Đã đến lúc VFF cần phải lên tiếng nhưng không phải là lên tiếng để Quang Hải được trở về thi đấu AFF Cup.
Giải đấu số 1 nhưng không có những cầu thủ số 1
Bóng đá Thái Lan còn thiệt thòi hơn khi họ rất muốn bảo vệ cúp vàng AFF vào cuối năm nhưng có thể sẽ vắng cả ba gương mặt đang đá thuê tại Nhật Bản, trong đó có cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á Chanathip.
Hai nền bóng đá lớn ở Đông Nam Á có thể vắng những cầu thủ giỏi của mình tại giải đấu số 1 Đông Nam Á rõ ràng là một bất hợp lý. Nó càng khiến giải đấu lớn nhất Đông Nam Á giảm giá trị và lỗi chính nằm ở những nhà điều hành bóng đá Đông Nam Á, chứ không ở các cầu thủ hay những quốc gia thiếu cầu thủ giỏi cho sân chơi lớn đấy.
|
Cả Quang Hải lẫn Chanathip đều vắng mặt ở AFF Cup. Ảnh: ND |
AFF Cup ra đời từ năm 1996, tức đã tồn tại suốt 26 năm nhưng vẫn không thuộc giải đấu được AFC và FIFA công nhận. Xét cho cùng thì giải đấu đấy chỉ là các nước Đông Nam Á lập ra đá cho vui và không nằm trong hệ thống thi đấu chung của châu Á, FIFA. AFF Cup cũng không được tổ chức trong những ngày FIFA, không được tính điểm trong hệ thống xếp hạng của FIFA nên các CLB nước ngoài không có nghĩa vụ phải trả cầu thủ của mình về làm nghĩa vụ quốc gia. Đó là lý do vì sao mà Quang Hải khó trở về đá AFF Cup trong giai đoạn Ligue 2 của Pháp đang “dầu sôi lửa bỏng”. Còn với các tuyển thủ Thái Lan đá thuê ở Nhật thì J-League cũng đang rất nóng trong việc tranh chấp thứ hạng.
Cả VFF và FAT cần phải lên tiếng với AFF và AFC
Đã đến lúc tiếng nói của VFF và FAT (LĐBĐ Thái Lan) cần phải được lên tiếng trong những cuộc họp với AFF và cả AFC về giải đấu được xem là số 1 Đông Nam Á hiện nay. Lên tiếng để ít ra giải đấu đấy cũng được quan tâm, đề bạt và được công nhận trong hệ thống thi đấu chung thì đương nhiên lúc đấy những cầu thủ đá thuê dù ở tận trời Âu hay Nhật Bản cũng phải được CLB trả về để khoác áo đội tuyển.
Tại AFF Cup 2021, vì quá khát khao đòi lại chức vô địch mà LĐBĐ Thái Lan đã dùng đủ cách để thuyết phục các CLB Nhật Bản cho phép cầu thủ Thái đang đá thuê được trở về và may mắn cho bóng đá Thái Lan là các CLB Nhật Bản đồng ý. Việc này nằm ở mối quan hệ, ở khả năng thuyết phục chứ không phải đương nhiên được về thi đấu.
Đó là lý do vừa qua chính Chanathip đã lên tiếng anh sẽ không trở về cho dù LĐBĐ Thái Lan có xin phép được, bởi quá mệt mỏi khi cả năm cứ căng mình thi đấu liên tục.
Với Quang Hải tại AFF Cup 2022 vào cuối năm cũng thế. Chắc chắn một CLB như Pau FC sẽ không dễ dàng để một cầu thủ mà mình trả lương trở về đá giải ở Đông Nam Á không nằm trong ngày FIFA và CLB thì không bị bắt phải nhả quân. Đó là chưa kể nếu đá giải mà chấn thương thì chính Pau FC sẽ phải lo liệu ảnh hưởng đến kế hoạch cả mùa giải của họ.
Đã đến lúc những tiếng nói quan trọng ở AFF mà đại diện VFF (và cả đại diện của FAT) cần phải lên tiếng đến AFF và AFC để đưa AFF Cup trở thành giải đấu số 1 Đông Nam Á và được AFC, FIFA công nhận. Bởi có như thế thì giải đấu đấy mới có tầm và chính các cầu thủ thi đấu cho giải đấu đấy mới được đánh giá tốt, đồng thời các quốc gia không phải hồi hộp với giải đấu lớn của khu vực mà đội tuyển không có cầu thủ giỏi.•
SEA Games 30 và chuyện Đoàn Văn Hậu được năn nỉ về
khoác áo quốc gia
SEA Games 30 năm 2019 tại Philippines khi Đoàn Văn Hậu còn đang thi đấu ở giải vô địch Hà Lan trong màu áo SC Heerenveen, theo luật thì lẽ ra CLB này sẽ không trả Văn Hậu về. Tuy nhiên, nhờ mối quan hệ với CLB Hà Nội và đặc biệt là Văn Hậu thuộc dạng cho mượn, đồng thời cũng không phải là cầu thủ quan trọng của SC Heerenveen nên lần cho về đấy là chuyện “tình cảm” của CLB Hà Lan với Đoàn Văn Hậu và bóng đá Việt Nam.
Nghĩ gì khi các giải ở Đông Nam Á với ta thì lớn nhưng với mặt bằng bóng đá chung thì lại chưa được vào danh sách?