Quảng Nam: Dân “tố” thủy điện với Chủ tịch nước

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hôm 15-12 đã đi kiểm tra thủy điện Sông Tranh 2, thăm đời sống người dân tái định cư của thủy điện này và vùng rốn lũ huyện Đại Lộc.

Thủy điện Sông Tranh 2 đã được phép tích nước

Báo cáo với Chủ tịch nước, ông Vũ Đức Toàn, Giám đốc thủy điện Sông Tranh 2, cho biết sau khi xảy ra hiện tượng thấm nước, động đất kích thích gây lo ngại cho người dân, công ty đã thuê tư vấn nước ngoài kiểm tra và xử lý sự cố. “Tư vấn Nhật Bản khẳng định sự cố thấm nước đều nằm trong ngưỡng an toàn nên thủy điện Sông Tranh 2 có thể tích nước ở ngưỡng trên 172 m. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho phép thủy điện Sông Tranh 2 được tích nước ở mức 166 m” - ông Toàn nói.

Thủy điện cam kết với địa phương sẽ đảm bảo cuộc sống cho người dân vùng hạ du và tại các khu tái định cư. Tính đến hết mùa mưa, thủy điện Sông Tranh 2 đã tham gia cắt lũ được khoảng 117 triệu m3. Tới đây, thủy điện Sông Tranh 2 sẽ hoàn toàn tuân theo quy trình xả lũ, dựa vào lượng mưa, an toàn hạ du là ưu tiên số một chứ không phải việc phát điện.

Quảng Nam: Dân “tố” thủy điện với Chủ tịch nước ảnh 1

Người dân và lãnh đạo huyện Đại Lộc “tố” với Chủ tịch nước chuyện các thủy điện đồng loạt xả lũ. Ảnh: LÊ PHI

Tính toán về lâu dài cho dân

Một vấn đề khiến Chủ tịch nước hết sức lo lắng là người dân sống hai bên sông sẽ như thế nào khi thủy điện xả lũ. Đại diện thủy điện Sông Tranh 2 nói: “Thủy điện sẽ thông báo việc xả lũ để bà con sơ tán”. Chủ tịch nước phản bác: “Thế là không được, cuộc đời người dân sống hàng trăm năm ở đây. Do đó, thủy điện phải tính toán lâu dài, phải có phương án tái định cư cho người dân sống ổn định”.

Về quan điểm người dân trong khu vực thủy điện phải chấp nhận sống chung với lũ của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch nước khẳng định: “Sống chung với lũ phải nói đến đồng bằng sông Cửu Long. Còn sống chung với lũ như các huyện hạ du bị thiệt hại vừa qua là không được. Mỗi năm đều tới mùa mưa, phải có biện pháp để người dân không bị thiệt hại tài sản”.

Sau khi lắng nghe những khó khăn của người dân vùng tái định cư, Chủ tịch nước chỉ đạo: “Cần sớm xem xét chuyển đổi những khu rừng sản xuất để giao đất cho người dân. Việc người dân không ở nhà tái định cư mà làm nhà sàn, địa phương cần sớm sửa chữa, khắc phục cho phù hợp. Đặc biệt, phải đầu tư hỗ trợ người dân tư liệu sản xuất. Cho người dân tăng gia sản xuất bằng việc nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện”.

Rốn lũ: Dân “tố” thủy điện

Chiều cùng ngày, hàng ngàn người dân xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc) đã ùa ra đường khi hay tin Chủ tịch nước về thăm vùng rốn lũ. Đã hơn một tháng trôi qua nhưng xã này vẫn ngổn ngang sau lũ, làng mạc bị chôn vùi trong cát.

Người dân bức xúc phản ánh những hậu quả nặng nề do lũ gây ra, đặc biệt là “lũ thủy điện”. Lãnh đạo huyện Đại Lộc và xã Đại Hưng cũng thể hiện sự bức xúc cao độ. “Vào mùa mưa nước trên sông đã lớn, các thủy điện lại đồng loạt xả lũ 7.000-8.000 m3/giây như vừa rồi thì không thể chịu thấu” - ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, nói.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các bộ, ngành liên quan nhanh chóng tìm cách giảm thiệt hại cho người dân, đặc biệt phải lưu ý tính toán lại quy trình xả lũ. Chủ tịch nước cho rằng hậu quả do lũ lụt gây ra vừa qua cho người dân xã Đại Hưng là quá lớn. “Đề nghị chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam làm báo cáo theo suy nghĩ của địa phương về vấn đề thủy điện rồi gửi gấp cho tôi. Về tới Hà Nội tôi sẽ cùng Chính phủ làm việc về vấn đề này” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Tỉnh Quảng Nam cũng được yêu cầu phải có phương án di dời ngay 83 hộ dân với 300 nhân khẩu đến khu tái định cư mới. “Tỉnh phải khảo sát và làm nhanh để người dân ổn định cuộc sống. Nếu việc này quá tầm của tỉnh thì phải chủ động đề xuất, có báo cáo đầy đủ gửi trung ương” - Chủ tịch nước nói. Cùng ngày, Chủ tịch nước đã trao tặng tỉnh Quảng Nam 170 con bò và hàng trăm phần quà, góp phần giúp người dân vượt qua khó khăn.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm