Như PLO đã thông tin, rạng sáng 18-4, trên fanpage chính thức của Nhã Nam, ông Nguyễn Nhật Anh, Giám đốc công ty Nhã Nam đã bất ngờ đăng tải bài xin lỗi cũng như giải thích những vấn đề liên quan đến bản thân ông những ngày vừa qua.
Trước đó, trên các diễn đàn mạng xã hội liên tục chia sẻ thông tin không chính thức cho rằng ông Nguyễn Nhật Anh, Giám đốc của Nhã Nam có hành vi quấy rối với nhân viên nữ của công ty.
Trong tâm thư giải thích, ông Nguyễn Nhật Anh viết: "Tôi đã có một số hành động thể hiện sự quan tâm, quý mến đối với cô. Những hành động này không vượt quá các giới hạn đạo đức giữa con người với con người và nằm trong bối cảnh cụ thể. Nhưng điều tôi không lường được là vô tình gây bối rối, làm phiền, và có thể gây tổn thương với cô ấy.
Cho đến gần đây tôi mới được biết. Tôi đã gửi lời xin lỗi chân thành tới cô ấy vào ngày 31 tháng 3 năm 2024".
Từ những lùm xùm trong câu chuyện trên, bạn đọc đã đặt câu hỏi: Thế nào là quấy rối tình dục tại nơi làm việc? Người thực hiện hành vi có bị phạt?
Về vấn đề này, Khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.
Giải thích rõ hơn, Điều 84 Nghị định 145/2020 nêu rõ: Quấy rối tình dục quy định tại khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:
(i) Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;
(ii) Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;
(iii) Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
Nơi làm việc là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.
Với tính chất nêu trên, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi bị nghiêm cấm.
Người có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 15 - 30 triệu đồng, theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 12/2022.
Ngoài ra, Bộ luật lao động 2019 cũng quy định người lao động bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước. Trường hợp người thực hiện hành vi quấy rối tình dục là người lao động thì sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải.