Xử lưu động: Đã đến lúc cáo chung?

Chiều 22-12, báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm “Có nên xử án lưu động?”. Các chuyên gia đã mổ xẻ mặt lợi và hại của việc xử án ngoài trụ sở tòa án.

Cách tuyên truyền pháp luật tốt nhất

Tham gia tọa đàm trực tuyến, từ đầu cầu Bình Phước, ông Lê Đức Xuân - Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước, người ngồi ghế công tố trong phiên tòa lưu động xử vụ thảm sát ở Bình Phước, đã mở đầu bằng việc đánh giá những mặt được và chưa được của phiên tòa này. Ông Xuân cho rằng phiên tòa còn có vài điều chưa hài lòng nhưng mặt tích cực vẫn nhiều hơn. Do đó cần phải có một đề án đánh giá toàn diện việc xét xử lưu động của các cơ quan chức năng.

Thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, cho rằng xét xử lưu động là cách tuyên truyền pháp luật tốt nhất. Theo ông Toản, việc xét xử lưu động cũng gặp những khó khăn nhưng phải khắc phục vì nó là kênh công khai pháp luật đến người dân. Trước lo ngại của các luật sư (LS) rằng xử lưu động thì kết án nặng hơn, ông Toản cho rằng dù xử tại trụ sở hay ngoài trụ sở đều phải đúng quy định.

LS Nguyễn Minh Luận, Trưởng Văn phòng LS Sài Gòn Công Lý, đặt vấn đề liệu khi xử lưu động ba ngành tố tụng có thống nhất trước, có chuyện “án bỏ túi” hay không? Ông Toản minh định: “Tôi làm thẩm phán gần 30 năm nhưng chưa bao giờ ngồi với VKSND để thống nhất án. Cũng không có chuyện “án bỏ túi”. Chúng tôi chọn kỹ loại án để xử lưu động, không chọn án còn lấn cấn, có khả năng vô tội… Ngoài ra nếu có gì thì cũng còn cấp phúc thẩm, không thể làm oan người vô tội được”.

Kiểm sát viên Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng phòng Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND TP.HCM thì nhận xét việc đưa án ra xử lưu động sẽ giảm ngay tệ nạn. “Điển hình như tình trạng ma túy ở các quận 4, 8, nạn mại dâm ở quận 6. Đưa ra xử lưu động để ổn định dân và cũng thấy tệ nạn giảm liền”.

Ông Sơn nói thêm: “Tôi đồng cảm với ưu tư của LS. Họp liên ngành không phải để ra bản án mà do cuộc sống và tội phạm phức tạp nên cần có sự hợp sức. Thực sự mà nói xử lưu động khiến cơ quan chức năng dễ gặp những bất ổn, thậm chí nguy hiểm trước đám đông nhưng vì những viện dẫn như anh Toản, anh Xuân đã nói nên chúng tôi vẫn phải làm”.

Quang cảnh buổi tọa đàm “Có nên xử án lưu động?” diễn ra tại báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nên bỏ hẳn?

Ngược lại, các LS tham gia buổi tọa đàm đều thống nhất quan điểm phải bỏ hẳn hình thức xét xử lưu động.

LS Đinh Thị Quỳnh Như, Giám đốc Công ty An Luật - Đoàn LS TP.HCM, cho rằng không nên xem bị cáo là phương tiện để tuyên truyền pháp luật. “Pháp luật luôn mang tính công bằng nhưng tại sao có vụ, có bị cáo bị xử lưu động, có bị cáo lại không? Điều này là bất công!” - LS Quỳnh Như nói.

LS Nguyễn Minh Luận thì cho rằng khi xử lưu động thể nào tòa cũng phải tuyên án, đôi khi vắng nhân chứng, người liên quan nhưng vẫn xử, vì nếu hoãn thì tốn kém vô cùng. “Phải bảo vệ quyền con người, ngay cả khi họ là người bị buộc tội. Thay vì xử lưu động, nên công khai bản án, đồng thời tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp” - LS Luận đề xuất.

ThS-LS Bùi Quốc Tuấn, Trưởng Văn phòng LS Quốc Tuấn - Đoàn LS TP.HCM, thì đặt vấn đề: Xử lưu động lỡ oan thì sao? “Chưa ai thống kê ưu và khuyết nhưng chúng tôi nhìn góc độ pháp lý thì không nên xử. Không phải oan rồi bồi thường, xin lỗi là xong. Tuyên truyền cũng có nhiều cách, chẳng hạn như VTV làm chuyên mục: “Khi tòa tuyên án” rất hay và hiệu quả” - LS Tuấn nói.

LS Nguyễn Thế Tân, Đoàn LS tỉnh Tây Ninh, nhận xét những tích cực của việc xét xử lưu động chỉ mang tính lý thuyết. “Một buổi sáng mà tòa xử lưu động ba vụ thì sao hiệu quả và chính xác được? Nội thời gian đọc cáo trạng đã gần hết. Dân đến xem chủ yếu do tò mò là chính… Có vụ tòa xử lưu động người chồng giết tình địch. Người vợ bị xem như tội phạm giữa chốn đông người. Thật sự nhiều phiên tòa lưu động, người bị hại, người liên quan… bị áp lực, xấu hổ trước hàng trăm, hàng ngàn người dự khán. Theo tôi, nên dừng hẳn việc xử án lưu động cho phù hợp với tình hình hội nhập” - LS Tân nói.

“Theo tôi, để bảo vệ quyền nhân thân thì không nên xử lưu động. Hình thức này không phải là một hình thức văn minh” - LS Nguyễn Đức Chánh ý kiến.

Cần có tiêu chí án nào được xử lưu động

TS Phan Anh Tuấn - Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM nói Nhà nước luôn tạo điều kiện cho bị cáo tái hòa nhập cộng đồng. “Tất cả hình phạt tù chỉ tước đoạt quyền tự do. Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi còn xử lưu động. Trong hoàn cảnh hiện tại thì xét xử lưu động vẫn còn hiệu quả nhưng không phải vụ nào cũng đưa ra xử lưu động mà phải cân nhắc. Cơ quan tố tụng trung ương cần đưa ra tiêu chí loại án có thể xử lưu động để giảm bớt tác hại như nhiều người đã phân tích. Phải tính toán tất cả tác hại sẽ đến với bị cáo, gia đình bị cáo. Đến lúc nào đó phù hợp thì bỏ hẳn việc xử lưu động”.

TS Nguyễn Ngọc Điện - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM băn khoăn về thực tại xét xử án lưu động ở nước ta. Ông nói ở Mỹ chỉ khi án có hiệu lực mới được phổ biến. Ông nói ở Mỹ cũng có phiên tòa lưu động, xử ở các trường luật để sinh viên, học viên xem và sau đó mổ xẻ. Người xem có điều kiện tiếp cận, “thực nghiệm lâm sàng” về phiên tòa với điều kiện không được quay phim, chụp ảnh. Không ai được nhân danh quyền lực công để làm xấu đi tình trạng của người khác. Chỉ đến khi án có hiệu lực pháp luật thì mới được công bố nhằm mục đích giáo dục. Tức tòa chỉ giáo dục pháp luật qua bản án chứ không bằng hình thức xét xử lưu động.

“Chúng ta thừa nhận suy đoán vô tội, hai cấp xét xử mà lại xử lưu động là đi ngược lại với những nguyên tắc này. Cho phép lan tỏa những thứ chưa có hiệu lực, chưa biết đúng hay sai tức là chấp nhận cho xã hội quy kết (bị cáo). Do đó theo tôi cần xem lại cách thức thực hiện” - TS Điện nói.

* * *

Kết thúc buổi tọa đàm, nhà báo Hoàng Chương, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, tạm kết: “Có thể thế giới không xét xử lưu động, còn chúng ta vẫn làm nhưng với điều kiện có hiệu quả. Nên chăng chúng ta cần cân đong đo đếm mặt tích cực, tiêu cực, từ đó đưa ra tiêu chí lựa chọn loại án phù hợp để xét xử lưu động, vừa đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, vừa giảm thiểu mặt tiêu cực. Bởi suy cho cùng mục đích của xử án là để trừng trị tội phạm, răn đe, phòng ngừa chung và tuyên truyền, phổ biến pháp luật...”.

“Sáu được, ba chưa” của xử lưu động

Xử lưu động: Đã đến lúc cáo chung? ảnh 2
 
Tôi nhận thấy có sáu mặt tích cực của việc xét xử lưu động. Thứ nhất: Bảo vệ chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Thứ hai: Truyền tải các quy định pháp luật nhanh nhất. Thứ ba: Có tác dụng giáo dục, tuyên truyền, răn đe. Đối với người đã phạm tội thì mau chóng ra đầu thú, tự thú để được hưởng khoan hồng; đối với những ai chuẩn bị phạm tội thì chấm dứt ý định. Thứ tư: Giáo dục ý thức cộng đồng để người dân kịp thời báo cơ quan chức năng khi phát hiện các dấu hiệu tội phạm. Thứ năm: Cảnh báo tình trạng vô cảm của người dân. Thứ sáu: Góp phần loại bỏ những đồn đoán không chính xác về vụ án.

Có ba mặt chưa được: Thứ nhất: Tính uy nghiêm của phiên tòa bị giảm. Thứ hai: Tốn kém nhân lực, vật lực, gây nhọc sức cả những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng và người dân. Thứ ba: Bị cáo ngoài việc phải chịu bản án của pháp luật còn chịu thêm một bản án từ đám đông, người thân của họ cũng bị ảnh hưởng nhiều.

Ông LÊ ĐỨC XUÂN, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước

LS ĐINH THỊ QUỲNH NHƯ, Giám đốc Công ty An Luật:

Không nên lấy bị cáo để tuyên truyền pháp luật

Xử lưu động: Đã đến lúc cáo chung? ảnh 3
 
Tôi có một số điểm đồng tình nhưng vẫn có một số băn khoăn. Pháp luật luôn mang tính công bằng nhưng xem ra việc xử lưu động lại gây thêm bất công. Bởi có bị cáo bị xử lưu động, có bị cáo lại không. Bất công với người bị đưa ra xét xử lưu động vì họ phải chịu đến hai bản án: Bản án của pháp luật và bản án của cộng đồng. Không nên xem bị cáo là phương tiện để tuyên truyền pháp luật. Tôi thấy không ổn và luật cần nghiên cứu lại.

Xét xử lưu động với tính chất là tuyên truyền pháp luật. Tuy nhiên, sau khi xem xử lưu động, người dân liệu có còn đọng lại và rút ra bài học gì không hay nghe xong rồi thôi.

Xử lưu động: Đã đến lúc cáo chung? ảnh 4
 

LS NGUYỄN MINH LUẬN, Trưởng Văn phòng LS Sài Gòn Công Lý, Đoàn LS TP.HCM:

Nền tư pháp văn minh là ra bản án đúng pháp luật để dân tin. Tòa không nên xét xử ngoài trụ sở tòa án. Thay vào đó, tòa nên công khai bản án, đồng thời tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp.

Xử lưu động: Đã đến lúc cáo chung? ảnh 5
 

ThS-LS BÙI QUỐC TUẤN, Trưởng Văn phòng LS Quốc Tuấn, Đoàn LS TP.HCM:

Luật tố tụng hình sự không quy định nhưng tòa vẫn làm là trái luật. Theo tôi, không nên xử án lưu động. TAND xét xử công khai nhưng công khai trong tòa án chứ không phải lưu động.

Xử lưu động: Đã đến lúc cáo chung? ảnh 6
 

LS NGUYỄN THẾ TÂN, Đoàn LS tỉnh Tây Ninh:

Nên dừng xử lưu động cho phù hợp tình hình hội nhập. Những tích cực của xử lưu động chỉ mang tính lý thuyết, trong khi những hệ lụy từ xử lưu động thì rất khó lường…

Xử lưu động: Đã đến lúc cáo chung? ảnh 7
 
LS NGUYỄN ĐỨC CHÁNH, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh, Đoàn LS TP.HCM:

Những tình tiết trong vụ án được miêu tả chi tiết, không mang tính nhân văn, trong khi phiên tòa lưu động lại có cả trẻ em đến dự. Theo tôi, để bảo vệ quyền nhân thân thì không nên đưa bị cáo ra xử lưu động…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm