Quảng Bình tìm giải pháp thoát lũ cho vùng Lệ Thuỷ và Quảng Ninh

(PLO) - Việc đưa ra giải pháp thoát lũ cho hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình sẽ giúp người dân địa phương chung sống an toàn, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-9, UBND tỉnh Quảng Bình đã có buổi làm việc với các chuyên gia về vấn đề "Đánh giá nguyên nhân gây ngập lụt kéo dài do lũ và định hướng giải pháp thoát lũ cho vùng Lệ Thủy, Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình".

Theo ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, nhiều năm qua 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh xảy ra lũ lụt thường xuyên, đặc biệt là trận lũ lụt lịch sử tháng 10-2020 đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng.

Do đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ tìm giải pháp để thoát lũ hiệu quả, giúp người dân địa phương chung sống an toàn, bền vững. Sau đó, Bộ đã giao cho trường Đại học Thủy Lợi thực hiện đề tài nghiên cứu.

Trận lũ tháng 10-2020 tại xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh. Ảnh: BT

Trận lũ tháng 10-2020 tại xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh. Ảnh: BT

Theo đại diện nhóm nghiên cứu của trường Đại học Thủy Lợi, nguyên nhân gây ngập lụt kéo dài ở vùng Lệ Thủy và Quảng Ninh là do mưa lớn bất thường và đặc điểm địa hình. Cửa sông Nhật Lệ bị bồi lấp, lũ chồng lũ và đỉnh lũ trùng với đỉnh triều cường, các công trình hạ tầng hai bên bờ sông cản trở dòng chảy. Nhóm nghiên cứu đề xuất 2 nhóm giải pháp.

Thứ nhất là nhóm giải pháp tăng khả năng thoát lũ với các phương án được đề xuất như: Nạo vét, nâng cao khả năng thoát lũ cửa Nhật Lệ; cải tạo hành lang thoát lũ; mở cửa thoát lũ mới ra biển...

Thứ hai là nhóm giải pháp phòng ngập lụt, chống lũ với các phương án: Nâng cấp đập Mỹ Trung kết hợp với mở rộng khẩu độ của cống để tăng khả năng thoát lũ…; nâng cấp tuyến đê sông để kết nối với đập Mỹ Trung.

Đề tài nghiên cứu thiên về ưu tiên thực hiện nhóm giải pháp thứ nhất - tăng khả năng thoát lũ.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao công trình nghiên cứu công phu, được thực hiện trong thời gian khá gấp rút của nhóm chuyên gia. Các đại biểu ý kiến bổ sung thêm các dữ liệu có liên quan để chứng minh tính khả thi của đề tài, thoát lũ ở mức độ nào; đánh giá tác động môi trường khi thực hiện các phương án cụ thể...

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Đoàn Ngọc Lâm đánh giá đề tài nghiên cứu đã góp phần giúp cho các cấp, ngành chức năng của tỉnh Quảng Bình có cái nhìn tổng quát hơn đối với nguyên nhân gây ngập lụt kéo dài do lũ và định hướng một số giải pháp để thoát lũ hiệu quả cho vùng Lệ Thủy, Quảng Ninh.

“Để giải quyết vấn đề này cần phải có một giải pháp tổng hợp, đồng bộ, với những bước thực hiện phù hợp, có tính khả thi cao, mang tính bền vững, thân thiện với môi trường và bảo đảm cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương” - ông Lâm nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm