Chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển"

Ngư dân Quảng Bình chung tay gỡ 'thẻ vàng' IUU

(PLO)- Nhiều người dân mong sớm tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản để giá trị hải sản có nguồn ra ổn định, cuộc sống ngư dân được nâng cao.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quảng Bình là địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế với ngư trường rộng lớn, đa dạng các loài hải sản có giá trị cao.

Những chuyến đi biển nhiều lo âu

Giữa tháng 10, tại thôn Hà Dương, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tàu thuyền đậu sát dòng sông Nhật Lệ thành những hàng dài. Họ không thể ra khơi do những ngày này áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng, gây mưa to, gió lớn trên dải đất miền Trung.

Ngư dân Quảng Bình chung tay gỡ 'thẻ vàng' IUU
Ngư dân Quảng Bình vui mừng với những chuyến biển thu hoạch nhiều hải sản. Ảnh: B.THIÊN

Tại một làng nổi tiếng với nghề rập ghẹ, dù loài hải sản này có giá trị kinh tế cao, chúng tôi nhận được những cái lắc đầu ngao ngán của những lão ngư sừng sỏi ở vùng đất này.

Ông Hồng Giống (72 tuổi, ngụ thôn Hà Dương, đã có thâm niên gần 40 năm với nghề biển) cho biết nghề rập ghẹ vào mùa hè cho sản lượng đánh bắt tốt, trong khi mùa đông thì gần như người dân phải gác chài treo lưới vì biển động.

“Khoảng hai tháng gần đây, thuyền gia đình tôi phải nằm bờ vì việc đánh bắt rập ghẹ không có. So với trước đây thì sản lượng những năm qua có giảm, trong khi chi phí cho mỗi chuyến đi lại tăng cao” - ông Giống nói.

Mỗi chuyến vươn khơi, gia đình ông Giống chi phí khoảng 75-100 triệu đồng tùy vào thời gian bám trụ trên biển. Trong đó, chi phí tiền dầu đã lên đến gần 70 triệu đồng, bình quân cho 3 tấn dầu/chuyến.

Ngư dân mong muốn giá hải sản đánh bắt có giá trị hơn để nghề đi biển sinh lợi nhiều hơn.

Trong khi đó, ông Phạm Hải (51 tuổi), chủ tàu cá mang số hiệu QB 991254 TS, cho rằng việc giá cả các loài hải sản lên xuống thất thường khiến cho những chuyến biển gặp khó khăn. Nhiều người dân chưa kịp vui mừng vì đạt năng suất cao thì lại thất vọng vì giá cả giảm thê thảm.

Hình_phụ_1-P5_Chính_nguyendo_baothien_minhanh_3h.JPG
Quảng Bình có hơn 6.500 tàu cá. Ảnh: B.THIÊN

“Nhiều thời điểm ghẹ loại 1 đạt giá 200.000-300.000 đồng/kg nhưng những lúc người dân đi nhiều thì giá cả rớt thê thảm, chưa được 100.000 đồng/kg” - ông Hải nói.

Chung tay gỡ “thẻ vàng” để hải sản có giá trị

Như nhiều ngư dân khác, ông Nguyễn Quang Thoại (57 tuổi, ngụ xã Bảo Ninh) cho biết mong muốn lớn nhất của ngư dân là giá cả các mặt hàng ngư dân đánh bắt có giá trị hơn để nghề đi biển sinh lợi nhiều hơn.

“Tôi ở biển nên rất yêu biển nhưng nhiều năm nay cũng đỏ mắt tìm bạn thuyền vì thu nhập khó khăn, nhiều thanh niên trai tráng chọn nghề khác hoặc đi lao động nước ngoài với thu nhập tốt hơn” - ông Thoại nói.

Ông Thoại nghĩ rằng nếu giá cả thị trường tốt lên, người dân bám biển cũng sẽ có thu nhập ổn định không khác gì ngành nghề khác.

Để làm được điều đó thì việc tháo gỡ “thẻ vàng” IUU (hoạt động đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không theo quy định) của Ủy ban châu Âu (EC) đối với hải sản Việt Nam là rất quan trọng, giúp hải sản được đánh bắt từ đôi tay của những ngư dân Quảng Bình hay những tỉnh, thành khác được đến thị trường EU.

Hình_phụ_2-P5_Chính_nguyendo_baothien_minhanh_3h.JPG
Ngư dân Hồng Giống kể về những khó khăn mà mình đang gặp phải. Ảnh: B.THIÊN

Ông Nguyễn Ngọc Linh (ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch) cũng cho rằng mình cùng với những bạn thuyền ở đây thời gian qua chấp hành nghiêm các quy định với mong muốn sớm tháo gỡ “thẻ vàng” này.

“Khi tàu ra biển luôn bật các thiết bị giám sát hành trình, đặc biệt khi tàu đi trên biển cả do say sưa đuổi theo con cá nên chạy đến gần vùng biển nước bạn thì được các cán bộ tại đất liền điện đàm nhắc nhở và yêu cầu quay trở lại giúp mình không vi phạm lãnh hải nước bạn” - ông Linh nói.

Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, cho biết ngư dân (đặc biệt là các tàu cá đánh bắt xa bờ) có vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành công trong chống khai thác IUU.

“Ngư dân chính là người hưởng lợi trong việc gỡ “thẻ vàng” của EC, khi hàng hóa được xuất bán sang EU thuận lợi, giá cả tăng lên, ngư dân sản xuất có lợi nhuận, giúp phát triển kinh tế, ổn định đời sống” - ông Lợi nói.

Chống khai thác IUU là nhiệm vụ cấp bách

Quảng Bình xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm không chỉ trong việc gỡ “thẻ vàng” của EC mà còn góp phần phát triển ngành thủy sản bền vững, hội nhập. Từ đó đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, giám sát tàu thuyền trên biển và nhập cảng để bốc dỡ hàng hóa.

Tỉnh đã tổ chức 83 hội nghị với 6.352 lượt người tham dự, 6.321 lượt chủ tàu/thuyền trưởng tàu cá ký cam kết không vi phạm khai thác IUU; phát hơn 15.384 tờ rơi, tờ dán trên tàu cá; thực hiện 43 tin, bài, phóng sự; phát tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh, lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp khu dân cư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm