Quan tòa như thế, dân biết tin thế nào!

Thông tin ba quan tòa ở Đắk Nông - một chánh án, một phó chánh án huyện và một thẩm phán - bị kỷ luật vì để cấp dưới lập 57 hồ sơ vụ án dân sự ảo khiến nhiều người ngỡ ngàng. Người ta không hiểu các vị này làm thế để làm gì. Nhưng dù là mục đích nào thì đó vẫn là sự gian dối, khó có thể chấp nhận…

Ba quan tòa được đề cập gồm: Chánh án TAND huyện Tuy Đức Phạm Văn Phiếm (nguyên Chánh án TAND huyện Đắk Song), Phó Chánh án TAND huyện Krông Nô Nguyễn Thị Hải Âu (nguyên cấp phó của ông Phiếm) và thẩm phán TAND huyện Tuy Đức Nguyễn Xuân Triệu (nguyên thẩm phán TAND huyện Đắk Song).

Hành vi sai phạm của ba vị này diễn ra từ năm 2016, lúc cả ba còn làm chung TAND huyện Đắk Song. Có điều lạ là sau khi lập khống 57 hồ sơ, các vụ án dân sự này đều được đình chỉ với cùng một lý do: Nguyên đơn rút đơn khởi kiện.

Người ta không hiểu việc lập khống hồ sơ như vậy để làm gì, có liên quan gì đến bạc tiền, tư lợi hay không. Bởi nếu có tư lợi, những người liên quan này không chỉ dừng lại ở việc bị kỷ luật mà còn có thể bị cơ quan điều tra VKSND Tối cao vào cuộc xem xét.

Những người hiểu chuyện nội bộ ngành tòa án thì thiên về lý giải có thể do áp lực về thi đua, cụ thể là tỉ lệ án đã giải quyết trên tổng số án đã thụ lý trong “năm thi đua” (từ ngày 1-10 năm trước đến ngày 30-9 năm sau).

Nhưng dù không có tiêu cực thì việc làm giả hồ sơ vụ án như thế rõ ràng là hành vi gian dối, không trung thực.

Liêm khiết và trung thực luôn là phẩm chất cần có ở tất cả cán bộ ở mọi ngành nghề. Riêng với quan tòa, đó phải là phẩm chất số một. Theo Điều 67 Luật Tổ chức TAND thì một trong những tiêu chuẩn quan trọng của thẩm phán là: “Có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực”.

Một khi quan tòa không trung thực, cán cân công lý khó mà không bị thiên lệch. Vì vậy, người dân có quyền liên tưởng, suy luận và nghi ngờ về tính vô tư, khách quan của ba vị quan tòa ở Đắk Nông. Bởi lẽ, đến hồ sơ vụ án mà anh còn làm giả, làm khống thì làm sao khi ngồi ghế công đường xét xử, anh sẽ “thiết diện vô tư”?!

Những chuyện của ngành mình, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đơn vị và bản thân mình mà mình không nói, không dám nói thì lấy gì đảm bảo rằng mình sẽ có đủ “bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý”!

Nhưng nói đi vẫn nên nói lại. Xét cho cùng, hành vi gian dối của các vị quan tòa liên quan (đến giờ này tạm khẳng định) không xuất phát từ mục đích tư lợi, tiêu cực. Hay nói cách khác, sự tư lợi nếu có chỉ là vấn đề thi đua của cá nhân (và có thể là của cả tập thể tòa án). Nghĩ xem, giả sử suốt một năm họ làm việc tốt, không vi phạm gì, chỉ vì “vướng” cái chỉ tiêu tỉ lệ số án giải quyết/tổng số án thụ lý không đạt mà họ phải “mất thi đua”. Rõ ràng như thế là quá oan uổng!

Chỉ tiêu thi đua là do cấp trên đặt ra, nhằm để cán bộ trong ngành tòa án phấn đấu đạt được, góp phần nâng cao chất lượng và số lượng công tác xét xử, giảm thiểu án bị tồn. Nó là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ, thẩm phán hoàn thành nhiệm vụ ở các mức độ.

Tuy nhiên, cách tính thi đua như hiện nay (cứ tính cơ học tỉ lệ án đã giải quyết/tổng số án thụ lý/thẩm phán từ ngày 1-10 năm trước đến ngày 30-9 năm sau mà không xem xét nguyên nhân khách quan - chẳng hạn do một số vụ án mới thụ lý, không thể giải quyết kịp…) là điều cần xem lại. Nó có thể là áp lực đè nặng lên mỗi thẩm phán, khiến không hiếm trường hợp cán bộ tòa phải “lách luật” bằng cách dây dưa, chưa thụ lý vụ án trong giai đoạn gần hết kỳ hạn thi đua. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các đương sự trong vụ kiện.

Chuyện bất cập trong cách tính thi đua của ngành tòa án (nếu có) sẽ được lãnh đạo ngành xem xét, điều chỉnh. Nhưng trước hết, khi “gặp chuyện”, những người trong cuộc cần lên tiếng góp ý, kiến nghị đến cấp có thẩm quyền. Bởi những chuyện của ngành mình, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đơn vị và bản thân mình mà mình không nói, không dám nói thì lấy gì đảm bảo rằng mình sẽ có đủ “bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý”!

Đó là chưa nói, khó ai chấp nhận việc quan tòa phải gian dối làm khống đến 57 hồ sơ để đối phó, để “qua mặt” cấp trên!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới