LTS: Nạn quấy rối tình dục đã và đang phổ biến ở khắp nơi nhưng vì nhiều lý do mà nạn nhân âm thầm chịu đựng; nếu có người phản ứng thì cũng hiếm người có thể cung cấp chứng cứ chứng minh.
Hãy cùng PLO nhận diện hành vi quấy rối tình dục, nghe hiến kế của chuyên gia, cùng cộng đồng lên tiếng, đồng hành và bảo vệ nạn nhân.
***
Quấy rối tình dục xảy ra trong môi trường công cộng như nơi làm việc, đường phố, công viên, phương tiện công cộng... đang ngày càng phổ biến.
Từ những vụ bê bối đến nỗi khiếp sợ của nhiều người
Rạng sáng 18-4, trên fanpage chính thức của Công ty sách Nhã Nam, tổng giám đốc công ty đã bất ngờ đăng tải bài xin lỗi vì "đã có một số hành động thể hiện sự quan tâm, quý mến" đối với một nữ nhân viên, khiến "vô tình gây bối rối, làm phiền, và có thể gây tổn thương với cô ấy".
Hiện nữ nhân viên này đã dừng công việc tại công ty sách vì "sợ hãi, căng thẳng, tức giận và cảm thấy không được tôn trọng"; một số tác giả ngừng cộng tác để phản đối cách ứng xử của những người có thẩm quyền trong công ty khi nghe trình báo vấn đề nghiêm trọng này.
Tháng 5-2018, ca sĩ Phạm Anh Khoa trong một cuộc họp báo đã cúi đầu xin lỗi các nữ đồng nghiệp vì họ đã phải nhận những "quấy rầy" từ anh. Ca sĩ cũng xin rút lại phát ngôn: "Ở showbiz chuyện vỗ mông là bình thường".
Một vụ bê bối kinh điển
Morgan Freeman (sinh năm 1937) là một nam diễn viên, đạo diễn, người trần thuật người Mỹ. Ông là diễn viên gạo cội và danh tiếng của Hollywood (Hoa Kỳ).
Năm 2018, ông bị 8 người phụ nữ tố có hành vi không đúng mực đối với họ. Chẳng hạn ông thường xuyên chạm và cố gắng kéo váy của nữ trợ lý lên và hỏi liệu cô có mặc đồ lót không... Thông tin lập tức gây sốc.
Ngay sau đó, Morgan Freeman lên tiếng xin lỗi những người từng khó chịu, buồn vì lời đùa cợt của mình. Tuy nhiên, ông khẳng định mình không làm gì sai trái hay quấy rối bất kỳ ai, ông “không bao giờ có chủ đích khiến phụ nữ cảm thấy không thoải mái".
Vụ việc ảnh hưởng lớn đến hình ảnh và công việc của Morgan Freeman khi bị mất hợp đồng quảng cáo và bị xem xét tước giải thưởng.
Chị NVHM (21 tuổi, sinh viên) vẫn ám ảnh khi nhắc đến một câu chuyện cũ: “Tối đó tôi đi học về trễ, khu làng đại học cũng dần tắt đèn nên ít người qua lại. Tôi dừng xe kiểm tra có mang theo thẻ kí túc xá không thì thấy một người đàn ông mặc áo sơ mi, quần đùi tiến lại gần. Tôi nghĩ là một bạn sinh viên nào đó đi dạo nên cũng không để ý nhiều” – chị M nhớ lại.
Tuy nhiên, người đàn ông này chạy đến và đưa bộ phận nhạy cảm ra trước mặt chị M và kèm theo những lời thô lỗ: “Nhìn đi em”, “sờ đi”,... “Tôi run lên bần bật, cố gắng lờ đi và phóng xe chạy thật nhanh” - chị M kể.
Khác với chị M, anh PNL (27 tuổi, quận 3) bị quấy rối khi đi xe bus. Anh L cho biết hôm đó vẫn đi xe bus như mọi ngày, anh thường chọn ngồi hàng ghế cuối cùng vì trạm dừng của anh là điểm cuối.
“Tôi đeo tai nghe, đang thiu thiu ngủ thì bỗng dưng cảm nhận được một bàn tay sờ vào đùi và dần di chuyển hướng tay đến vùng nhạy cảm. Tôi giật mình mở mắt ra thì thấy một người đàn ông trạc 50 tuổi ngồi gần mình, đưa tay ra hiệu im lặng. Tôi rất bực mình nhưng không lên tiếng, chỉ bấm chuông xuống trạm ngay sau đó” - anh L nói.
Anh L chia sẻ vì ở nơi công cộng và một phần là con trai nên anh ngại làm lớn chuyện. Tuy nhiên sau khi về đến nhà anh đã rất sợ và không dám ngồi hàng ghế cuối xe bus vì quá ám ảnh.
Ở môi trường hẹp hơn là nơi công sở, các nạn nhân của nạn quấy rối tình dục cũng khóc dở mếu dở vì nó. Những câu nói kiểu bóng gió liên quan đến chuyện chăn gối, làm tình, chim bướm gây khó chịu cho người nghe... nhưng lại được biện minh là "trêu đùa".
Chị Thu Trang, nhân viên một công ty tại TPHCM, chia sẻ rằng việc chị từng là nạn nhân, và cũng là người đã chứng kiến đồng nghiệp mình là nạn nhân của quấy rối tình dục.
Vài năm trước, khi còn làm nhân viên kinh doanh tại TP.HCM, vì đặc thù công việc nên chị và nhóm đồng nghiệp phải đi tiếp khách hàng nhiều. Do vậy, dù đôi lúc rơi vào tình huống bị nam đối tác cố ý đụng chạm vào những chỗ nhạy cảm, chị và đồng nghiệp cũng không thể đứng lên la lối hay đi về, vì sợ ảnh hưởng đến mối quan hệ làm ăn.
Đừng chờ ai lên tiếng giùm mình
Ở nơi cộng cộng, chị M và anh L nêu trên đều không phản kháng, họ chỉ tìm cách tháo chạy nhanh nhất. Do đó, những trường hợp mà họ gặp phải tái diễn ở nhiều nơi, với nhiều người.
Riêng trường hợp trong môi trường công sở, gặp đối tác làm ăn như của chị Thu Trang, chị và đồng nghiệp đã tìm ra cách thức đối phó với việc bị quấy rối: Do thường làm việc theo nhóm nên họ dặn nhau là gặp tình huống bị quấy rối thì một người trong nhóm sẽ vào "đánh lạc hướng" để cho đối tượng lơ là, giảm sự chú ý, từ đó giúp đồng nghiệp của mình có thể thoát hiểm an toàn.
"Việc sờ mó, đụng chạm cơ thể, cấu véo..., những lời nói khiếm nhã có ngụ ý về tình dục là những hành vi quấy rối tình dục. Tôi tin rằng trong những trường hợp cụ thể như vậy, chúng ta cần chủ động lên tiếng để bảo vệ mình, cùng phối hợp giúp nhau thoát khỏi hiểm nguy mà không mất mối làm ăn. Giả sử có vì sự chống đối của mình mà việc làm ăn gặp khó thì cũng không nên quá tiếc nuối, bởi danh dự nhân phẩm của chúng ta là vô giá.
Xã hội văn minh càng phải lên án mạnh mẽ những hành vi xấu. Lên án mạnh mẽ để thay đổi nhận thức. Và vận dụng pháp luật để điều chỉnh ngay những hành vi đó. Nếu người bị lạm dụng, bị quấy rối lại trở nên lo lắng, ngại tố cáo, ngại công khai sự việc thì cũng khó để pháp luật, xã hội có thể bảo vệ họ" - chị Trang nói.
5 cách nhận diện hành vi quấy rối tình dục
Tất cả những hành động dụ dỗ, cưỡng ép, đùa giỡn… liên quan tới tình dục hoặc giới tính mà không có sự đồng thuận hoặc gây khó chịu cho một trong hai người, nhất là đối với phụ nữ, đều là khiếm nhã và đáng lên án. Bởi vì những hành vi đó đều thể hiện sự coi thường nhân phẩm của người kia, không có lý do gì để biện minh cả.
Ngay năm đầu tiên đại học ở Mỹ, tôi đã được dạy rất kỹ về cách nhận diện “sexual harassment” (quấy rối tình dục) trong lớp “Freshman Preparation”, một lớp học đại cương dành cho sinh viên năm nhất. Tất cả những hành vi sau đây đều có thể bị khép vào tội quấy rối tình dục nếu có đầy đủ bằng chứng:
1. Có hành vi tiếp xúc đụng chạm đến bất cứ bộ phận nào trên cơ thể của người khác (cả nam lẫn nữ) mà không được sự cho phép của đối phương trừ trường hợp khẩn cấp hoặc bất khả kháng như cấp cứu hoặc cứu hộ tai nạn.
2. Có những lời nói đề cập tới chuyện giới tính hoặc tình dục với đối phương (cả nam lẫn nữ) trực tiếp (dụ dỗ, gạ gẫm,ép buộc…) hoặc gián tiếp (kể chuyện cười "mặn", nói đùa có ẩn ý…) trong những hoàn cảnh không thích hợp như công sở, trường học, nơi công cộng… Đặc biệt, nếu đối phương tỏ ra thái độ khó chịu hoặc phản đối mà vẫn tiếp tục thì có thể xem đây là hành vi cố ý quấy rối và là tình tiết tăng nặng khi phán tội.
3. Có những lời nói hoặc cử chỉ bình phẩm khiếm nhã đối với cơ thể của đối phương.
4. Gửi những tin nhắn thoại, hình ảnh, video… có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới giới tính và tình dục qua điện thoại, email hoặc chat. Nếu đối phương đã yêu cầu ngưng mà người kia vẫn tiếp tục thì bị xem là hành vi cố ý quấy rối.
5. Đối với những cặp đôi như người yêu hoặc vợ chồng, nếu một trong hai người ép buộc người kia quan hệ tình dục trái với nguyện vọng cũng có thể cấu thành tội tấn công tình dục (sexual assault) nếu người bị ép buộc tố cáo chứ không còn là quấy rối tình dục nữa.
Ông HUỲNH CHÍ VIỄN, tác giả sách "Tuổi trẻ dùng để làm gì?"
Nam diễn viên 80 tuổi lãnh 8 tháng tù vì quấy rối tình dục
Tháng 3 vừa qua, Tòa án quận Suwon (Hàn Quốc) tuyên phạt ông Oh Young Soo (sinh năm 1944) 8 tháng tù giam với thời gian quản chế là 2 năm vì có hành vi quấy rối tình dục đối với một phụ nữ trẻ. Ông còn phải tham gia 40 giờ của chương trình phòng chống bạo lực, tấn công tình dục.
Ông bị kết luận đã "phơi bày ham muốn" với phụ nữ sau khi say rượu, cố tình hôn lên má cô khi không được cô cho phép. Tuy nhiên ông liên tục phủ nhận cáo buộc, cho rằng chỉ nắm tay cô để được dẫn quanh hồ.
Oh Young Soo là một tên tuổi lão làng của nền điện ảnh Hàn Quốc. Ông tham gia vai trùm cuối trong phim Squid Game (Trò chơi con mực) - bộ phim được khán giả toàn cầu chú ý năm 2021, thu hút hơn 111 triệu lượt xem. Thành công của phim khuếch đại tầm ảnh hưởng của Hàn Quốc với văn hóa đại chúng toàn cầu, sau Kpop và bộ phim đoạt giải Oscar Ký sinh trùng (Parasite).