Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia đều cho rằng việc nhiều địa phương cho nước ngoài thuê rừng đầu nguồn với thời hạn dài, bất lợi cho an ninh, quốc phòng và kinh tế-xã hội xuất phát từ việc phân cấp, giao quyền cho địa phương thiếu các điều kiện cụ thể và “rào giậu” hậu kiểm, để xảy ra chuyện “thả gà ra để đuổi”.
Địa phương có quyền
Theo Luật Đất đai năm 2003, việc phân cấp quản lý và định đoạt các loại đất nông nghiệp, lâm nghiệp đã giao hoàn toàn cho các địa phương. Trao đổi với báo chí, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng chủ trương phân cấp là đúng, vấn đề nằm ở chỗ địa phương thực hiện thẩm quyền quản lý và định đoạt của mình như thế nào cho tốt.
Theo ông Võ, địa phương làm tốt hay không tốt thì cũng có một phần trách nhiệm của trung ương do chưa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, thanh tra. Địa phương nếu chưa làm tốt thì có thiếu sót là chưa tường hết nghiệp vụ quản lý, chưa ý thức hết được thẩm quyền của mình và chưa thể hiện hết trách nhiệm với dân.
Một chuyên gia, cố vấn thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đề nghị không nêu tên) cũng cho biết: Xét về phương diện pháp lý thì việc chính quyền địa phương cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất là không có gì trái pháp luật; tuân thủ cả Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước, cũng như nghị định của chính phủ về giao và cho thuê đất lâm nghiệp.
Khi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ bị thu hẹp sẽ gây hậu quả khó lường. Trong ảnh: Ngập lụt ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam trong cơn bão số 9. Ảnh: TTXVN
Thiếu cơ chế giám sát, hậu kiểm
Đã có báo cáo về việc cho thuê rừng lên Thủ tướng Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những lo ngại về việc cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất dài hạn vùng rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn ở khu vực biên giới xung yếu đã được đặt ra từ bốn tháng trước. Ban Bí thư qua các kênh khác nhau đã nắm tình hình, đồng thời yêu cầu bộ này kiểm tra. Tuy nhiên, sau đó Thủ tướng giao cho Bộ NN&PTNT chủ trì thực hiện. Tướng Đồng Sỹ Nguyên cho biết Bộ NN&PTNT đã trực tiếp kiểm tra ở hai tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và yêu cầu các địa phương khác báo cáo. Thông tin tổng hợp đã được trình lên Thủ tướng. N.NHÂN |
Cũng theo vị này, mật độ dân số Việt Nam rất cao, tới 270 người/km2, so với mức trung bình của thế giới chỉ khoảng 40 người/km2. Người đông, đất ít như vậy nên việc giao đất cho dân địa phương là hết sức cần thiết, nhất là khi đa số đồng bào miền núi còn chưa có nghề phụ. Ấy vậy mà địa phương lại đem đất cho người nước ngoài thuê dài hạn. “Từ quan điểm kinh tế đầu tư, tôi thấy việc phân cấp đầu tư về địa phương là một ý tưởng tốt nhưng quá trình thực thi lại mang tính “khoán trắng”, rất nguy hiểm” - ông kết luận.
Nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc thì gọi đây là kiểu “thả gà ra khỏi chuồng để đuổi”, không có “rào giậu” hậu kiểm. “Phân cấp, giao quyền cho địa phương nhưng sử dụng quyền đó đến đâu, với điều kiện như thế nào thì chưa làm rõ. Do đó, phân cấp cho địa phương (giao đất, quyết định đầu tư) thì phải đặc biệt chú trọng đến cơ chế kiểm tra, giám sát, hậu kiểm” - ông Lộc nhấn mạnh.
Mới chỉ biết qua báo chí Cả ông Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội và đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân khi được hỏi đều cho biết mới chỉ biết thông tin về vụ việc qua báo chí, chắc phải tìm hiểu thêm. “Với những gì báo chí nêu thì có vẻ việc địa phương cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất rừng không có gì trái luật. Chỉ có điều băn khoăn là các địa phương đó đã cân nhắc yếu tố nhạy cảm, an ninh quốc phòng thế nào” - ông Xuân nói. Đe dọa đa dạng sinh học Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu. Vì thế, rừng có vai trò quan trọng sống còn với Việt Nam: giữ đất, giữ nước, bảo vệ đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, phải là loại cây tự nhiên, cây lâu năm mới có tác dụng hình thành rừng giữ đất, giữ nước. Khi doanh nghiệp nước ngoài thuê đất, chắc chắn họ sẽ không dại gì trồng cây lâu năm mà sẽ trồng cây công nghiệp ngắn hạn, ví dụ bạch đàn, keo… là những cây phát triển nhanh, làm hại đất và không duy trì tính đa dạng sinh học. Sau 50 năm, họ rút đi thì ta chỉ còn lại trơ đất bạc màu, khi đó tính sao? Đó là chưa kể vì lợi ích kinh tế, không nhà đầu tư nước ngoài nào thuê đất của ta lại tính đến việc trồng rừng phòng hộ cho ta. Họ sẽ chỉ khai thác và khai thác. Mất rừng phòng hộ, không giữ được nước sẽ gây lũ lụt, lở đất, mùa khô thì hạn hán. Thiên tai sẽ gây hậu quả khôn lường. Đợt bão số 9 vừa rồi chẳng hạn, gây thiệt hại rất lớn cho dân mặc dù lượng nước của nó thật ra ít hơn so với trước kia. Đó là hậu quả của việc rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ bị thu hẹp trong những năm gần đây. GS-TSKH Võ Quý, nhà môi trường học |
VĂN TIẾN - ĐOAN TRANG