Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Trường Giang
Chiều nay (22-12), tại trụ sở báo Pháp Luật TP.HCM (34 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình) đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề: Có nên xử án lưu động trong nền tư pháp văn minh, hiện đại.
Tham gia buổi tọa đàm gồm có các chuyên gia: ông Nguyễn Hồng Sơn, Phòng Kiểm sát án phúc thẩm, VKSND TP.HCM; Thẩm Phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM; PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Luật TP.HCM; TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM;
Đặc biệt, tham dự tọa đàm qua online từ đầu cầu Bình Phước có ông Lê Đức Xuân, Viện trưởng VKSND Bình Phước, người ngồi ghế công tố tại phiên tòa xử lưu động vụ thảm sát Bình Phước vừa mới diễn ra.
Ngoài ra, còn có các luật sư (LS) Đinh Thị Quỳnh Như, Giám đốc Công ty An Luật (Đoàn LS TP.HCM); LS Nguyễn Minh Luận, Trưởng VPLS Sài Gòn Công Lý; ThS-LS Bùi Quốc Tuấn, Trưởng VP LS Quốc Tuấn; LS Nguyễn Thế Tân (Đoàn LS tỉnh Tây Ninh); LS Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM).
Ông Nguyễn Văn Chương (Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM
Chủ trì buổi tọa đàm, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Văn Chương (nhà báo Hoàng Chương) đặt vấn đề: Xuất phát từ vụ án thảm sát ở Bình Phước mới đây, nhằm soi rọi nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề, lợi, hại ra sao, có nên giữ hay bỏ việc xét xử lưu động? Mong các chuyên gia giúp bạn đọc của báo hiểu thêm vấn đề.
Ông Lê Đức Xuân, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước
Viện trưởng Lê Đức Xuân: Giảm sự uy nghiêm của phiên tòa
Trước tiên tôi cảm ơn báo Pháp Luật TP.HCM có buổi tọa đàm trao đổi về vấn đề này. Quan điểm của tôi nên có một đề án giao cho một cơ quan chức trách nghiên cứu.
Còn vụ Nguyễn Hải Dương liên quan đến giết người, cướp tài sản, theo tôi có bảy tác dụng: Thông qua xét xử thể hiện quan điểm của nhà nước ta bảo vệ quyền con người. Đó là ý nguyện của cả nhân dân mong mỏi, truyền tải pháp luật đến người dân nhanh nhất, giáo dục người nào có ý thức phạm tội hoặc đang có ý định phạm tội, thông qua hành vi phạm tội thẩm vấn tại phiên tòa, nâng cao ý thức cho người dân, mỗi gia đình có ý thức bảo vệ mình, tránh xa cái ác.
Theo tôi, mọi người nên sống hòa đồng đừng nên cách biệt, kín cổng cao tường thì sẽ hạn chế ngăn ngừa tội phạm. Việc xét xử công khai minh bạch tránh khuyếch tán gây hoang mang.
Hạn chế: Xét xử giữa trời nắng chang chang, giữa bãi đất trống, bụi bặm thì tính uy nghiêm phiên tòa không cao. Gây ra tâm lý ảnh hưởng đến nhân dân, bị can, trẻ em dưới 16 tuổi không được vào nhưng phiên tòa lưu động trẻ em lại vào rất đông.
. Pháp Luật TP.HCM: Bị cáo phải đối mặt với sức ép của đám đông, hàng ngàn cặp mắt nhìn vào. Vậy gia đình bị cáo có đáng phải gánh chịu? Răn đe như thế có nhân văn không?
+ Ông Xuân: Có tính trừng phạt, tác dụng rất lớn. Mọi người dân đều quan tâm, họ muốn xem kết cục ra sao, nếu không đưa ra xử lưu động lại tạo ra một sức ép.
Viện trưởng Lê Đức Xuân đang thao tác tham gia tọa đàm trực tuyến. Ảnh: Nguyễn Đức
Phó Tổng TKTS thường trực Đinh Đức Thọ (người cầm mic) dẫn dắt buổi tọa đàm với nhiều câu hỏi để các khách mời cùng cho ý kiến.
LS Đinh Thị Quỳnh Như
Xét xử lưu động với tính chất là tuyên truyền pháp luật cho ngưới dân. Tuy nhiên, khi những người dân đi xem xử lưu động liệu có còn đọng lại và rút ra bài học gì không hay nghe xong rồi thôi. Mặc khác, khi người dân nghe xét xử, họ nghe và tiếp thu pháp luật hay chỉ lắng nghe những ý kiến trái chiều và khiến họ hoang mang? Việc lan truyền pháp luật sẽ không đạt được hiệu quả từ những phiên tòa xét xử lưu động.
Kiểm sát viên Nguyễn Hồng Sơn
TS Phan Anh Tuấn: Nên cân nhắc hậu quả
Ngoài giáo viên tôi cũng là Hội thẩm của TAND TP.HCM, chúng tôi đều là những người nghiên cứu pháp luật nên không có vấn đề gì về tâm lý. Tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn vì xử lưu động thì trẻ em lại vào tham dự phiên tòa, vụ án thảm sát ở Bình Phước vừa rồi cũng có trẻ em dự tòa.
TS Phan Anh Tuấn - giảng viên ĐH Luật TP.HCM
Chúng ta phải đảm bảo về pháp luật, tiêu cực ảnh hưởng đến ai, ngoài cá nhân bị cáo và gia đình? Nhưng theo tôi, vụ án ma túy cũng có thể đưa ra xét xử lưu động được. Tôi băn khoăn ngoài tính tích cực thì sau đó Nhà nước có tạo điều kiện cho bị cáo có tái hòa nhập với cộng đồng hay không? Tất cả hình phạt tù chỉ tước đoạt quyền tự do của họ chứ không được tước đoạt gì hết.
Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi đưa vụ án ra xét xử lưu động. Trong hoàn cảnh đất nước còn hạn chế thì xét xử lưu động vẫn còn hiệu quả nhưng không phải vụ nào cũng đưa ra xử lưu động mà phải cân nhắc đến hậu quả như quyền con người…
. Pháp Luật TP.HCM: Năm ngoái ở Quảng Nam có một người biết xử lưu động đã tự tử. Vậy các chuyên gia nghĩ sao về vấn đề này?
LS Nguyễn Minh Luận: Tôi không ủng hộ lưu động
Chúng ta đang hội nhập toàn cầu về kinh tế mà tư pháp liên quan đến quyền con người. Hầu hết các nước trên thế giới không xét xử lưu động, chúng ta không nên có tư duy cái gì cũng đưa ra tập thể như vậy sẽ rất áp lực; phải bình đẳng, tôn trọng quyền con người cả ngay khi họ bị buộc tội.
LS Nguyễn Minh Luận - Trưởng VPLS Sài Gòn Công lý, Đoàn Luật sư TP.HCM
Tôi ngồi không dưới 10 phiên tòa lưu động, tất cả quan điểm của tôi bị gạt bỏ hoàn toàn, đã là án điểm thì phải có sự thống nhất của VKS, tòa, hơn thế nữa tổ chức một buổi xử lưu động rất tốn kém...
Ngành tòa án đưa xét xử lưu động vào tiêu chí thi đua nhưng trong một số quận, huyện thì coi đó là nhiệm vụ chính trị. Chưa có quy định nào xét xử lưu động vậy tại sao lại đem ra xét xử?
Thẩm phán Phạm Lương Toản - Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM
Thẩm phán Phạm Lương Toản: Chọn tiêu chí để xử lưu động
Không biết luật sư căn cứ vào đâu mà nói cơ quan tố tụng thống nhất án trong ba ngày. Tôi làm từ trước tới nay thì chưa thấy. LS băn khoăn rất đúng nhưng không được chấp nhận. Tôi dám khẳng định không có chuyện đó, bị cáo vẫn có quyền kháng cáo. Không ai có quyền đánh giá bản án xét xử đúng hay không, chỉ có cấp phúc thẩm thôi. Các anh cứ nghe đồn ở đâu đó, một số tờ báo đưa là án bỏ túi… nhưng tôi chưa bao giờ ngồi với anh Sơn (VKSND TP.HCM).
Theo tôi nên bám vào quy định pháp luật, cái nào có căn cứ thì mình nói. Tất cả các phiên tòa lưu động chúng tôi phải chọn tiêu chí. Chúng tôi không chọn những vụ không phạm tội để đưa ra xử, mà vụ án không phạm tội tỉ lệ không nhiều.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
. Pháp Luật TP.HCM: Thực tế có vụ xử lưu động nhưng sau đó lại không phạm tội?
+ Thẩm phán Toản: Phải bảo đảm theo pháp luật thôi.
+ LS Nguyễn Thế Tân (Đoàn LS tỉnh Tây Ninh): Theo tôi, việc Tòa án đưa vụ án ra xét xử lưu động là nhằm tạo điều kiện cho đông đảo người dân đến tham dự và mục đích chính là nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là chính.
Tuy nhiên, cá nhân tôi đánh giá mục đích này thực tế hiện nay không đạt hiệu quả như mong đợi mà bên cạnh đó còn để lại những hậu quả bất cập liên quan đến quyền nhân thân của bị can, bị cáo và những người có liên quan rất nhiều, làm ảnh hưởng đến tính công bằng, nhân văn, nhân đạo, tính nghiêm minh uy quyền của pháp luật và Nhà nước. Bởi vì theo pháp luật quy định một người bị xem là có tội chỉ từ khi có bản án có hiệu lực pháp luật. Do đó ngay khi phiên tòa xét xử sơ thẩm lưu động đã tuyên án thì bản thân bị cáo vẫn chưa được xem là có tội, nhưng rõ ràng việc mang một con người ra xét xử lưu động như vậy thì ngòai HĐXX nhân danh Nhà nước thì bị cáo còn phải chịu áp lực từ hàng trăm, hàng ngàn người khác cũng tự do “xét xử” bị cáo và tự tuyên án cho bị cáo mà tôi cho rằng bị cáo không đáng phải bị như vậy.
Mặc khác, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thể dụng bằng nhiều hình thức khác, tại sao lại phải bắt bị can, bị cáo và gia đình bị cáo phải “minh họa”? trong khi những bị can, bị cáo khác thì không và pháp luật không quy định phải như vậy?
LS Nguyễn Thế Tân - Đoàn LS tỉnh Tây Ninh
Tôi đã tham gia nhiều vụ án xét xử lưu động, trong một phiên tòa xét xử tội “cố ý gây thương tích” có một vị Hội thẩm hỏi: “giữa bị cáo và bị hại có mâu thuẩn gì không” bị cáo đáp: “Dạ, không”, vị Hội thẩm tiếp: “Không có mâu thuẫn gì mà chém người ta, phải chi có mâu thuẫn gì thì không nói!(???) lúc này ở dưới người dân nhìn nhau ngơ ngác và cười ồ lên!"
Mục đích nhằm tuyên truyền pháp luật nhưng lại đem bị cáo ra tuyên truyền xem là điển hình cụ thể, vậy có bù đắp được quyền nhân thân của bị cáo không?
ThS-LS Bùi Quốc Tuấn (Trưởng VP LS Quốc Tuấn, Đoàn LS TP.HCM): Không phải oan rồi bồi thường xin lỗi là xong
Tôi vẫn bảo lưu không nên xử án lưu động. Trong tất cả các bộ luật thì chỉ có án hình sự mới xử lưu động nhưng quy định pháp luật thì không thấy.
TAND Tối cao có hướng dẫn các vụ án trọng điểm, nếu chọn án trọng điểm để xử, bản án chưa có hiệu lực nhưng sau đó oan thì làm sao đây? Cụ thể, báo Pháp Luật TP.HCM cũng đã có bài phản ánh một trường hợp ở Đồng Nai bị đưa ra xử lưu động nhưng sau đó VKSND huyện Tân Phú phải xin lỗi.
ThS-LS Bùi Quốc Tuấn - Trưởng VPLS Quốc Tuấn, Đoàn LS TP.HCM
Theo tôi, một người bị đưa ra xử lưu động, họ chịu cả hai án hình sự và dư luận xã hội. Thông thường chi phí cho lưu động là 20 triệu đồng (nguồn của tòa án huyện 12 triệu…) Án bỏ túi có không? HĐXX vào trong nghị án rất nhanh rồi tuyên án.
TAND xét xử công khai. Nhưng công khai trong tòa án chứ không phải lưu động. Chưa ai thống kê ưu và khuyết nhưng chúng tôi nhìn góc độ pháp lý thì không nên xử. Không phải oan rồi bồi thường xin lỗi là xong. Tuyên truyền cũng có nhiều cách chẳng hạn như VTV làm chuyên mục: “Khi tòa tuyên án” rất hay và hiệu quả.
Văn minh như Mỹ cũng có phiên tòa lưu động, hình thức là di chuyển các phiên xử về trường luật. Phiên tòa giả định xuất xứ từ Mỹ dành cho sinh viên, giúp sinh viên có điều kiện tiếp cận, thực nghiệm lâm sàng về phiên tòa. SV đến nghe và thảo luận. Ngoài SV thì dân cũng vào được.
Cần xem xét tiêu chí, tác động tích cực và tiêu cực của xét xử lưu động. Về tiêu chí giáo dục thì tùy đối tượng. SV thì học cách giữ bí mật nghề nghiệp… cấm chụp hình, quay phim… không ai được nhân danh quyền lực công để làm xấu đi hình ảnh của người khác. Chỉ đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật thì mới được lan tỏa, truyền bá, công bố để giáo dục. Khi đó thì mới nói đến tác dụng giáo dục của phiên tòa.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện - Trường ĐH Kinh tế Luật
Mình thừa nhận suy đoán vô tội, hai cấp xét xử mà lại xử lưu động thì lại đi ngược lại với những nguyên tắc. Cho phép lan tỏa những thứ chưa có hiệu lực, chưa biết đúng hay sai tức là chấp nhận cho xã hội quy kết… Do đó cần xem lại cách thức thực hiện. Tôi trăn trở nhiều vì thực sự chưa ổn.
Trên thực tế hầu hết những người từng bị đưa ra xét xử lưu động, họ đều tâm lý rất nặng nề, lo sợ. Gần đây, tôi có tham gia bào chữa cho một bị cáo và vụ án của bị cáo này đưa ra xét xử lưu động. Khi gặp bị cáo, bị cáo hỏi tôi “có phải tôi sắp chết rồi không”, tâm lý lúc nào cũng nghĩ mình tội rất nặng mới bị xử lưu động. Khi phiên tòa xét xử người này không làm chủ mình và trả lời những câu hỏi của tòa rất lan man.
LS Nguyễn Đức Chánh.
Trao đổi lại một số ý kiến nêu trên, TS Phan Anh Tuấn đề nghị cần làm rõ bảo vệ quyền con người là bảo vệ ai? "Cũng giống như trường hợp có nên thi hành tử hình hay không. Phải nên xem xét kỹ cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Nếu vẫn còn giá trị thì tiếp tục. Theo tôi vẫn còn phải duy trì trong một thời gian nữa, án hiếp dâm liên quan đến bị hại thì nên không nên đưa ra xử, còn án ma túy thì nên…"- TS Tuấn bày tỏ quan điểm.
Trong khi đó, LS Nguyễn Thế Tân lại cho rằng phải mạnh dạn bỏ ngay. "Ưu điểm chỉ là lý thuyết, chứ thực tế rất ít. Ở tỉnh Tây Ninh chúng tôi, tòa án nay xử vẫn theo kiểm thẩm vấn là chính, tranh tụng cũng ít. Nắng nóng chỉ mong làm sao xong cho rồi. Dân họ chỉ nghe mức án cuối cùng, còn gì đọng lại rất ít. Truyền hình Việt nam VTV có mục “Khi tòa tuyên án”, người dân họ xem còn hiểu biết pháp luật, chứ họ đến dự tòa lưu động là tò mò để xem cho biết, cũng có những trường hợp họ đến rồi thất vọn..."- LS Tân nói.
Đồng tình với quan điểm trên, LS Nguyễn Minh Luận (Trưởng VPLS Sài Gòn Công lý, Đoàn LS TP.HCM) cũng nhấn mạnh: Giới Luật sư chúng tôi không đồng tình xét xử lưu động. Bản thân người thực thi pháp luật cũng không muốn. Tòa tối cao cần cân nhắc xem lại dư luận, có đề án tiếp tục hoặc dừng lại thì như thế nào? Tôi nghĩ Tòa cần lắng nghe tâm huyết của luật sư vì chúng tôi sát với dân hơn.
Sau hơn hai tiếng tọa đàm sôi nổi, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Văn Chương đã phát biểu tạm gút lại buổi tọa đàm:
Có thể thế giới họ không đưa vụ án ra xét xử lưu động, còn chúng ta vẫn làm nhưng với điều kiện có hiệu quả và được việc. Theo tôi phải cân đong đo đếm mặt tích cực, coi đó là âm hay dương? Và nhất là phải phù hợp với thực tiễn, mục đích nhu cầu phòng, chống tội phạm. Đúng là giờ chưa thể ngã ngũ được. Như LS Tân nói, đây cũng là đề xuất chọn lựa án gì đưa ra xử ngoài trụ sở, án nào xử trong trụ sở, điều kiện cần đảm bảo ra sao...
Thay mặt cho báo Pháp Luật TP.HCM, tôi cảm ơn các chuyên gia đã tâm huyết đóng góp ý kiến, dù ở góc độ nào cũng rất đáng để ghi nhận.