GÓP Ý SỬA LUẬT CÔNG CHỨNG – Bài 2

'Siết' công chứng ngoài trụ sở: Các công chứng viên nói gì?

(PLO)- Nhiều công chứng viên khi được hỏi đều cho rằng nếu dự luật quy định "cứng" các trường hợp được công chứng ngoài trụ sở thì không bao quát hết được các tình huống phát sinh trên thực tế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) mới nhất có nhiều nội dung đáng chú ý; trong đó có quy định mới về việc công chứng ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng.

Dự thảo đã bổ sung các trường hợp cụ thể mới được công chứng ngoài trụ sở, bỏ quy định cho phép công chứng ngoài trụ sở vì “có lý do chính đáng khác”. Nhiều ý kiến cho rằng việc quy định như vậy sẽ khó bao quát hết các tình huống trong thực tiễn.

Để rộng đường dư luận, Pháp Luật TP.HCM giới thiệu ý kiến của một số công chứng viên (CCV) về đề xuất trên tại dự thảo:

TS.CCV HOÀNG MẠNH THẮNG, Trưởng phòng công chứng số 2, TP.HCM:

Nhu cầu thực tiễn chính đáng

CCV-Hoang-Manh-Thang-.png
TS..CCV Hoàng Mạnh Thắng

Về địa điểm công chứng, bên cạnh một số trường hợp cụ thể được công chứng ngoài trụ sở thì khoản 2 Luật Công chứng 2014 có quy định trường hợp “có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.”

Đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích “lý do chính đáng khác” ở quy định trên là những lý do gì.

Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp công dân, doanh nghiệp yêu cầu CCV thực hiện công chứng tại địa điểm ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng, như trường hợp thanh toán một số tiền rất lớn qua ngân hàng mà các bên phải yêu cầu CCV công chứng tại trụ sở ngân hàng để vừa ký vừa thanh toán tiền thì giao dịch mới thành công.

Những trường hợp này nếu không thực hiện công chứng ngoài trụ sở sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán, kinh doanh… làm cho các giao dịch dân sự, thương mại khó thành công.

Mặt khác, Điều 639 của BLDS 2015 có quy định người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng viên tới chỗ ở của mình để lập di chúc. Quy định này dường như cũng không bị hạn chế bởi những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật Công chứng 2014.

Tuy nhiên, quy định như Điều 639 BLDS 2015 thì vẫn có thể hiểu “máy móc” rằng CCV chỉ có thể lập di chúc tại chỗ ở của người lập di chúc. Xác định rõ nội hàm về “chỗ ở” cũng là vấn đề cần luận bàn.

Với những trường hợp trên thì việc công chứng ngoài trụ sở có xem là đúng pháp luật không khi mà Luật Công chứng không quy định rõ, làm cho CCV dễ bị “sờ gáy” khi thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm!

Do đó, vấn đề không phải là siết lại quy định ký công chứng ngoài trụ sở, vì thực tiễn cho thấy đây là nhu cầu chính đáng trong đời sống xã hội, khó có thể cấm đoán. Vấn đề là cần quản lý làm sao cho việc công chứng được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục luật định đối với việc công chứng ngoài trụ sở.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần xác định rõ việc công chứng phải được thực hiện ở lãnh thổ Việt Nam và nội dung này cần được ghi rõ trong luật. Bởi hiện nay, Luật Công chứng 2014 và các văn bản hướng dẫn đều không quy định về vấn đề này.

công chứng ngoài trụ sở
Công chứng viên đang kiểm tra hồ sơ, giấy tờ của người có yêu cầu công chứng. Ảnh: NTH

TS.CCV NINH THỊ HIỀN, Trưởng VPCC Ninh Thị Hiền, TP.HCM:

Sẽ phát sinh tình huống chính đáng luật chưa điều chỉnh

công chứng ngoài trụ sở
TS. CCV Ninh Thị Hiền

Ý nghĩa của việc người yêu cầu công chứng đến trụ sở hành nghề công chứng để xác lập hợp đồng, hành vi pháp lý là để thể hiện sự cố ý, quyết tâm thực hiện hành vi pháp lý của người yêu cầu công chứng.

Trong thực tế, CCV cũng từ chối công chứng ngoài trụ sở đối với trường hợp không thuộc khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng 2014.

Việc Điều 44 dự thảo quy định cứng các trường hợp được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng thì sẽ phát sinh những tình huống “chính đáng” nhưng luật chưa điều chỉnh, như:

(1) CCV thực hiện công chứng tại trụ sở ngân hàng nhằm hỗ trợ bên mua, bên bán được an toàn, thuận tiện trong việc thanh toán tiền liên quan giao kết hợp đồng, hành vi pháp lý.

(2) Khi khách hàng cùng lúc thực hiện nhiều giao dịch tại tổ chức tín dụng như: hợp đồng vay, hợp đồng thế chấp, định giá, các văn bản thỏa thuận liên quan khác nên cần thực hiện công chứng tại ngân hàng.

(3) Một số trường hợp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc “người được ủy quyền” không thể rời trụ sở, nơi làm việc của doanh nghiệp để giao kết hợp đồng...

Nhìn sang các quốc gia khác trên thế giới, nhiều nơi CCV còn được chứng nhận, chứng thực Điều lệ doanh nghiệp, các biên bản họp của công ty, doanh nghiệp. Khi đó bắt buộc CCV phải thực hiện tại nơi diễn ra cuộc họp. Pháp luật quy định trong trường hợp này phải thể hiện các sự kiện liên quan đến việc thực hiện công chứng trong phần lời chứng của CCV.

Do đó, để dịch vụ công chứng là một dịch vụ công đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhân dân, thiết nghĩ các trường hợp trên cần quy định trong luật để tạo sự ổn định và góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng trong tương lai.

CCV HUỲNH THỊ NGỌC YẾN, Trưởng VPCC Huỳnh Thị Ngọc Yến, TP.HCM:

Giữ như hiện hành sẽ hợp lý hơn

Luật Công chứng 2014 quy định một số trường hợp việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Đơn cử, người dân đi mua nhà nhưng căn nhà đó đang được thế chấp tại một ngân hàng. Với trường hợp này, thông thường người dân có yêu cầu CCV đến tại ngân hàng để thực hiện. Tại đây, ngân hàng có thể trích xuất sổ hồng bản chính, CCV trực tiếp kiểm tra để người mua an tâm thực hiện giao dịch mua bán. Đây cũng là một trong những “lý do chính đáng” cho việc công chứng ngoài trụ sở.

Tuy nhiên, việc dự thảo không liệt kê trường hợp nêu trên và bỏ đi cụm từ "có lý do chính đáng khác" sẽ gây khó khăn cho người dân và tổ chứng hành nghề công chứng.

Do đó, theo tôi nên giữ như quy định cũ thì sẽ hợp lý hơn.

Không ôm hết được các quan hệ xã hội

Nếu quy định chỉ gói gọn từng trường hợp cụ thể được công chứng ngoài trụ sở như dự thảo sẽ không “ôm hết” các quan hệ xã hội.

Ví dụ, hai vợ chồng lớn tuổi làm ủy quyền cho con, người vợ thì bị bệnh nằm liệt ở nhà và có thể yêu cầu công chứng đến tận nhà thực hiện. Tuy nhiên, người chồng đi lại được và phải đến trụ sở thực hiện việc công chứng thì sẽ mất thời gian và không hợp lý.

Một trường hợp khác như hồ sơ khai di sản thừa kế của người mẹ đã chết. Người cha, già không đi được thì được đến làm công chứng tại nhà. Tuy nhiên, những người con cũng phải ký tên vào tờ khai nhưng không thuộc trường hợp được “sử dụng dịch vụ tại nhà” thì như thế sẽ bất tiện trong giao dịch và không hợp lý.

Có thể thấy, vị trí công chứng không làm thay đổi tình thế của hồ sơ. Nếu CCV kiểm tra chặt tính pháp lý của hồ sơ thì việc công chứng có thể thực hiện ở đâu cũng được.

Ngoài ra, xét ở góc độ nào đó thì nghề công chứng cũng là nghề làm dịch vụ. Nếu trường hợp một người cần công chứng để giao dịch chuyển nhượng nhưng không có thời gian đến công chứng thì CCV có thể đến nơi khách hàng yêu cầu để thực hiện để phục vụ tốt cho khách hàng.

Một CCV tại TP.HCM

Quan trọng hơn vẫn là chất lượng công chứng

Trong giao dịch dân sự, mục đích của công chứng là đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên khi tham gia giao dịch dân sự, phòng ngừa tranh chấp..

Do đó, tôi cho rằng, công chứng tại trụ sở hay ngoài trụ sở, không quan trọng lắm. Điều quan trọng là làm sao đảm bảo được tính xác thực, tính hợp pháp của giao dịch dân sự, để phòng ngừa tranh chấp. Muốn vậy thì CCV cần có trình độ, chuyên môn thật sự, có đạo đức nghề nghiệp.

Khi đó, cho dù công chứng tại trụ sở hay ngoài trụ sở thì công chứng viên cũng có thể sử dụng kiến thức và các kỹ năng của mình (hỏi để xác định được yêu cầu công chứng, năng lực hành vi dân sự; nhận diện chữ viết, chữ ký, con dấu,...) vào việc công chứng giao dịch dân sự, nhằm đảo bảo tính xác thực và tính hợp pháp của giao dịch dân sự.

Ngoài ra, để thuận tiện cho người dân trong công việc, tôi cho rằng, dự thảo nên theo hướng mở rộng thêm các trường hợp được công chứng ngoài trụ sở.

Luật sư NGUYỄN PHƯỚC VẸN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm