VẤN NẠN QUẤY RỐI TÌNH DỤC NƠI CÔNG CỘNG:

Quấy rối tình dục: Chuyên gia bày cách phản kháng

(PLO)- Cần nhận diện đúng, không dễ dàng phớt lờ, thỏa hiệp với những hành vi có yếu tố tình dục làm cho bản thân cảm thấy khó chịu, xấu hổ; hãy mạnh mẽ lên tiếng vì chính mình, vì người khác và vì một môi trường sống lành mạnh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong một buổi workshop về phòng tránh quấy rối, lạm dụng tình dục tôi từng làm việc, một thành viên của nhóm dự án chia sẻ về trải nghiệm từng bị quấy rối của bản thân. Một người tham dự nói mình cũng từng là nạn nhân, cuối buổi có phóng viên trước khi rời đi nói mình cũng trải qua điều tương tự…

Trong suốt nhiều năm làm việc của mình, không ít lần tôi nghe từ cả nữ giới lẫn nam giới nói về những cảm giác khó khăn của bản thân liên quan đến các đụng chạm không mong muốn hoặc các lời gợi ý tình dục, bình phẩm cơ thể. Dường như những con số đo lường không thể kể hết được thực trạng đang diễn ra.

Quấy rối tình dục: Chuyên gia bày cách phản kháng
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên - Thành viên Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam. Ảnh: NVCC

Quấy rối tình dục không chỉ là đụng chạm

“Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là bất kỳ hành vi tình dục nào của một người đối với người khác tại nơi làm việc trái với ý muốn của người đó” (Điều 3.9 Bộ Luật Lao động). Theo ủy ban CEDAW (United Nations Committee on the Elimination of All Forms of Discrimination against Women): “Quấy rối tình dục bao gồm các hành vi có tính chất tình dục, không mong muốn như tiếp xúc thân thể, nhận xét/bình phẩm mang ý nghĩa tình dục, thể hiện, trưng bày hình ảnh tình dục, vật phẩm khiêu dâm; gạ gẫm tình dục bằng lời nói hoặc hành động. Hành vi đó có thể xúc phạm danh dự và ảnh hưởng đến sức khỏe và đe doạ sự an toàn”.

Hành vi quấy rồi tình dục có thể xảy ra dưới nhiều dạng
Hành vi quấy rồi tình dục có thể xảy ra dưới nhiều dạng. Ảnh minh họa: TL

Thực chất việc quấy rối không chỉ là các hành vi tiếp xúc cơ thể, mà còn là những việc làm khác liên quan đến yếu tố tình dục, vì vẫn tạo nên những cảm giác khủng hoảng, không an toàn cho cá nhân.

Các tình huống này có thể diễn ra trong lúc đi cùng thang máy, có đồng nghiệp đưa ra lời bình phẩm về cơ thể; cúi xuống nhặt đồ và có người khác cố tình nhìn vào cơ thể; nhận được những tin nhắn gạ gẫm, hình ảnh liên quan đến tình dục ….

Làm rõ giới hạn các hành vi của quấy rối tình dục, chúng ta có thể tin rằng: lời trấn an “Chỉ là câu nói đùa thôi mà”, “Thấy em mới vào nên muốn tìm cách làm quen”, “Thoải mái chút đi, đứng nghiêm trọng quá” … là không phù hợp và chúng ta không sai khi phản ứng lại với những điều này – những điều vốn được khuyên là nên “cho qua”, “dĩ hòa vi quý”, “nhịn cho lành”.

Những điều này diễn ra thường xuyên ở nơi làm việc có thể khiến nạn nhân rơi vào tình trạng yếu thế, các điều kiện làm việc bất lợi hoặc bị ảnh hưởng các quyền lợi tại nơi làm việc. Khi hành vi quấy rối tình dục lặp đi lặp lại, nạn nhân từ cảm giác xấu hổ, bực mình, khó chịu chuyển sang sợ hãi, hoang mang, rơi vào khủng hoảng tinh thần và bị ám ảnh thường xuyên. Họ mất tự tin và niềm tin vào người khác. Sự chịu đựng, ấm ức, buồn tủi làm họ thấy căng thẳng, dẫn đến trầm cảm, bi quan, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, khả năng học tập và làm việc. Theo đúng luật pháp và các quy định, mỗi chúng ta đều xứng đáng được bảo vệ khỏi những việc làm này.

Lên tiếng để bảo vệ bản thân

Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục, không loại trừ chức vụ, lĩnh vực nghề nghiệp, thâm niên công tác, phòng ban, giới tính. Nguy cơ bị quấy rối cao hơn ở các nhóm yếu thế trong công sở như nhóm có chức vụ thấp, các nhân viên mới vào làm việc hoặc thực tập sinh, và thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới.

Bước đầu tiên để phòng ngừa chính là việc nhận diện đúng, không phớt lờ hay bỏ qua những hành vi có yếu tố tình dục làm cho bản thân cảm thấy khó chịu, xấu hổ, không an toàn, bị động. Tiếp đó, bạn có năm lưu ý sau về cách thức phản ứng của bản thân:

Thứ nhất, bày tỏ cảm xúc không thoải mái và sự không đồng thuận trực tiếp bằng lời thay cho sự im lặng, thu rút, đóng băng hay các phản ứng phi ngôn ngữ như nhăn mặt, bước lùi.

Việc lên tiếng rõ ràng làm cho đối tượng thấy bạn hoàn toàn có thể phản kháng và không phải chỉ phản ứng “cho có lệ”. Để làm được điều này, trong trường hợp hành vi đã từng xảy ra và bạn lo sợ đến mức không phản kháng được, sau khi kết thúc bạn cần diễn tập bên trong suy nghĩ điều mình nên nói, nên làm nếu việc này lặp lại; hoặc bạn tự hình dung, luyện tập nói những câu từ chối ngay từ bây giờ để phòng ngừa cho bản thân.

Thứ hai, trao đổi với cấp trên khi cảm thấy cần được bảo vệ nhiều hơn. Trong lời trao đổi bạn cần có các mô tả cụ thể về sự cố đã gặp phải: thời gian, nhân vật, sự việc diễn ra; cùng với điều quan trọng nhất là nhu cầu của bạn cần cấp trên giúp đỡ điều gì, đề nghị giải quyết bảo mật hay giải quyết công khai. Trong trường hợp người tạo ra hành vi quấy rối chính là cấp trên, bạn cần trình bày với cấp cao hơn hoặc những vị trí ngang hàng với người cấp trên này.

Thứ ba, không xuôi theo và tham gia vào những lời bỡn cợt, trêu đùa liên quan đến tình dục vì điều này có thể khiến đồng nghiệp cho rằng bạn thoải mái với các hành vi đó.

Thứ tư, trong môi trường công sở lành mạnh và tôn trọng người lao động, sự lên tiếng sẽ không làm bạn bị xa lánh hoặc mất kết nối với các đồng nghiệp.

Thứ năm, sau khi đã được hỗ trợ giải quyết sự cố, bạn vẫn cảm thấy sợ, xấu hổ hoặc ám ảnh khi đi làm, bạn có thể đang cần sự hỗ trợ từ một chuyên viên tham vấn tâm lý.

Lên tiếng đóng góp cho môi trường làm việc an toàn

Một khảo sát quốc tế ghi nhận “98% lời kể của nạn nhân bị quấy rối tình dục là sự thật”, và trong 2% khác biệt này liên quan đến thời gian cụ thể chứ không sai về sự kiện. Vì vậy, nếu bạn có được nghe từ đồng nghiệp về nỗi lo sợ của họ trước hành vi, lời nói, tin nhắn quấy rối nào đó, thì 98% điều đó là sự thật. Việc họ chọn nói ra đã là một sự can đảm, và họ can đảm như vậy là để mời gọi sự giúp đỡ, cũng như muốn bảo vệ thêm cho những đồng nghiệp khác.

Bạn không thể thay họ quyết định sẽ làm gì, nhưng bạn có thể ở bên cạnh và cho biết họ chính đáng được bảo vệ, không có lỗi trong việc này và càng không có lỗi khi chọn lên tiếng. Sự phòng ngừa này, có ý nghĩa cho sự an toàn của chính bạn.

Với một số đồng nghiệp vô ý, không cố tình nhưng họ đã quen với cách đùa này, có thể nhắc nhở bằng cái tằng hắng, hoặc một vài câu nhắc nhờ mệnh lệnh ngắn “thôi đi nha”, “vui thôi đừng vui quá nha” …. Đó là cách thức tự xây dựng cho chính mình một môi trường làm việc văn minh, tôn trọng vì bạn xứng đáng được thuộc về một tổ chức an toàn, yên tâm làm việc hiệu quả.

Thạc sĩ tâm lý NGUYỄN HẢI UYÊN - Thành viên Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm