Quảng Bình bứt phá mạnh mẽ từ kinh tế biển

Quảng Bình bứt phá mạnh mẽ từ kinh tế biển

(PLO)- Quảng Bình xác định kinh tế biển là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế, trong đó gỡ thẻ vàng của EC là nhiệm vụ hàng đầu.

Phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo là một trong bốn trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Bình.

Ngư dân là yếu tố cốt lõi để gỡ thẻ vàng

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đang quyết tâm cùng với các cấp, ngành và ngư dân để khắc phục hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), giúp cho nghề cá nói riêng và kinh tế biển nói chung tại Quảng Bình phát triển bền vững.

P23_Quang Binh_h1.jpg
Ông Đoàn Ngọc Lâm (ngoài cùng bên trái), Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, đang kiểm tra công tác về phòng, chống IUU tại Đồn biên phòng Nhật Lệ.

Tỉnh hiện có hơn 6.500 tàu cá, trong đó có 1.135 tàu từ 15 m trở lên hoạt động đánh bắt xa bờ, tất cả tàu này đều đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Những năm gần đây, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân đã mạnh dạn đầu tư hiện đại hóa tàu cá, góp phần nâng cao năng suất và sản lượng khai thác. Sản lượng thủy sản liên tục tăng, năm 2023 ước tính đạt gần 97.700 tấn (tăng bình quân 3,1%/năm).

Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo chống khai thác IUU của tỉnh, sở luôn nỗ lực thực hiện nghiêm việc chống khai thác IUU dựa trên các nội dung mà EC đã khuyến nghị, gồm: hoàn thiện khung pháp lý, quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc và việc thực thi pháp luật.

Quảng Bình bứt phá mạnh mẽ từ kinh tế biển
Lực lượng biên phòng phát tờ rơi, tuyên truyền cho các ngư dân.

Tuy nhiên, để làm được điều này, ngư dân, đặc biệt là các tàu cá đánh bắt xa bờ vẫn là yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công trong chống khai thác IUU. Do đó, ngư dân cần hiểu rõ được tác hại của khai thác IUU, ý thức đầy đủ, nghiêm túc quy định về khai thác thủy sản, không vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là không vi phạm khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

“Tuy nhiên, ngoài đa số ngư dân, chủ tàu xa bờ chấp hành quy định, vẫn còn một số chủ tàu, thuyền trưởng vì lợi ích trước mắt vẫn cố tình vi phạm. Chẳng hạn như một số chủ tàu, thuyền trưởng tắt thiết bị giám sát hành trình để trốn tránh sự giám sát của cơ quan chức năng, vượt ranh giới qua vùng biển nước ngoài, không thực hiện ghi nhật ký khai thác thủy sản trên biển… dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực chống khai thác IUU của tỉnh” - ông Lợi cho biết.

P23_Quang Binh_h3.jpg
Ngư dân tỉnh Quảng Bình quyết tâm “nói không” với khai thác IUU. (Ảnh trong bài: B.THIÊN)

Gỡ thẻ vàng để giá trị hải sản đi lên

Kể từ khi EC thông báo áp dụng biện pháp cảnh cáo thẻ vàng đối với ngành thủy sản của Việt Nam, tỉnh Quảng Bình cùng các địa phương đã không ngừng nỗ lực thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU.

Mục tiêu là không chỉ nhằm tháo gỡ thẻ vàng mà còn để trong tương lai, mỗi ngư dân đều “nói không” với việc khai thác IUU. Qua đó, góp phần bảo vệ uy tín thương hiệu, nâng cao giá trị của thủy sản Việt và phát triển nghề cá theo hướng bền vững, có trách nhiệm.

Ông Đậu Ngọc Văn (ngụ phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn), thuyền trưởng tàu QB 98722 TS, cho biết mỗi lần ra khơi đều được lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) dặn dò, động viên ra khơi đánh bắt an toàn.

“Khi đánh bắt trên biển phải mở máy giám sát, không xâm phạm vùng biển của nước bạn và tuyên truyền cho anh em đội tàu đánh bắt đúng quy định. Mong năm 2023 ngư dân làm ăn được thắng lợi, gỡ được thẻ vàng của EC để đưa giá trị sản phẩm cá, mực đi lên” - ông Văn nói.

Tương tự, ông Hồng Quang Minh (ngụ xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới), chủ tàu cá QB 91236 TS, chia sẻ nhiều năm đánh bắt trên biển, ông và các bạn thuyền luôn chấp hành nghiêm chỉnh quy định.

Ngoài ra, nhờ được tham gia các buổi tuyên truyền tập huấn tại địa phương nên ông hiểu được hệ lụy của việc vi phạm quy định về IUU khi đánh bắt trên biển.

Với việc thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, như tổ chức hội nghị, phát tờ rơi trên tàu cá, tổ chức ký cam kết, phát bản tin, phóng sự tuyên truyền, phát trên loa phát thanh… nên nhận thức chống khai thác IUU của người dân và cán bộ các cấp đã được nâng lên rõ rệt.

Phát triển kinh tế biển hiệu quả, bền vững

Là một tỉnh ven biển nằm ở phía nam khu vực Bắc Trung Bộ, Quảng Bình có đường bờ biển dài trên 116 km, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 20.000 km2.

Tỉnh Quảng Bình có ngư trường khá rộng lớn, trữ lượng hải sản ước tính khoảng 10 vạn tấn, với 1.650 loài hải sản các loại, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, tôm sú, mực nang, mực ống...

Theo ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng: “Phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo” là một trong bốn trụ cột phát triển kinh tế.

Quảng Bình đặt mục tiêu đến năm 2030 các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 15%-20% GRDP của tỉnh, kinh tế của các huyện, thị xã, TP ven biển ước tính đạt 85%-90% GRDP của tỉnh.

Tỉnh còn sở hữu dải cát dài ven biển và nhiều bãi tắm đẹp như Vũng Chùa - Đảo Yến, Đá Nhảy, Nhật Lệ, Hải Ninh, Ngư Thủy... phù hợp cho việc phát triển du lịch biển.

Về phát triển cảng biển, khu neo đậu, dịch vụ hậu cần nghề cá và vận tải biển, Quảng Bình có vịnh Hòn La với diện tích mặt nước khoảng 4 km2, độ sâu trên 15 m, xung quanh được các đảo che chắn.

Với những thuận lợi đó, tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ đưa kinh tế biển cơ bản đạt các tiêu chí về phát triển bền vững. Trong đó, phân công cụ thể cho các sở, ban ngành và địa phương tập trung thực hiện sáu nhóm nội dung với 41 nhiệm vụ.

“Thứ nhất là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về kinh tế biển. Thứ hai là rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch của các ngành kinh tế biển phù hợp với điều kiện và tiềm năng của địa phương. Thứ ba là tăng cường liên kết vùng với các tỉnh cùng điều kiện, lợi thế tương đồng nhằm nâng cao giá trị, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Thứ tư là đầu tư nghiên cứu khoa học, khai thác công nghệ số, đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế biển. Thứ năm là bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển. Thứ sáu là huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển kinh tế biển bền vững” - phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chia sẻ.

Đối với các trường hợp vi phạm về khai thác IUU, lực lượng biên phòng và Chi cục Thủy sản cùng các địa phương sẽ kiểm tra, xử lý nhằm chấm dứt tình trạng này.

“Để chấm dứt tình trạng ngư dân khai thác IUU, cùng với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân, lực lượng BĐBP thường xuyên trao đổi, thông báo với các lực lượng Cảnh sát biển, Hải quân về tình hình tàu cá xuất bến để phối hợp quản lý, kiểm soát, theo dõi những trường hợp có dấu hiệu vi phạm IUU để xử lý nghiêm.

Các lực lượng còn xác lập các chuyên án đấu tranh triệt phá các đường dây đối tượng có hoạt động môi giới, tổ chức cho tàu cá, ngư dân khai thác hải sản trái phép trên các vùng biển nước ngoài” - Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình, cho biết.

................................................

Nhiều mô hình phát triển kinh tế biển hiệu quả

Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân, góp phần phát triển thủy sản hiệu quả, bền vững, chống khai thác IUU.

Trong đó, thực hiện Quyết định 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 1.084 tàu cá đủ điều kiện tham gia khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, với kinh phí hỗ trợ trung bình hằng năm khoảng 300 tỉ đồng.

Đây là động lực rất quan trọng để phát triển khai thác hải sản bền vững, giúp ngư dân mở rộng ngư trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo nguồn lực lớn để ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá công suất lớn, trang thiết bị hiện đại nhằm xây dựng đội tàu chất lượng và thuyền viên có kinh nghiệm trong đánh bắt tại vùng biển xa.

Thực hiện Nghị định 67/2014, UBND tỉnh đã phê duyệt và triển khai hoàn thành 91 tàu cá (88 tàu cá đóng mới và 3 tàu nâng cấp), gồm: 59 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ composite, 31 tàu vỏ thép; tổng mức đầu tư đóng tàu trên 1.200 tỉ đồng, ngân hàng cho vay gần 1.000 tỉ đồng.

Ngư dân Quảng Bình chuyển hải sản lên bờ sau chuyến đánh bắt. Ảnh: B.THIÊN

Ngư dân Quảng Bình chuyển hải sản lên bờ sau chuyến đánh bắt. Ảnh: B.THIÊN

Quá trình thực hiện đã góp phần hiện đại hóa đội tàu cá xa bờ của tỉnh, nhiều tàu cá vỏ thép đã được đóng mới, các tàu cá được trang bị máy móc hiện đại để hoạt động xa bờ, dài ngày trên biển.

Đối với chính sách nông nghiệp, kinh tế nông thôn và thủy sản, tỉnh hỗ trợ thực hiện mô hình thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản với kinh phí 1.250 triệu đồng, góp phần thả tái tạo giống thủy sản với số lượng 338 vạn tôm sú và 29,2 vạn cá nước ngọt các loại vào các thủy vực trên địa bàn.

Quảng Bình cũng đã xây dựng mô hình đồng quản lý trong nuôi trồng thủy sản bền vững với kinh phí 600 triệu đồng, góp phần xây dựng được sáu tổ đồng quản lý tại các vùng nuôi tập trung tại các huyện Quảng Trạch, Quảng Ninh, Bố Trạch và Ba Đồn; hỗ trợ nâng cao năng lực đồng quản lý khai thác thủy sản với kinh phí 150 triệu đồng cho hai tổ đồng quản lý tại huyện Lệ Thủy.

Về nuôi trồng thủy sản, tỉnh hỗ trợ mô hình nuôi ốc hương bằng lưới vây trên biển tại vùng biển ven bờ với kinh phí 900 triệu đồng cho 5 hộ dân/5 vây lưới với thể tích 9.000 m2, sản lượng thu hoạch 16 tấn ốc hương; hỗ trợ mô hình nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE với kinh phí 800 triệu đồng cho 2 hộ dân/2 lồng với thể tích 1.000 m3, sản lượng thu hoạch 10,2 tấn cá bớp.

Đồng thời, tỉnh hỗ trợ nuôi trồng thủy sản trên biển bằng lồng nhựa HDPE với kinh phí 400 triệu đồng cho 2 hộ dân/6 lồng với thể tích 480 m3, sản lượng thu hoạch ước tính đạt 5 tấn cá bớp; hỗ trợ quan trắc cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản với kinh phí 250 triệu đồng, mô hình đã phân tích 26 mẫu nước cấp định kỳ, 2 mẫu nước cấp quan trắc, cảnh báo môi trường đột xuất cho vùng nuôi tập trung xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch.

Đối với ngư dân, tỉnh hỗ trợ đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng III 150 triệu đồng, mô hình đã hỗ trợ cho 317 học viên là ngư dân trên địa bàn tỉnh.

“Việc thực hiện các mô hình từ nguồn chính sách đã góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản đang bị suy giảm tại các thủy vực; đa dạng hóa nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, cung cấp kết quả quan trắc môi trường tại vùng nuôi thủy sản tập trung để người dân chủ động trong sản xuất; hình thành, nâng cao năng lực hoạt động của các mô hình đồng quản lý và đáp ứng điều kiện để ngư dân được cấp giấy phép khai thác thủy sản, các quy định của Nhà nước về quản lý tàu cá, hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn...” - ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, nói.•

Đọc thêm