi đọc trên báo chí về quang cảnh xét xử lưu động vụ án ở Bình Phước vừa qua. Quả thực, những phiên tòa lưu động như thế khiến không chỉ cơ quan chức năng chịu nhiều vất vả mà người dân cũng tự nguyện chịu sự hành xác không kém.
Những mặt được của một phiên tòa lưu động thì đã rõ, đó là đem pháp luật đến người dân nhằm hướng đến mục đích giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung. Cũng có thể nói xét xử lưu động thể hiện tính công khai, minh bạch, dân chủ của hoạt động tư pháp.
Câu chuyện đưa vụ án ra xét xử lưu động đã có từ lâu, dù luật tố tụng không quy định và TAND Tối cao cũng không có hướng dẫn nào về việc xét xử lưu động. Từ những năm đất nước còn khó khăn, việc tuyên truyền giáo dục để phòng ngừa và răn đe tội phạm rất hạn chế vì các phương tiện thông tin rất ít. Thậm chí Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam khi đó còn chưa phủ sóng toàn quốc. Khi các phương tiện thông tin còn lạc hậu, việc xét xử lưu động có tác dụng giáo dục cộng đồng nhiều hơn. Vì vậy trong hoàn cảnh lịch sử đó, việc xử lưu động là phù hợp.
Tuy nhiên, Hiến pháp 2013 đã có hiệu lực thi hành thì việc bảo vệ quyền con người, tôn trọng danh dự và phẩm giá con người được ưu tiên hàng đầu, dù cho đó là người bị buộc tội đi chăng nữa. Thực tế, chẳng ai muốn bị đưa ra xét xử lưu động cả. Đã từng có chuyện đau lòng xảy ra là một bị cáo đã tự tử trước ngày bị tòa đưa ra xét xử lưu động. Một người phải đứng trước vành móng ngựa vẫn được coi là chưa có tội đến khi bản án kết tội họ có hiệu lực. Rõ ràng khi bị đưa ra xét xử lưu động, bị cáo phải chịu thêm một hình phạt từ phía cộng đồng ngoài hình phạt của luật hình sự. Ngoài ra, việc xét xử lưu động cũng khiến người thân của bị cáo phải chịu sức ép tâm lý nặng nề.
Vậy có nên duy trì các phiên tòa lưu động trong bối cảnh hiện nay? Theo tôi thì nên bỏ hẳn, bởi ngày nay hệ thống truyền thông đã phát huy tác dụng rất tốt, vấn đề tuyên truyền pháp luật đã khác xưa rồi. Người dự khán không cần trực tiếp có mặt vẫn nghe được tường thuật. Có những phiên tòa lưu động cảnh sát không đủ sức giữ trật tự. Đám đông ồn ào, nhốn nháo, có nhiều biểu hiện không nghiêm túc.
Nhà nước đã tốn nhiều chi phí xây trụ sở nhằm tạo uy nghiêm cho tòa án thì lại không sử dụng, mà đem ra xử lưu động khiến hình ảnh phiên tòa trở nên thiếu uy nghiêm như đã thấy ở trên. Mặt khác, các chỉ tiêu thi đua của tòa án cho tới bây giờ vẫn đánh giá cao việc xét xử lưu động. Thế là người ta cứ phát huy dù việc xét xử lưu động tốn kém nhân lực và vật lực rất nhiều so với việc xét xử tại trụ sở tòa án.
Đã từng xử lưu động nhiều vụ án, giữa không gian rộng lớn, tôi thấy những câu hỏi của HĐXX, kiểm sát viên, luật sư bị loãng đi. Câu trả lời của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác cũng bị ngoại cảnh tác động nên không tập trung. Điều đó làm cho thẩm phán phân tâm, giảm hưng phấn trong tác nghiệp kỹ năng xét xử. Do ngoại cảnh tác động nên cũng có thể khiến chủ tọa không thể xử lý các tình huống tốt được.
Vậy trong một phiên tòa lưu động, người chủ tọa điều khiển phiên tòa phải rất bản lĩnh mới vượt qua những tác động từ đám đông như vậy. Khi còn ở tòa án tỉnh, tôi đã gặp rất nhiều tình huống phải vất vả để điều khiển phiên tòa. Có nhiều phiên xử tại sân vận động vài ngàn người tham dự. HĐXX phải tạm ngưng để cảnh sát giữ trật tự. Có phiên tòa phải mất vài lần tạm dừng như vậy. Khi tuyên án, HĐXX chìm lẫn trong đám đông, rất nguy hiểm, có thể xảy ra sự cố không lường hết được.
PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao
_____________________________________
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Chúng tôi sẽ trở lại đề tài này trên số báo ngày mai, 21-12. Mời độc giả đón xem.