Trong khuôn khổ Lễ hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM, Ban Điều hành Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Nam phối hợp với Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia và Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp quốc gia 'Liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam tại phía Nam'.
Đây là hoạt động mà Quảng Nam tìm hướng mở rộng thị trường tại các tỉnh phía Nam, kết nối, phát triển và đẩy mạnh thương mại các ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh trở lên tại thị trường TP.HCM hướng đến hoàn thiện dự án và tiếp cận thị trường nước ngoài; kết nối nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên Quảng Nam.
Hoạt động này cũng nhằm kêu gọi và vận động lực lượng chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp để giúp các tác giả, đồng tác giả hoàn thiện và phát triển dự án đúng hướng. Đặc biệt, là mong muốn thương mại hóa mạnh mẽ sản phẩm của Quảng Nam.
Phát biểu tại chương trình ông Phạm Ngọc Sinh, Phó GĐ Sở KH&CN, Trưởng ban Điều hành Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Nam cho biết Quảng Nam xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp mở, trong đó luôn luôn xây dựng, phát triển chương trình hợp tác, liên kết với phương châm "Quảng Nam - vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo".
Từ đầu năm 2018 đến nay, Quảng Nam đã xây dựng và phát triển chương trình phối hợp với các cơ quan trung ương, các địa phương, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trên cả nước về hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương và đã nhận được sự hợp tác hiệu quả của các đơn vị trong và ngoài nước.
Nhu cầu thị trường đang có xu hướng chuyển sang sử dụng những sản phẩm dịch vụ không chỉ đáp ứng yêu cầu cơ bản mà còn muốn sở hữu thêm các yếu tố vô hình khác, như văn hoá bản địa, câu chuyện đằng sau những sản phẩm, dịch vụ đó.
Thực tế cho thấy, từ những sự kiện kết nối, xúc tiến thương mại ở TP.HCM, nhiều sản phẩm Quảng Nam đã được mở rộng thị trường, vươn ra thị trường thế giới, đến các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Á... Trong đó có các sản phẩm của Bà Ba Hội, bánh dừa Bảo Linh, nhàu Best One, trầm hương...
"Các chương trình liên kết và hợp tác hướng đến huy động tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, lực lượng chuyên gia, cố vấn hàng đầu Việt Nam và nước ngoài để tổ chức đào tạo kiến thức, kỹ năng cho doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, hội viên, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên và cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh" – ông Phạm Ngọc Sinh cho hay.
Cũng theo ông Phạm Ngọc Sinh, mục tiêu của Quảng Nam đến năm 2030 là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp mở, năng động, linh hoạt để kết nối mạnh mẽ mạng lưới chuyên gia, cố vấn, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia, quốc tế; tổ chức các diễn đàn, sự kiện khởi nghiệp và phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp vùng, quốc gia, quốc tế.
Tiến sĩ Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia cho biết để khởi nghiệp và mở rộng thị trường thành công, đầu tiên các doanh nghiệp phải tin vào sản phẩm của mình, liên tục suy nghĩ, tư duy khách hàng trong nước, khách hàng quốc tế cần gì, làm sao để khách hàng nhớ đến sản phẩm của mình, phải chạm và tạo cảm hứng cho khách hàng.