Để tìm hiểu rõ việc một số tỉnh cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất rừng dài hạn, Pháp Luật TP.HCM đã tiếp cận các địa phương có dự án.
Cho thuê đất trồng rừng nguyên liệu
Theo ông Thân Văn Lợi - Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn, trên địa bàn tỉnh có ba dự án trồng rừng của ba công ty nước ngoài và liên kết với nước ngoài đã được cấp phép, gồm: Công ty TNHH một thành viên InnovGreen trụ sở tại Hong Kong, Công ty TNHH một thành viên Champion Logis của Đài Loan và Công ty Lâm nghiệp Lộc Bình (VN) liên kết Công ty Lâm trường Phái Dương Sơn của Trung Quốc.
“Thực tế chỉ có dự án InnovGreen triển khai, còn lại hai dự án họ bỏ về nước rồi. Chưa có văn bản nào của chủ đầu tư báo cáo, chúng tôi đang chờ hết 12 tháng sẽ thu hồi” - ông Lợi cho biết.
Ở biên giới phía bắc, một tỉnh nữa có dự án cho nước ngoài thuê rừng là Cao Bằng. Ông Bùi Triệu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này, cho biết: Cách đây 6-7 tháng, Công ty Hối Thăng (Trung Quốc) đặt vấn đề đầu tư vào địa bàn huyện Thạch An để trồng rừng và xây dựng một nhà máy chế biến gỗ. Công ty đã xin chủ trương và UBND tỉnh đã chấp thuận đầu tư.
Tại Nghệ An, UBND tỉnh cũng đã đồng ý cho Công ty InnovGreen Nghệ An thuê 5.000 ha đất để trồng rừng. Đến nay, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp phép 978 ha và phía Công ty InnovGreen Nghệ An mới chỉ xử lý xong thực bì, đang đào hố, chuẩn bị cây giống chờ trời mưa sẽ trồng cây rừng.
Rừng thuộc huyện miền biên Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: ĐẮC LAM
Tương tự tại Quảng Nam, nguồn tin từ UBND tỉnh cho biết vào tháng 7-2008, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty InnovGreen Quảng Nam để triển khai dự án “Trồng rừng nguyên liệu tại Quảng Nam”. Tổng vốn đầu tư của dự án là 40 triệu USD, thời gian cho thuê đất là 50 năm. Diện tích đất sử dụng dự kiến là 30.000 ha (trong đó 20.000 ha thuê đất trồng rừng và 10.000 ha hợp tác với người dân trồng rừng). Hiện UBND tỉnh đã chính thức cho công ty trên thuê 1.015 ha đất rừng tại năm xã biên giới, gồm xã Dang, Lăng, A Tiêng, A Vương, Bhalêê thuộc huyện Tây Giang. Đến nay, công ty này đã trồng được 40 ha rừng keo và bạch đàn tại hai xã Dang và Lăng.
Ý thức được vấn đề nhạy cảm?
Ông Thân Văn Lợi khẳng định không có chuyện tỉnh giao đất rừng phòng hộ mà là đất rừng sản xuất, kinh doanh. Dự án được cấp phép sau khi đã có quy hoạch. Tuy nhiên, khi được hỏi việc giao đất trồng rừng có tính đến các yếu tố về an ninh, quốc phòng, bảo vệ rừng đầu nguồn vì một số khu vực dự án thuộc huyện sát biên giới hay không, ông Lợi từ chối khéo: “Anh thông cảm, làm việc thẳng với giám đốc của tôi!”.
Đối với Quảng Ninh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trương Công Ngàn xác nhận trên địa bàn có dự án cho công ty nước ngoài thuê trồng rừng nhưng “không phải tất cả vào khu vực rừng đầu nguồn”. Ông Ngàn cũng cho biết sáng 2-3, UBND tỉnh đã họp để rà soát lại nên chưa thể cung cấp thông tin cụ thể.
Còn ở Cao Bằng, huyện Thạch An không phải huyện giáp ranh biên giới mà thuộc vùng sâu nhưng theo ông Bùi Triệu, “chúng tôi ý thức được đây là vấn đề nhạy cảm về an ninh, quốc phòng nên đã có ý kiến yêu cầu nhà đầu tư phải trình hồ sơ dự án. Nhưng từ đó tới nay cũng đã 6-7 tháng rồi, họ vẫn chưa trình. Theo luật, sau 12 tháng kể từ ngày địa phương cho chủ trương, nếu dự án đầu tư chưa triển khai thì coi như không thực hiện nữa”.
Tương tự, Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An cũng cho biết UBND tỉnh đã lường trước vấn đề nhạy cảm về an ninh, quốc phòng khi chấp thuận cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất trồng rừng. Vì vậy, trước khi quyết định cấp phép, UBND tỉnh đã đưa ra bàn và xin ý kiến nhất trí của Thường vụ Tỉnh ủy và Quân khu 4.
Nhiều lỗ hổng "Chủ trương phân cấp đầu tư khiến môi trường đầu tư ở các địa phương thông thoáng hơn nhưng cũng để lọt nhiều lỗ hổng đáng sợ. Trước đây dự án ở địa phương sử dụng trên 2 ha đất đã phải trình Thủ tướng ký duyệt. Như thế là chặt chẽ quá nên mới phải phân cấp. Nhưng phân cấp lại thành ra thoáng tới mức địa phương cứ tự ý quyết ráo cả. Do vậy, nếu trong quy hoạch đầu tư và trong quá trình thẩm định mỗi dự án, địa phương không tính toán, cân nhắc đầy đủ các yếu tố môi trường, xã hội, phát triển bền vững, an ninh, quốc phòng thì hậu quả sẽ nhiều rủi ro." Một chuyên gia ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư Chính phủ cần giải thích rõ "Về việc cho nước ngoài thuê đất rừng, tôi đọc thông tin trên các báo và rất ngạc nhiên! Tôi nghĩ Chính phủ cần phải giải thích một cách rất rõ ràng cho nhân dân biết việc đúng sai đến đâu, ai chủ trương như vậy. Tại sao mình không giao đất rừng cho dân đang rất cần mà lại cho các công ty nước ngoài thuê? Việc phân cấp quản lý đất, trong đó có đất rừng cho tỉnh là chủ trương hợp lý. Vấn đề ở đây là giao quyền nhưng Chính phủ phải kiểm tra. Và khi xảy ra chuyện thì phải kịp thời xử lý. Tôi nghĩ sau khi kiến nghị của tướng Đồng Sỹ Nguyên đưa lên chắc chắn Chính phủ phải có biện pháp giải quyết kịp thời. Trong trường hợp không giải quyết kịp thời, kỳ họp Quốc hội tháng 5 sắp tới, đại biểu sẽ chất vấn Chính phủ về việc này và có câu hỏi cụ thể hơn." GS-TS NGUYỄN MINH THUYẾT,Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội |
NHÓM PHÓNG VIÊN