Khảo sát với của phóng viên cho thấy, nếu giá một bó rau muống 100 cọng ở Hà Nội được bán với giá 4.000 đồng, thì giá 1m2 đất ở Quảng Nam được tỉnh này cho công ty Innov Green cho thuê mỗi năm với giá 2,75 đồng/ m2 (tại xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, thời hạn 50 năm), tính ra không đủ mua... 1 cọng rau muống!
Từ rừng dự án không hiệu quả
Trong cái nắng nóng như đổ lửa, chúng tôi đi qua những cung rừng của các huyện miền Núi Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức…Đi đến đâu cũng được người dân than ngắn thở dài chuyện thiếu đất sản xuất.
Hỏi ra mới biết, đất đồi núi trọc mênh mông nhưng đụng đến đâu cũng là đất rừng dự án. Nếu lỡ phát đốt để lấy đất sản xuất là cái án phá rừng treo lơ lửng trên đầu.
Một góc của khu rừng dự án 661 không hiệu quả tại huyện Hiệp Đức được người dân liều mạng phát đốt để trồng rừng mới.
Lão nông Mạc Văn Tơ (xã Ba, huyện Đông Giang, Quảng Nam) kể lại rằng, gia đình ông cũng như hàng nghìn hộ dân sinh sống bao đời nay ở vùng rừng núi này. Đất đai canh tác là thứ vô cùng quí giá. Thế nhưng, kể từ khi đất rừng được nhà nước quản lý và triển khai các dự án trồng rừng, người dân như ông bỗng dưng thiếu đất canh tác.
Nếu vào rừng chặt phá để làm rẫy là vi phạm pháp luật, người dân không dám. Nhưng cuộc mưu sinh cơm áo, những người dân như ông Tơ đã phải liều mình tìm những khoảnh rừng mà như lời ông bảo chỉ là dây leo và cây dại để khai phá lấy đất trồng khoai sắn kiếm cái ăn.
Trên khoảnh rừng rộng hơn 2.000 m2 nằm cạnh vườn nhà, ông Tơ bảo đây là đất rừng dự án. Nhưng do không có đất sản xuất nên phải đánh liều phát đốt để lấy đất.
Không đất sản xuất, người dân chặt phá rừng nguyên sinh để sản xuất (?)
Tại các huyện Hiệp Đức, Quế Sơn, Tiên Phước, Nam Giang, Đông Giang… hiện ra trước mắt là cảnh người dân thiếu đất sản xuất. Nên cái đói, cái nghèo vẫn còn vây quanh số phận của người nông dân nơi miền đất này.
Hàng trăm nghìn ha đất rừng dự án tại các huyện miền núi của tỉnh được người dân sở tại cho rằng là không hiệu quả, gây lãng phí quỹ đất. Nhiều địa phương đã có tờ trình gửi tỉnh xin xử lý những diện tích rừng dự án không hiệu quả kia. Nhưng đến nay đã nhiều năm trôi qua, vẫn chưa thấy một văn bản nào trả lời?
Đến chuyện “hào phóng” cho không đất rừng
Chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình đi tìm hiểu thực chất của dự án được những người có trách nhiệm ở tỉnh Quảng Nam khẳng định là chủ trương trồng rừng công nghệ cao của Công ty đầu tư nước ngoài Innov Green (Cty TNHH MTV Innovgreen Quảng Nam) là chiến lược lâu dài để phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía tây Quảng Nam.
Một góc rừng trồng bạch đàn của dự án nước ngoài nằm giữa rừng già ở xã Lăng, huyện Tây Giang.
Câu chuyện của dự án trồng rừng công nghệ cao ở Quảng Nam bắt đầu từ chuyến viếng thăm làm việc của lãnh đạo Cty TNHH Innov Green vào ngày 21-3-2007 về việc triển khai dự án đầu tư trồng rừng và chế biến nguyên liệu công nghiệp kinh tế cao tại Quảng Nam.
Đã có một thời gian dài, lãnh đạo Quảng Nam luôn dùng từ trải thảm đỏ để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài đến Quảng Nam với nhiều cơ chế ưu đãi được cho là thông thoáng nhất nước.
Khi Cty TNHH Innov Green tìm đến, không phải đầu tư vào vùng đồng bằng hay vùng ven biển như nhiều nhà đầu tư khác đến Quảng Nam mà họ chọn khu vực miền núi còn nhiều khó khăn. Thế là lãnh đạo tỉnh Quảng Nam gật đầu bởi có lẽ họ luôn kỳ vọng vào dự án đầu tư trồng rừng của nước ngoài này với số vốn lên đến 40 triệu USD sẽ nhanh chóng trong thời gian ngắn phủ xanh diện tích đất trống đồi núi còn trọc.
Cty TNHH MTV Innov Green Quảng Nam được nhanh chóng triển khai dự án trồng rừng công nghệ cao tại địa bàn 8 huyện miền núi Quảng Nam với diện tích được UBND tỉnh cấp lên đến 30.000 ha, trong thời hạn 50 năm.
Theo Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Nam, việc cấp đất cho dự án đầu tư nước ngoài trồng rừng tại địa bàn các huyện miền núi Quảng Nam là hoàn toàn đúng pháp luật.
Tuy nhiên, giá thuê đất gần như được "cho không"!
Ngày 10/7/2008, UBND tỉnh Quảng Nam cấp Giấy chứng nhận đầu tư (số 331043000016) Cho Cty TNHH Innov Green về việc đăng ký thành lập Cty TNHH một thành viên Innov Green Quảng Nam để thực hiện dự án Trồng rừng nguyên liệu tại 9 huyện: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Quế Sơn, Hiệp Đức, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước. Diện tích đất dự kiến sử dụng: 30.000 ha (trong đó 20.000 ha thuê đất để công ty tự trồng và 10.000 ha hợp tác với người người dân để trồng). Tổng vốn đầu tư là 40 triệu USD (tương đương 640 tỷ đồng Việt Nam). Thời gian thực hiện dự án là 50 năm. Tại huyện Quế Sơn, công ty này được miễn tiền thuê đất trong 7 năm kể từ khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động. Tại 8 huyện còn lại, công ty này được miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời gian thực hiện dự án. |
Toàn bộ diện tích đất rừng được thoả thuận cấp đất cho Cty TNHH MTV Innov Green Quảng Nam tại 8 huyện vùng núi, biên giới, chỉ trừ diện tích đất tại huyện Quế Sơn sẽ được tỉnh miễn tiền thuê đất trong 7 năm kể từ ngày xây dựng hoàn thành đưa dự án vào hoạt động.
Giá cho thuê đất cũng cực kỳ thấp, gần như "cho không" nhà đầu tư. Theo hợp đồng cho thuê đất giữa nhà đầu tư với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này, giá thuê đất là 2,75 đồng/m2 đất, rẻ gấp nhiều chục lần một điếu thuốc lá bán lẻ!
Diện tích lớn đất còn lại tại địa bàn 7 huyện miền núi cao, biên giới được miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời gian 50 năm của dự án triển khai. Như vậy, có thể nói, toàn bộ diện tích đất tại 7 huyện miền núi với hàng chục nghìn ha gần như "cho không" nhà đầu tư nước ngoài để trồng rừng!
Sự “hào phóng” của những người có trách nhiệm ở Quảng Nam trong việc nhanh chóng cấp đất cho dự án trồng rừng nước ngoài tại Quảng Nam đã khiến cho dư luận đặt nhiều câu hỏi. Vì quĩ đất tại vùng rừng núi Quảng Nam nếu không nói là khiêm tốn thì cũng chẵn dư giả gì để đem cho không như vậy. Còn người dân thì thiếu đất canh tác.
Chúng tôi tìm về vùng rừng núi Tây Giang, một huyện vùng biên giới giáp với nước bạn Lào. Nơi đây được Cty TNHH một thành viên Innov Green Quảng Nam và tỉnh Quảng Nam ưu tiên triển khai thí điểm dự án.
Hơn 1 năm sau ngày ký kết các văn bản thoả thuận "cấp không" 30.000 ha đất cho công ty nước ngoài triển khai trồng rừng. Hai địa bàn miền núi cao được ưu tiên cho triển khai trước là Nam Trà My và Tây Giang. Nhưng do khu vực cấp đất cho dự án trùng lắp với khu vực qui hoạch vùng an toàn khu, nên dự án buộc phải rút khỏi Nam Trà My.
Chỉ sau gần 2 năm, đến cuối 2009 và đầu năm 2010, UBND tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành thủ tục cấp hơn 1.002 ha đất tại địa bàn 4 huyện của Tây Giang để cho Cty triển khai trồng rừng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang BhLing Mia nói rằng bản thân ông cũng như lãnh đạo của huyện nhận được chủ trương chỉ đạo của tỉnh là triển khai dự án trồng rừng công nghệ cao thế là chấp hành ý kiến chỉ đạo của trên mà triển khai.
Ông Mia bảo rằng ông cũng như lãnh đạo của huyện kỳ vọng khi dự án triển khai thí điểm sẽ tạo chuyển biến tư duy trong phát triển kinh tế của bà con nhân dân tại địa phương.
Trong khi đó, phong tục của bà con Cơ Tu là luân canh trên diện tích đất nương rẫy của mình. Ngay tại xã Lăng, nơi được công ty này triển khai trồng 40/277 ha cây bạch đàn trong mùa trồng rừng 2009.
Chuyện trồng rừng tại xã Lăng, lãnh đạo CTTNHH MTV Innov Green Quảng Nam khẳng định là thuận lợi do sự hợp tác nhiệt tình của lãnh đạo địa phương từ tỉnh đến thôn, xã. Nhưng khi hỏi sự hợp tác của người dân trong chương trình trồng rừng này, thì là một sự thật khác.
Ông A Lăng Nhin, một nông dân ở xã Lăng thật thà bảo: "Bà con mình ở đây chỉ nghe cán bộ thôn, xã bảo là lấy đất rừng do nhà nước quản lý để trồng rừng dự án. Bà con mình sẽ được tiền đi làm thuê. Nhưng bao đời nay, bà con mình ở đây chỉ biết tự làm ra cái ăn, chứ có biết đi làm thuê cho ai đâu".
"Sướng nhất là tự nhiên, đất rẫy mình phát đốt mấy năm trước không làm nữa được thu hồi, công ty trả tiền 1 triệu ha. Nhưng nghồi nghĩ lại lo lắm. Không biết mai mốt lấy đất đâu để cho con cháu làm nương rẫy" ông Nhin nói.
Điều lo nghĩ của ông Nhin cũng như hàng trăm lão nông Cơ Tu ở vùng rừng núi xã Lăng này không phải là lo xa. Bởi, diện tích đất lâm nghiệp của xã chỉ có 20.673 ha. Trong đó đất rừng phòng hộ chiếm 13.798 ha, còn lại đất sản xuất chỉ khiêm tốn 6.874 ha.
Ông Phạm A (Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Tây Giang) khẳng định: Toàn bộ diện tích cấp cho công ty trồng rừng là đất do nhà nước quản lý. Không hề đụng đến đất canh tác của nhân dân trong khu vực.
Đúng như ông A nói, diện tích đất cấp cho dự án trồng rừng là đất chưa được cấp cho dân. Nhưng trong diện tích đất cấp cho dự án của Innov Green tại xã Lăng qua kiểm tra của cơ quan chức năng xác định đã có 18,73 ha tại tiểu khu 114 là rừng dự án 661.
Cho thuê đất trồng rừng, ai cũng biết, chỉ những người có trách nhiệm có hề biết rằng liệu quỹ đất cho người dân nghèo miền núi trong 50 năm tới sẽ như thế nào và họ sẽ sống ra sao khi đất canh tác không còn? Và tất nhiên, họ - những người dân bao đời sống nơi rừng núi lại phải vào rừng chặt cây, phá rừng để lấy đất mưu sinh là điều khó tránh khỏi.
Theo VNN